Nỗ lực kiến tạo hòa bình và an ninh thế giới của Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Sự xuất hiện ngày càng đông đảo và thường xuyên của những người lính mũ nồi xanh Việt Nam trong lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc (LHQ) không chỉ khẳng định cam kết của chúng ta trong các nỗ lực kiến tạo hòa bình và an ninh trên thế giới mà còn góp phần thể hiện vị trí của Việt Nam trên trường quốc tế.
Cán bộ Đội Công binh số 1 hướng dẫn người dân Nam Sudan trồng rau

Cán bộ Đội Công binh số 1 hướng dẫn người dân Nam Sudan trồng rau

Sứ mệnh quốc tế cao cả

Mới đây, Bộ Quốc phòng đã tổ chức Lễ trao quyết định của Chủ tịch nước và quyết định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cho 3 sĩ quan làm nhiệm vụ tại các phái bộ gìn giữ hòa bình LHQ ở Cộng hòa Trung Phi (MINUSCA), ở Nam Sudan (UNMISS) và tại khu vực Abyei đang tranh chấp giữa Sudan và Nam Sudan (UNISFA). 3 sĩ quan này gồm: Trung tá Nguyễn Sỹ Hiếu, nguyên giảng viên Bộ môn Vũ khí hàng không, Khoa Kỹ thuật hàng không, Học viện Phòng không - Không quân; Thiếu tá Nguyễn Thị Thanh Loan, nguyên giảng viên Bộ môn Tin học, Khoa Tin học - Ngoại ngữ, Học viện Lục quân và Thượng úy Nguyễn Tiến Long, nguyên Trợ lý Ban Dân vận, Phòng Chính trị, Bộ Tư lệnh Vùng 4, Quân chủng Hải quân.

Như vậy đến nay, Việt Nam đã cử gần 800 lượt cán bộ, nhân viên của quân đội, công an đi làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình LHQ tại các phái bộ ở châu Phi và trụ sở LHQ theo hình thức cá nhân và đơn vị. Quân số triển khai thường xuyên tại các phái bộ thực địa là 274 người, bao gồm 36 nữ. Cụ thể có 27 sĩ quan cá nhân (21 sĩ quan quân đội và 6 sĩ quan cảnh sát), 1 bệnh viện dã chiến cấp 2 (63 người) và 1 đội công binh (184 người). Xét về số lượng, Việt Nam hiện đứng vị trí 45 trên tổng số 120 nước cử quân nhân và cảnh sát.

Tham gia gìn giữ hòa bình LHQ là thực hiện sứ mệnh quốc tế cao cả, thể hiện vai trò, trách nhiệm của nước ta với thế giới. Thực tế, từ năm 1996, Việt Nam đã có những đóng góp cho Quỹ gìn giữ hòa bình của LHQ. Năm 2005, quân đội đã có chủ trương cử các cán bộ tham gia các đoàn liên ngành để nghiên cứu mô hình và cơ chế hoạt động gìn giữ hòa bình, đặc biệt là cử những sĩ quan tham gia các khóa đào tạo về hoạt động gìn giữ hòa bình ở trong nước và ở nước ngoài, để chuẩn bị nguồn nhân lực sẵn sàng tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình LHQ.

Xuất phát từ vai trò, trách nhiệm và cam kết chính trị của nước ta với LHQ, ngày 23-11-2012, Bộ Chính trị đã thông qua Đề án tổng thể về việc Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình LHQ. Đến ngày 5-12-2013, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án Quân đội nhân dân Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình LHQ giai đoạn 2014-2020 và những năm tiếp theo. Đây là những chủ trương quan trọng để Bộ Quốc phòng triển khai thực hiện. Ngày 27-5-2014, Trung tâm Gìn giữ hòa bình Việt Nam (nay là Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam) được thành lập, với chức năng là “Tham mưu với Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Ban chỉ đạo Bộ Quốc phòng trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, chỉ huy lực lượng quân đội tham gia gìn giữ hòa bình LHQ”.

Trong vòng 10 năm qua, lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ của Việt Nam đã liên tục có sự trưởng thành, mở rộng vững chắc, bài bản, đồng thời có nhiều đóng góp thiết thực và hiệu quả cho công cuộc gìn giữ hòa bình thế giới, kết quả đáng khích lệ, tự hào. Tổng Thư ký LHQ, Phó Tổng Thư ký LHQ phụ trách hoạt động gìn giữ hòa bình và Cố vấn quân sự LHQ đã nhiều lần biểu dương và gửi thư cảm ơn Chính phủ Việt Nam về sự đóng góp của lực lượng gìn giữ hòa bình Việt Nam. Nhiều lãnh đạo LHQ cũng nêu bật đóng góp của Việt Nam trong việc thúc đẩy bình đẳng giới, nhất là cử nữ quân nhân tham gia gìn giữ hòa bình LHQ với tỷ lệ cao, đạt và vượt tiêu chí do LHQ đề ra.

