Nỗ lực hòa giải xung đột Nga - Ukraine gặp nhiều trở ngại

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Xung đột Nga - Ukraine đã chuyển sang giai đoạn mới với những diễn biến căng thẳng hơn trên thực địa. Giải pháp ngoại giao đang là điều tối cần thiết trong giai đoạn hiện nay. Tuy nhiên, các nỗ lực hòa giải đang gặp nhiều khó khăn.
Tên lửa chống tăng được phương Tây viện trợ cho Ukraine

Tên lửa chống tăng được phương Tây viện trợ cho Ukraine

Nga thay đổi chiến thuật, phương Tây tăng cường viện trợ vũ khí cho Ukraine

Từ giữa tuần trước, Nga đã chuyển sang giai đoạn 2 của chiến dịch đặc biệt với mục tiêu tiêu diệt nhóm hiếu chiến nhất của các lực lượng vũ trang Ukraine, đồng thời đẩy lực lượng Ukraine ra ngoài biên giới hành chính của các khu vực Donetsk và Luhansk. Nếu như kiểm soát được hoàn toàn Donbass và miền Nam Ukraine, Nga sẽ tạo ra một hành lang trên bộ tới Crimea và ảnh hưởng đến các cơ sở quan trọng của Lực lượng vũ trang Ukraine.

Để hình thành thế bao vây quân đội Ukraine trong khu vực Donbass, Nga mở các mặt trận tấn công từ nhiều hướng. Mặt trận đầu tiên tập trung vào phía Nam Izyum và phía Bắc Donetsk. Mặt trận thứ hai ở phía Đông Bắc, gần Severodonetsk, quân Nga vòng qua thành phố kiên cố này và đánh chiếm các mục tiêu lân cận để hình thành thế bao vây cô lập. Quân đội Nga cũng có thể di chuyển về phía Kramatorsk từ hai phía Bắc và Nam để cắt đứt liên lạc giữa các cụm quân đội Ukraine. Ở phía Nam, quân đội Nga đang tập trung cho mặt trận thứ 4 giữa Zaporozhye và Donetsk.

Chiến thuật của quân đội Nga cũng thay đổi. Bởi lực lượng vũ trang Ukraine đã quen với các cuộc giao tranh liên miên trong các khu vực đô thị nên phía Nga sẽ tránh bị lôi vào những cuộc đấu tay đôi bất tận mà phía Ukraine có lợi thế. Thay vào đó, Nga chuyển sang cách đánh như khi tấn công vào nhà máy thép Azovstal ở thành phố Mariupol. Theo đó, các chiến binh Azov của Ukraine, giống như nhện, bị dồn vào một cái lọ có nắp đậy kín. Chuyên gia phân tích chính trị Alexander Perendzhiev cho rằng, quân đội Nga đã hiểu rõ về các chiến thuật của lực lượng vũ trang Ukraine và sẽ nhốt lực lượng Ukraine trong từng khu vực khiến họ chán nản.

Trong khi đó, các nước phương Tây đang đẩy nhanh việc trợ giúp vũ khí cho Ukraine. Tuần trước, Mỹ đã công bố khoản viện trợ mới trị giá 800 triệu USD, trong đó có 18 lựu pháo 155 mm và 40.000 quả đạn pháo cùng nhiều thiết bị bay không người lái. Khoản viện trợ mới này sẽ nâng tổng số viện trợ của Mỹ cho Ukraine từ khi cuộc xung đột bắt đầu lên xấp xỉ 3,4 tỉ USD. Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết, tình hình đang ở giai đoạn then chốt và cam kết Mỹ sẽ tiếp tục chia sẻ thông tin tình báo kịp thời để giúp Ukraine phòng vệ. Bộ Tài chính Mỹ thông báo sẽ cung cấp khoản viện trợ kinh tế 500 triệu USD để giúp Chính phủ Ukraine trả lương và các chi phí khác cho nhân viên.

Ngoài Mỹ, Pháp cho biết nước này sẽ cung cấp pháo tự hành Caesar và tên lửa chống tăng Milan cho Ukraine. Đan Mạch cam kết sẽ cung cấp khoản viện trợ quân sự 615 triệu krone (90 triệu USD), nâng tổng số giá trị viện trợ quân sự của Đan Mạch cho Ukraine lên thành 146 triệu USD. Theo Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez, tàu hải quân của nước này đang chở 200 tấn khí tài quân sự, gồm xe tải, đạn dược đến Ba Lan để chuyển cho Ukraine. Với nước Đức, Bộ trưởng Quốc phòng Christine Lambrecht cho biết, Đức đã đạt thỏa thuận với các nước Đông Âu, theo đó, các nước này cung cấp xe tăng, xe bọc thép và các vũ khí khác cho Ukraine. Sau đó, Đức sẽ cung cấp khí tài cho các nước này. Theo phương cách này, Ukraine sẽ nhận được xe tăng T-72 từ Slovenia và có thể thêm pháo tự hành Panzerhaubitze 2000 (do Đức sản xuất) từ Hà Lan. Đức sẽ huấn luyện cho binh sĩ Ukraine sử dụng các khẩu pháo này.

