Nỗi lo rượu pha cồn công nghiệp lại “nóng” dịp cuối năm

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Trung tuần tháng 12-2023, Trung tâm Chống độc - Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận đến 3 ca bị biến chứng mù mắt do ngộ độc rượu pha cồn công nghiệp. Như một quy luật, dịp cuối năm nào số ca nhập viện do ngộ độc rượu cũng gia tăng…

Rượu “độc” tồn tại khá phổ biến

Ông Đ.V.K (59 tuổi, quê ở Quảng Xương, Thanh Hóa) có thói quen uống rượu trong bữa sáng. Trước khi nhập viện 2 ngày, ông K uống rượu tại quán ăn rồi về nhà tiếp tục uống thêm, đến khi thấy mệt mỏi, đau đầu, nôn ói thì lên giường đi nghỉ. Hai ngày sau, ông K thấy tình trạng ngày một nặng hơn, đi ngoài liên tục kèm nôn mửa, đến tối ngày 14-12 thì mất hẳn thị lực. Lúc đầu, gia đình đưa ông K ra Bệnh viện Mắt Trung ương khám.

Sau khi thăm khám, nghi ngờ bệnh nhân ngộ độc Methanol (cồn công nghiệp) nên các bác sĩ đã chuyển bệnh nhân sang Trung tâm Chống độc - Bệnh viện Bạch Mai. Tại đây, ông K được các bác sĩ chẩn đoán ngộ độc Methanol. Sau thời gian điều trị tích cực, bệnh nhân bảo toàn tính mạng, nhưng thị lực không thể phục hồi. Ngoài ra, do bệnh nhân uống rượu trong một thời gian dài nên đã dẫn tới xơ gan.

TS.BS Nguyễn Trung Nguyên thăm khám cho một bệnh nhân ngộ độc rượu nặng

TS.BS Nguyễn Trung Nguyên thăm khám cho một bệnh nhân ngộ độc rượu nặng

Tương tự, bệnh nhân B.V.T (69 tuổi, quê ở Tam Dương, Vĩnh Phúc) cũng có thói quen uống rượu vào buổi sáng và uống rất nhiều, trung bình khoảng 1 lít/ngày nên gia đình thường mua rượu ở chỗ người quen để đảm bảo an toàn. Ngày trước khi nhập viện, ông T nhờ cháu ngoại đi mua rượu ở cửa hàng tạp hóa về uống. Sau khi uống, ông thấy đau đầu, nôn ói nên đi ngủ. Khi ngủ dậy thì thấy mắt không nhìn được nữa và gia đình vội đưa đi cấp cứu. Kết quả xét nghiệm nồng độ Methanol trong máu bệnh nhân cho kết quả rất cao. Tại bệnh viện, bệnh nhân còn xuất hiện những cơn vật vã, kích thích ảo giác do nghiện rượu…

Khi xét nghiệm mẫu rượu 2 bệnh nhân đã uống (do gia đình mang đến kiểm tra), kết quả phát hiện rượu có Methanol (một loại cồn công nghiệp) với hàm lượng trên 24mg/l, cao gấp 4 lần lượng Ethanol. Đáng chú ý, khi được hỏi cụ thể loại rượu mà 2 bệnh nhân này đã uống thì một người cho biết mua từ hàng xóm, người còn lại không nhớ vì đã từng mua ở quá nhiều nơi. Điều đó cho thấy rượu chứa cồn công nghiệp vẫn đang trôi nổi, tồn tại khá nhiều trên thị trường.

Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã đề nghị các cơ quan chức năng liên quan tăng cường phối hợp thanh tra, kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu, trong đó chú trọng vào các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu nhỏ lẻ, nhất là các cơ sở nấu rượu thủ công. Từ đó, ngăn chặn kịp thời các loại rượu sản xuất, pha chế không bảo đảm an toàn, rượu không rõ nguồn gốc, không có nhãn mác đưa ra lưu thông trên thị trường.