Tháng 3-2023, trao đổi với Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại LHQ, ông Nicholas Haysom - Đặc phái viên Tổng Thư ký LHQ về Nam Sudan kiêm Trưởng phái bộ UNMISS đã đánh giá rất cao đóng góp tích cực, hiệu quả, sự sáng tạo, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, ý thức kỷ luật cao của các cán bộ chiến sỹ quân y Bệnh viện dã chiến cấp 2 và cảnh sát gìn giữ hòa bình Việt Nam tại Phái bộ UNMISS. Tháng 12-2023, Cố vấn Cảnh sát LHQ Faisal Shahkar cũng đề cao sự tham gia tích cực, đạt kết quả tốt của Việt Nam trong các hoạt động gìn giữ hòa bình nói chung và hoạt động của lực lượng cảnh sát nói riêng, mong muốn tiếp tục hợp tác chặt chẽ hơn với Việt Nam trong vấn đề này.

“Trái tim đang đập” trong cam kết hướng tới hòa bình

Hoạt động gìn giữ hòa bình là một cơ chế đặc biệt được LHQ triển khai bao gồm cả hoạt động quân sự và dân sự để thiết lập sự hiện diện của LHQ tại những quốc gia đang bị chia rẽ, xung đột (với sự chấp thuận của các bên liên quan), nhằm thực hiện các nhiệm vụ đảm bảo an ninh, hỗ trợ chính trị cần thiết; khôi phục, kiến tạo một nền hòa bình ổn định lâu dài. Mặc dù, hoạt động gìn giữ hòa bình là một cơ chế của Hội đồng Bảo an LHQ, nhưng việc triển khai các lực lượng này phải do Tổng Thư ký LHQ tiến hành đàm phán, ký kết thỏa thuận với nước chủ nhà (nơi cần triển khai quân) và các nước cử lực lượng trên cơ sở hoàn toàn tự nguyện.

Thông thường, các lực lượng này được triển khai sau khi lệnh ngừng bắn đã được thiết lập và các bên tham chiến đã đồng ý cho họ thực hiện sứ mệnh gìn giữ hòa bình. Có hai loại hình chủ yếu trong hoạt động gìn giữ hòa bình của LHQ, bao gồm: các phái đoàn quan sát không được vũ trang và các đơn vị bộ binh được trang bị vũ khí. Trong hoạt động gìn giữ hòa bình của LHQ, lực lượng tham gia của nước nào do nước đó trực tiếp chỉ huy, quản lý; thẩm quyền xét xử các vi phạm kỷ luật đối với các binh sĩ trong mọi trường hợp thuộc về nước cử lực lượng. Căn cứ vào tình hình cụ thể, nhất là theo yêu cầu của các nước trực tiếp liên quan, Hội đồng Bảo an LHQ có Nghị quyết kết thúc hoặc gia hạn thêm hoạt động của các lực lượng gìn giữ hòa bình. Tuy nhiên, các nước có quyền cân nhắc việc thực hiện các lệnh điều động và có thể rút lực lượng tham gia bất cứ lúc nào.

Kể từ khi nhiệm vụ gìn giữ hòa bình đầu tiên được triển khai tại Trung Đông (năm 1948), đã có hơn 2 triệu lính mũ nồi xanh thực hiện 71 nhiệm vụ hỗ trợ các quốc gia vượt qua chiến tranh hướng tới hòa bình. Hiện có hơn 87 nghìn binh lính mũ nồi xanh thuộc 125 quốc gia thực hiện 12 nhiệm vụ gìn giữ hòa bình trên toàn thế giới. Hơn 4.200 binh lính đã hy sinh trong khi làm nhiệm vụ dưới lá cờ LHQ.

Các lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần chấm dứt nhiều cuộc xung đột tại hàng chục quốc gia trên thế giới (El Salvador, Guatemala, Mozambique, Namibia, Tajikistan…), đóng góp quan trọng vào việc ổn định tình hình chính trị, tạo sự chuyển biến tích cực tại nhiều quốc gia khác (Haiti, Kosovo, Burundi, Sierra Leone, Bờ Biển Ngà…). Tại những điểm nóng đó, sự hiện diện của các lực lượng mũ nồi xanh đa quốc gia dưới sự bảo trợ của LHQ thực sự là nhân tố đảm bảo môi trường an ninh thuận lợi cho các quá trình chuyển giao chính trị và hỗ trợ cho các thể chế Nhà nước còn non trẻ.

Phát biểu tại lễ kỷ niệm 75 năm Ngày Quốc tế Lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ (29-5-1948/29-5-2023), Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres nhấn mạnh các binh sĩ gìn giữ hòa bình là “trái tim đang đập” trong những cam kết của LHQ hướng tới một thế giới hòa bình hơn. Ông Guterres “bày tỏ sự cảm thông và đoàn kết với gia đình, bạn bè và đồng nghiệp” của những binh sĩ đã hy sinh trong khi làm nhiệm vụ, đồng thời khẳng định rằng “sự cống hiến quên mình cho sự nghiệp hòa bình” của họ là nguồn cảm hứng bất tận cho cộng đồng thế giới. Ghi nhận sự nỗ lực và những thành tích to lớn của lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ, năm 1988, Ủy ban Nobel Na Uy đã trao giải Nobel Hòa bình cho lực lượng này.