Thời điểm cần “cái đầu lạnh và sự cân nhắc kỹ lưỡng”

Trong khi đó, các cuộc đàm phán hòa bình giữa Nga và Ukraine đang rơi vào bế tắc. Phát biểu họp báo tại một ga tàu điện ngầm ở trung tâm Thủ đô Kiev, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho rằng “bất cứ ai phát động cuộc chiến này đều có thể chấm dứt nó”, đồng thời bày tỏ không ngại gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin nếu điều đó dẫn tới một thỏa thuận hòa bình giữa Ukraine và Nga.

Tuy nhiên, theo Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov, Ukraine đang tạo ấn tượng rằng, họ không quan tâm tới giải pháp ngoại giao cho xung đột quân sự đang diễn ra. Bình luận của ông Lavrov được đưa ra vài ngày sau khi Nga cho biết đã chuyển cho Ukraine tài liệu về dự thảo thỏa thuận hòa bình với những điều khoản cụ thể. Kiev xác nhận đã nhận được tài liệu và đang xem xét. Tuy nhiên, Tổng thống Volodymyr Zelensky lại tuyên bố chưa thấy bất cứ đề xuất nào từ Matxcơva. Chính vì thế, Ngoại trưởng Nga đã bày tỏ hoài nghi về lập trường của Ukraine đối với các cuộc đàm phán.

Trong cảnh bế tắc đó, thế giới đang nỗ lực đưa hai bên xung đột ngồi lại với nhau. Liên hợp quốc thông báo Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres sẽ gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trong tuần này để bàn về cuộc xung đột hiện nay ở Ukraine.

Kết quả thăm dò dư luận do Viện trả lời các vấn đề xã hội của Đức (INSA) tổ chức cho thấy hơn 50% số người Đức được hỏi đều phản đối việc chuyển giao vũ khí hạng nặng cho Ukraine, trong khi chỉ có 43% nói rằng họ đồng ý. Kết quả trên thay đổi hẳn so với một cuộc thăm dò tương tự trước đó do Viện Nghiên cứu xã hội và Phân tích thống kê Đức Forsa.

Cũng đầu tháng này, khoảng 20 nhà khoa học, văn hóa và chính trị gia nổi tiếng của Đức, trong đó bao gồm cả cựu Phó Chủ tịch Hạ viện Antje Vollmer, đã gửi cho Thủ tướng Đức Olaf Scholz một bức thư ngỏ kêu gọi ngừng giao vũ khí cho Ukraine. Các bên cho biết trong bức thư rằng, Đức và các nước NATO khác trên thực tế đã biến mình thành một bên tham chiến bằng cách cung cấp vũ khí, do đó Ukraine trở thành “chiến trường cho xung đột giữa NATO và Nga về trật tự an ninh ở châu Âu”.

Dù ủng hộ việc viện trợ vũ khí cho Ukraine nhưng Thủ tướng Đức Olaf Scholz cũng thừa nhận trong tình huống hiện nay cần phải có “một cái đầu lạnh và những quyết định được cân nhắc kỹ lưỡng”, vì Đức gánh vác trách nhiệm “đối với hòa bình và an ninh trên toàn châu Âu”. Ông cũng nhắc lại lời cảnh báo đã nhiều lần đưa ra trước đây rằng, Đức là một thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và không bao giờ để xảy ra “đối đầu quân sự trực tiếp” giữa NATO và một “siêu cường được vũ trang tối tân như Nga”. Ông khẳng định đây là “trách nhiệm chính trị”. Thủ tướng Đức nêu rõ bản thân ông đang nỗ lực hết sức, làm mọi thứ có thể để ngăn chặn sự leo thang dẫn đến chiến tranh thế giới thứ ba, cảnh báo không thể để chiến tranh hạt nhân xảy ra, vì sự leo thang như vậy có nguy cơ gây ra “những đau khổ khôn lường trên khắp lục địa, thậm chí có thể trên toàn thế giới”.