Nỗ lực không ngừng vì sự bình yên của Thủ đô

ANTĐ - Đại tá Nguyễn Đức Chung - Bí thư Đảng uỷ, Giám đốc Công an Thành phố Hà Nội trả lời phỏng vấn Báo An ninh Thủ đô.
Nỗ lực không ngừng vì sự bình yên của Thủ đô ảnh 1
CATP đang nỗ lực xây dựng hình ảnh người CSGT thật đẹp trong con mắt người dân.
Ảnh: Phú Khánh

Chọn “việc nóng” để giải quyết

- Phóng viên: Thưa Đại tá Nguyễn Đức Chung, 1 ngày sau khi nhận quyết định bổ nhiệm giữ chức vụ Bí thư Đảng ủy, Giám đốc CATP, đồng chí đã có liên tiếp 2 buổi làm việc với Phòng Cảnh sát hình sự và Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt. Phải chăng, Đảng ủy - Ban Giám đốc CATP đang có chủ trương tạo “cú hích” tích cực đối với 2 lực lượng được đánh giá là mũi nhọn này của Công an Hà Nội?

- Đại tá Nguyễn Đức Chung: Tổng kết công tác năm 2012, CATP năm thứ bảy liên tiếp được Thủ tướng Chính phủ tặng Cờ đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua “Vì An ninh Tổ quốc”. Đây là sự ghi nhận quá trình nỗ lực, phấn đấu hết sức quyết tâm, trách nhiệm của toàn lực lượng Công an Thủ đô trong năm 2012; nhất là những nỗ lực bứt phá vào những tháng cuối năm để vừa hoàn thành, vượt các chỉ tiêu công tác, vừa xây dựng, phát động được thế trận tấn công, trấn áp tội phạm, đảm bảo ANTT trên mọi lĩnh vực. 
Năm 2012, Công an Hà Nội bằng nhiều biện pháp, kế hoạch đã kéo giảm số vụ phạm pháp hình sự. Song tội phạm hình sự nói riêng không vì thế mà bớt đi sự phức tạp, nhất là những tháng cuối năm. Tại cuộc họp đầu tiên với Phòng CSHS, tôi trao đổi thẳng thắn với chỉ huy Phòng, đang có một thực tế là các biện pháp phòng chống tội phạm của chúng ta có lúc chưa đủ mạnh, chưa đủ sức răn đe tội phạm. Có nơi, có chỗ từ cấp cơ sở còn có biểu hiện làm ngơ với tội phạm. Lại có nơi còn xảy ra hiện tượng “bỏ trống” địa bàn. Ở cuộc họp đó, tôi đã trao đổi với anh em CSHS về một biểu hiện của tâm lý người dân giảm sút niềm tin vào lực lượng thực thi pháp luật. Trong nhiều vụ việc, thay vì hợp tác với cơ quan bảo vệ pháp luật, một bộ phận người dân đã tìm đến cách đòi nợ theo “luật rừng”, và trách nhiệm của “lính” hình sự phải lấy lại niềm tin ở người dân. Cùng với đó, CSHS phải chủ động các biện pháp phòng ngừa tội phạm gây án nghiêm trọng như cướp hiệu vàng, ngân hàng; phải có giải pháp phòng ngừa trọng án, hoạt động tội phạm theo kiểu “xã hội đen”…
Trên mặt trận đảm bảo TTATGT cũng vậy. Năm 2012 được Chính phủ xác định là năm An toàn giao thông. Cho đến trung tuần tháng 9, những thông số chỉ tiêu “3 giảm” đã cơ bản định hình, song vẫn còn không ít những việc phải làm, vẫn còn những “hạt sạn”. 9 km đường cao tốc vành đai 3 mới thông xe, chỉ dành cho ô tô nhưng xe máy vẫn cố tình đi vào; vi phạm xe khách những tháng cuối năm có dấu hiệu tăng; xe 3 bánh tự chế hoạt động vừa mất an toàn, gây bức xúc dư luận nhân dân; rồi cả chuyện tư thế, tác phong của lực lượng CSGT khi làm nhiệm vụ. Tôi đã đặt vấn đề với chỉ huy Phòng CSGT và cán bộ chiến sỹ, hoàn thành và vượt chỉ tiêu công tác là tốt. Nhưng sẽ trọn vẹn hơn nếu giải quyết được cơ bản những “hạt sạn” trong công tác đảm bảo TTGT, và nhất là xây dựng được hình ảnh người CSGT thật đẹp trong con mắt người dân.
Không chỉ 2 lực lượng mũi nhọn trên, từng thành viên trong Ban Giám đốc cũng đã có những chỉ đạo sát sao đối với các lực lượng Cảnh sát phòng chống ma túy, Cảnh sát Kinh tế, Cảnh sát môi trường, Quản lý hành chính…yêu cầu rà soát từng phần việc đã làm, những việc còn dang dở, đặc biệt tập trung vào những vấn đề “nóng”, những vấn đề ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống dân sinh, đến sự an toàn sức khỏe của người dân; phải từng bước giải quyết triệt để, và làm bằng được.