TS.BS Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc cho biết, với 2 bệnh nhân được chẩn đoán mù mắt do uống rượu pha cồn công nghiệp kể trên, tiên lượng phục hồi xấu do quá trình tổn thương nhiều ngày mới tới bệnh viện. Trước đó, một bệnh nhân khác cũng vào điều trị tại Trung tâm Chống độc trong tình trạng biến chứng mù mắt do ngộ độc rượu. Tính chung số ca ngộ độc rượu vào cấp cứu thì con số cao hơn nhiều và thường có xu hướng gia tăng trong dịp cuối năm, trước và sau Tết Nguyên đán.

Lấy mẫu rượu để xét nghiệm trong vụ nhiều thực khách ngộ độc Methanol sau khi ăn quán vỉa hè ở Bắc Kạn hồi giữa tháng 10-2023

Lấy mẫu rượu để xét nghiệm trong vụ nhiều thực khách ngộ độc Methanol sau khi ăn quán vỉa hè ở Bắc Kạn hồi giữa tháng 10-2023

Rượu nào cũng có thể gây ngộ độc

Theo các chuyên gia, rượu chứa cồn công nghiệp Methanol hoàn toàn không phải do các loại rượu nấu truyền thống mà do các tiểu thương mua Methanol về đóng chai hoặc pha chế thành các loại rượu “rởm”. Điều đáng lo ngại là tình trạng ngộ độc do uống rượu pha Methanol có xu hướng gia tăng. Đây là chất rất độc, chỉ cần uống 5 - 15ml có thể gây ngộ độc nặng; từ 15ml trở lên có thể gây mù lòa; từ 30ml trở lên có thể gây tử vong. Trong khi đó, rượu chứa cồn công nghiệp rất khó phân biệt với rượu thực phẩm. Thậm chí, uống loại rượu này còn có vị ngọt, dễ uống hơn. Khi xuất hiện các dấu hiệu điển hình như hôn mê hoặc mù mắt, bệnh nhân lúc này đã trong tình trạng nặng.

Qua phân tích từ các vụ ngộ độc rượu vào điều trị tại bệnh viện, TS.BS Nguyễn Trung Nguyên cho biết, rượu trắng pha cồn công nghiệp Methanol là nguyên nhân hàng đầu gây ra ngộ độc, tiếp đến là rượu ngâm cỏ cây rừng độc, rượu ngâm củ ấu, rượu ngâm động vật... Càng thời điểm cuối năm và dịp lễ hội đầu xuân, nhu cầu giao lưu, tụ tập liên hoan, tất niên tăng, lượng tiêu thụ rượu cũng tăng và đây là thời điểm nhiều loại thực phẩm trôi nổi không đảm bảo chất lượng (bao gồm cả rượu giả, rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ) được trà trộn, tràn ra thị trường nhiều hơn.

Nguy cơ ngộ độc vì thế càng gia tăng hơn. Để phòng tránh ngộ độc rượu Methanol, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã đề nghị các cơ quan chức năng liên quan tăng cường phối hợp thanh tra, kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu, trong đó chú trọng vào các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu nhỏ lẻ, nhất là các cơ sở nấu rượu thủ công. Từ đó, ngăn chặn kịp thời các loại rượu sản xuất, pha chế không bảo đảm an toàn, rượu không rõ nguồn gốc, không có nhãn mác đưa ra lưu thông trên thị trường.

Cảnh giác rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ

TS.BS Nguyễn Trung Nguyên nhấn mạnh, tất cả loại rượu đều có thể gây ngộ độc nếu lạm dụng. Mặt khác, việc uống quá nhiều chất cồn từ bia, rượu sẽ làm người uống mắc các bệnh lý liên quan đến gan, rối loạn tâm thần, hành vi, thoái hóa hệ thần kinh, nhiễm độc, bệnh dạ dày, bệnh tim mạch…

Để phòng ngừa ngộ độc Methanol, bác sĩ khuyến cáo người dân cần nâng cao cảnh giác, đề phòng tác hại của rượu nói chung và ngộ độc rượu Methanol nói riêng. Tốt nhất là nên hạn chế uống rượu để tránh uống phải rượu có Methanol. Nếu uống rượu, cần uống rượu có nguồn gốc rõ ràng, nên mua rượu tại những nơi có địa chỉ phân phối, siêu thị. Bên cạnh đó cũng cần phải có sự quản lý chặt chẽ của cơ quan chức năng đối với hoạt động kinh doanh cồn công nghiệp.