- Tỷ giá có thể tăng 3% trong năm 2025, lãi suất tiếp tục duy trì ở mức thấp
- Lợi nhuận ngân hàng: Hé lộ nhiều gam màu sáng
- Thủ tướng yêu cầu kiểm soát chặt lãi suất huy động, xử nghiêm ngân hàng cạnh tranh lãi suất không lành mạnh
Nợ xấu vẫn đè nặng các ngân hàng
Theo số liệu từ báo cáo tài chính của 27 ngân hàng niêm yết, tính đến cuối quý III/2024, tổng số dư nợ xấu (nợ nhóm 3 - 5) của các ngân hàng này ở mức 253.479 tỷ đồng, tăng 56.160 tỷ đồng so với cuối năm 2023 (tương đương tăng 28,5%). Mức tăng này cao hơn nhiều so với tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế và chiếm 2,3% tổng dư nợ cho vay khách hàng của 27 ngân hàng.
Trong khi đó, bộ đệm dự phòng nợ xấu của các ngân hàng đang có xu hướng mỏng đi. Dữ liệu cho thấy, cuối tháng 9/2024, chỉ còn 4 ngân hàng có tỷ lệ dự phòng nợ xấu trên 100% là Vietcombank, VietinBank, BIDV, Techcombank. Phần lớn các ngân hàng ghi nhận tỷ lệ này sụt giảm trong năm qua.
Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội ngân hàng Việt Nam (VNBA), trong năm 2025, nợ xấu vẫn là một bài toán khó với các ngân hàng, đặc biệt khi các doanh nghiệp còn đang rất khó khăn, vừa mới trải qua giai đoạn dài ảnh hưởng bởi Covid-19, tiếp tục gánh chịu hậu quả từ thiên tai như bão Yagi.
Hiện tại, cơ cấu nợ, thời hạn nợ được điều chỉnh nhưng bản chất nó vẫn là nợ xấu. Vì vậy khi cho vay mới, ngân hàng luôn phải xem xét các khoản nợ cũ, xem doanh nghiệp, khách hàng có khả năng trả nợ hay không.
“Hiện nay, tỷ lệ nợ xấu toàn hệ thống chưa đến 3%. Tôi nghĩ đây là con số rất ấn tượng. Tuy nhiên, áp lực nợ xấu vẫn kéo dài sang năm 2025 khi Thông tư 02/2023/TT-NHNN hết hiệu lực thì tất cả các khoản cơ cấu nợ sẽ là một áp lực với các tổ chức tín dụng” – ông Hùng nói.
Áp lực nợ xấu ngân hàng gia tăng khi Thông tư 02 về cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ hết hiệu lực |
Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, thời gian qua, ngành ngân hàng có nhiều giải pháp để giảm áp lực nợ xấu. Một trong những giải pháp chính vẫn là trích lập dự phòng rủi ro, xử lý nợ xấu bằng nguồn tự lực của các ngân hàng; đẩy mạnh thu hồi nợ, xử lý các loại tài sản đảm bảo với các khoản nợ không có khả năng thu hồi…
Tuy nhiên, theo ông, trong bối cảnh thị trường bất động sản có lúc trầm lắng, dù đã có dấu hiệu chuyển động thời gian vừa qua nhưng giá cả cao nên vấn đề xử lý phát mại tài sản đảm bảo cũng như tiêu thụ sản phẩm rất khó khăn.
Đặc biệt, theo ông Hùng, Nghị quyết 42 cho phép các ngân hàng được thu giữ tài sản đảm bảo. Tuy nhiên, sau khi Luật Tổ chức tín dụng thông qua thì ngân hàng không được phép thu giữ tài sản đảm bảo nữa. Điều này cũng sẽ dẫn đến những khó khăn cho ngân hàng trong việc tiếp cận, thu hồi nợ, đặc biệt là nợ xấu, đặc biệt là khi không có sự hợp tác của người vay. Vì vậy, ngân hàng sẽ cần trích một phần lợi nhuận để xử lý những khoản nợ xấu.
Giảm lãi suất là bài toán khó khăn
Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có nhiều chính sách và liên tục yêu cầu các ngân hàng thương mại giảm lãi suất để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Theo NHNN, lãi suất cho vay bình quân năm 2023 đã giảm hơn 2,5%/năm so với cuối năm 2022; đến hết tháng 10/2024 tiếp tục giảm thêm khoảng 0,76%/năm so với cuối năm 2023.
Dù vậy, lãnh đạo NHNN thừa nhận việc giảm thêm lãi suất thời gian tới là rất khó khăn. Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho rằng, các yếu tố gây áp lực lên lãi suất gồm: tỷ giá; nhu cầu vốn tín dụng đang có xu hướng tiếp tục tăng thời gian tới; cuối cùng nợ xấu cũng là trở ngại khiến ngân hàng thương mại khó giảm thêm lãi suất cho vay, vì lãi suất phản ánh rủi ro của nền kinh tế
Ông Nguyễn Quốc Hùng cũng cho rằng, trong thời gian tới lãi suất huy động có thể rất khó giảm. “Trong điều kiện phát triển như vậy luôn luôn đòi hỏi ngân hàng cần hỗ trợ doanh nghiệp thông qua việc cho vay với lãi suất thấp. Đây cũng là một trong những áp lực, khi mà ngân hàng vừa phải giảm lãi suất cho vay mà lãi suất đầu vào đang ở ngưỡng khó điều chỉnh” – ông Hùng nói.
Vì vậy, theo ông, để cắt giảm lãi suất cho vay, ngân hàng tiết giảm chi phí, thậm chí cắt giảm một phần lợi nhuận của mình để chia sẻ cùng doanh nghiệp.
Lãnh đạo VNBA cho rằng, những vấn đề trên nếu không giải quyết đồng bộ, quyết liệt thì rất có thể dẫn tới những khó khăn, thậm chí ảnh hưởng đến thanh khoản của hệ thống ngân hàng.
“Hiện nay, các doanh nghiệp, cá nhân đang gửi tiền ngân hàng rất nhiều. Khi nền kinh tế phát triển, các kênh đầu tư khác hấp dẫn hơn, người dân không chuộng gửi tiết kiệm. Như vậy, ngân hàng sẽ gặp khó khăn cho huy động vốn. Lúc đó, ngân hàng cần tăng lãi suất đầu vào, dẫn đến khó khăn khi giảm lãi suất cho doanh nghiệp” – ông Hùng cho hay.