Được dân tin là phần thưởng lớn nhất

- Phóng viên: Thượng tướng Đặng Văn Hiếu - Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Thường trực Bộ Công an - tại Hội nghị triển khai công tác năm 2013 của CATP đã biểu dương: “Công an Hà Nội ngày càng nhận được nhiều tiếng khen của nhân dân”. Đồng chí Giám đốc đánh giá những yếu tố tích cực nào của Công an Thủ đô trong năm 2012 vừa qua để có được những lời khen đó?

- Đại tá Nguyễn Đức Chung: 2012 là năm có nhiều thách thức khó khăn trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, cũng như tỷ lệ tội phạm tăng trên phạm vi toàn quốc. Ngoài kết quả nổi bật giữ vững ổn định ANCT, Công an Hà Nội trong năm 2012 đã kéo giảm được 2,6% số vụ phạm pháp hình sự so với năm 2011; tỷ lệ phá án đạt 74,5%, riêng trọng án đạt gần 90%. 
Kết quả kéo giảm phạm pháp, đặc biệt là thành tích khám phá nhanh trọng án của Công an Hà Nội đạt được bởi những giải pháp mang tính chiều sâu, đồng bộ. CATP đã tham mưu với Thành ủy, UBND thành phố triển khai thực hiện nhiều kế hoạch đấu tranh phòng, chống tội phạm, gắn với việc phát huy sức mạnh phong trào người dân tham gia bảo vệ ANTQ. CATP cũng đã chủ động tham mưu UBND thành phố, chỉ đạo chính quyền cơ sở vào cuộc cùng lực lượng công an đồng loạt triển khai 2 kế hoạch lớn: “Chuyển hóa 10 phường, xã phức tạp về ANTT thành địa bàn không có tội phạm hoặc giảm đến mức thấp nhất”, và “Xóa tệ nạn, tội phạm ma túy ở 15 phường trọng điểm của 3 địa bàn nội thành”. Nhiều đợt cao điểm tấn công, trấn áp các loại tội phạm và tệ nạn xã hội được triển khai, xác định mục tiêu phòng ngừa trọng án, trấn áp tội phạm có tổ chức, các ổ nhóm hoạt động theo kiểu “xã hội đen”… 
Bên cạnh những chủ trương, biện pháp lớn nêu trên, các lực lượng CATP đã duy trì, phát huy hiệu quả các kế hoạch 141, 142, và kế hoạch 38 kiểm tra cơ sở lưu trú, các cơ sở kinh doanh “nhạy cảm” về ANTT. Một điểm nhấn rõ nét trong bức tranh ANTT Thủ đô năm 2012 chính là kết quả và hiệu quả mô hình “141”. Cách đây hơn 1 năm, thật khó hình dung được chỉ với 5 tổ công tác, biên chế 60 CBCS - liên quân giữa 3 lực lượng: CSGT-CSHS-CSCĐ, mô hình “141” lại tạo ra “cú hích” mạnh đến vậy trong việc đảm bảo ANTT địa bàn Thủ đô. Hiện tại, độ bao quát của các tổ 141 đã tăng lên, lại có thêm sự hỗ trợ của “141” công an các quận, huyện, công an các phường, tạo thành sức mạnh liên hoàn phòng ngừa, đấu tranh tội phạm... 
Lĩnh vực TTATGT cũng đạt được nhiều  kết quả. TNGT giảm cả 3 tiêu chí trên toàn địa bàn thành phố. Lực lượng CSGT trong quá trình làm nhiệm vụ ngày càng có nhiều thay đổi, từ nhận thức đến tư thế tác phong, thái độ ứng xử. Sự thay đổi này không những nâng cao hình ảnh đẹp cho người CSGT, lấy lại niềm tin yêu của người dân mà còn góp phần làm giảm số vụ chống người thi hành công vụ. 
Một yếu tố tích cực khác của công an Hà Nội để được người dân khen ngợi, theo tôi, đó là khí thế sôi nổi, hiệu quả của việc thực hiện phong trào thi đua “Vì An ninh Tổ quốc”. Với khẩu hiệu hành động “CBCS Công an Thủ đô đoàn kết, kỷ cương, trách nhiệm, trí tuệ, hiệu quả; vì thành phố bình yên”, năm 2012, Đảng ủy - Ban Giám đốc CATP đã tổ chức phong trào thi đua “Vì An ninh Tổ quốc” gắn với việc tiếp tục thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị về “Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, cuộc vận động “CAND chấp hành nghiêm điều lệnh; xây dựng nếp sống văn hóa vì nhân dân phục vụ”. Thông qua thực hiện phong trào thi đua “Vì An ninh Tổ quốc” năm 2012, trong lực lượng Công an Thủ đô đã xuất hiện hơn 5.700 gương tốt, việc tốt; gần 7.500 lượt tập thể, cá nhân lập thành tích xuất sắc trong công tác, chiến đấu được các cấp khen thưởng. Không chỉ coi trọng “đánh” các án lớn, những bức xúc của nhân dân như: tắc đường, “cò mồi” ở bệnh viện, bến xe, việc lấn chiếm lòng lề đường... đều được “đặt lên bàn” làm việc của chỉ huy công an các cấp. Dân còn bức xúc chuyện này, chuyện khác đấy cũng chính là việc chúng ta làm chưa hết trách nhiệm, chưa sâu sát. Phải suy nghĩ, tổ chức lại cho tốt tất cả các khâu công tác. Những kết quả trên, những nhân tố - điển hình tốt trên, hơn ai hết, chính nhân dân cảm nhận được rõ nét nhất, tin tưởng nhất. Và sự tin tưởng của nhân dân chính là phần thưởng vô giá đối với 
Công an Hà Nội!

Chấp hành nghiêm pháp luật, nâng cao lễ tiết, tác phong

- Phóng viên: Có một câu chuyện được bàn luận khá nhiều sau cuộc họp giữa đồng chí Giám đốc với lực lượng CSGT, đó là quan điểm của Giám đốc không bố trí CBCS bụng to ra đường làm nhiệm vụ. Đồng chí có thể chia sẻ cụ thể hơn về vấn đề này?

- Đại tá Nguyễn Đức Chung: “CSGT bụng to không bố trí ra đường làm nhiệm vụ” chỉ là chi tiết cụ thể trong chủ trương lớn: bằng mọi cách thay đổi, nâng cao, hoàn thiện tư thế tác phong, lễ tiết của người chiến sỹ Công an Thủ đô khi tiếp xúc với nhân dân. CSGT khi ra đường là để thực thi pháp luật, xử lý vi phạm trên tinh thần thượng tôn pháp luật. Tư thế tác phong, thái độ ứng xử của CSGT phải phù hợp với từng đối tượng, để họ không chỉ hiểu, chấp hành mà còn chia sẻ, cảm thông với những khó khăn của lực lượng CSGT. Muốn làm được điều đó, CBCS phải giữ được tư thế tác phong đúng chuẩn mực, từ ăn mặc, đầu tóc, quần áo phải nghiêm túc. Tôi từng nhấn mạnh yêu cầu với chỉ huy Phòng CSGT, nghiêm cấm CBCS ra ngoài đường làm nhiệm vụ mà quần áo nhăn, bẩn. Mỗi CBCS khi ra đường làm nhiệm vụ phải luôn có ý thức tuyên truyền, hướng dẫn, nhắc nhở để người tham gia giao thông chấp hành tốt Luật giao thông đường bộ. Các đội CSGT cần đảm bảo cho CBCS khi ra đường phải tinh tươm, sạch sẽ. Quá trình làm nhiệm vụ cũng vậy, không được túm năm tụm ba, ngồi hàng quán và không được có thái độ uể oải. Mỗi chiến sĩ phải tăng cường trách nhiệm, giúp đỡ nhân dân từ việc nhỏ nhất. 
Trong nhiều cuộc họp, tôi luôn đề nghị chỉ huy các phòng nghiệp vụ, phải luôn đặt mình vào vị trí người dân. Đối với công tác xử lý vi phạm TTGT, nếu chúng ta xử lý đúng, cộng với tư thế tác phong đàng hoàng thì nhất định người vi phạm sẽ phải chấp hành nghiêm. Đặc biệt, không đứng chỗ khuất, chỗ tối để bắt lỗi người vi phạm. Bởi khi ấy, dù có xử phạt đúng cũng gây ra sự dị nghị, nghi ngờ cho nhân dân. Tương tự đối với công tác xử lý vi phạm TTĐT; Ban Giám đốc CATP thời gian gần đây thường xuyên nhắc nhở yêu cầu công an các quận, huyện, thị xã phải tham mưu được với chính quyền địa phương vào cuộc để tuyên truyền, vận động từng hộ kinh doanh không vi phạm. Chỉ khi đã tuyên truyền, nhắc nhở mà vi phạm vẫn tái diễn, lực lượng công an mới phối hợp với các ban, ngành địa phương tham gia xử lý. Đặc biệt, Ban Giám đốc CATP đã quán triệt, CBCS công an Thủ đô khi tham gia giao thông phải luôn gương mẫu, chấp hành đúng quy định pháp luật, nếu vi phạm sẽ bị xử lý nặng hơn nhân dân. 
Một yêu cầu khác đặt ra đối với các đơn vị nghiệp vụ CATP, là khi phát hiện các dấu hiệu vi phạm của cá nhân, tổ chức, phải tiến hành điều tra đúng pháp luật; không được lợi dụng công việc, vị trí công tác để gây phiền hà, sách nhiễu. Các buổi kiểm tra theo chuyên đề phải có kế hoạch cụ thể, và báo cáo để được sự phê duyệt của Ban Giám đốc CATP. Nếu kiểm tra tràn lan, nhất là dịp cuối năm, Tết Nguyên đán, có thể gây ra những dư luận hiểu không đúng công tác công an.

- Phóng viên: Một năm mới đang đến rất gần. Qua Báo ANTĐ, đồng chí Giám đốc có suy nghĩ, mong muốn, chia sẻ gì với toàn lực lượng Công an Thủ đô và với bạn đọc của Báo?

- Đại tá Nguyễn Đức Chung: Trước tiên, thay mặt Đảng ủy - Ban Giám đốc và toàn lực lượng Công an Thủ đô, tôi bày tỏ sự cảm ơn đối với sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an, của Thành ủy, HĐND và UBND thành phố Hà Nội đối với các mặt công tác của công an Hà Nội trong năm 2012. Tôi cũng xin cảm ơn sự phối hợp, giúp đỡ trách nhiệm của các Tổng cục, Vụ, cục thuộc Bộ Công an; các sở, ngành, quận, huyện, thị xã, và đặc biệt là của người dân Thủ đô trong năm 2012, để Công an Hà Nội hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Năm 2013, kế thừa và phát huy kinh nghiệm, kết quả đạt được, toàn lực lượng Công an Thủ đô sẽ đồng tâm, nhất trí, xây dựng và triển khai hiệu quả các chương trình, kế hoạch giữ gìn ANTT Thủ đô trong mọi tình huống. Qua Báo ANTĐ, tôi gửi lời chúc mừng đến gia đình, người thân và toàn thể CBCS thuộc lực lượng Công an Thủ đô. Chúc một năm mới, một mùa xuân mới thật bình yên, hạnh phúc.

- Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí Giám đốc!

(Đại tá Nguyễn Đức Chung - Bí thư Đảng ủy, Giám đốc CATP Hà Nội trả lời phỏng vấn Báo ANTĐ)