Nỗ lực giải quyết xung đột ở Syria đang bế tắc

ANTĐ - Cựu tổng thư ký Liên Hợp Quốc Kofi Annan đã tuyên bố ông từ bỏ trách nhiệm kiến tạo hòa bình cho Syria. Với tư cách là đặc phái viên của Liên Hợp Quốc và Liên đoàn Arab, ông Annan đề ra bản kế hoạch hòa bình 6 điểm. Bản kế hoạch yêu cầu cả Chính phủ Syria và phe đối lập tại Syria ngừng bắn từ ngày 12-4, song điều đó chưa bao giờ trở thành hiện thực, mà bạo lực liên tục leo thang trong cuộc khủng hoảng 17 tháng tại quốc gia này. 
Nỗ lực giải quyết xung đột ở Syria đang bế tắc ảnh 1


Dấu ấn khủng bố 

Khi các đợt biểu tình ôn hòa đòi thay đổi chế độ nổ ra cách đây hơn  17 tháng, không có dấu hiệu nào cho thấy có sự hiện diện của các nhóm thánh chiến ở Syria. Theo cương lĩnh được công bố, Quân đội Syria Tự do (FSA) được hình thành từ các binh sĩ đào ngũ là nhằm “bảo vệ những người biểu tình và đấu tranh chống lại chế độ Bashar al-Assad”. 

Thế nhưng, các phần tử thánh chiến - những người muốn thành lập một nhà nước Hồi giáo hà khắc ở Syria bằng bạo lực – đã xuất hiện ngày càng nhiều trên chiến trường.  Hơn 100 băng nhóm vũ trang tham gia cuộc nội chiến ở Syria. Các nhóm chiến binh thánh chiến Salafi lũ lượt đổ vào Syria, không chỉ từ nước Iraq láng giềng mà còn từ Kuwait, Algeria, Tunisia và Pakistan. Bắt cóc, cưỡng hiếp và tàn sát dân thường ủng hộ chế độ Assad đang trở thành “chuyện thường ngày” trên lãnh thổ Syria. Tuy cùng nhau chiến đấu lật để đổ chế độ Assad, nhưng FSA và các phần tử thánh chiến lại theo đuổi những mục đích hoàn toàn khác nhau ở Syria.

Thực tế ở Syria trong thời gian qua cho thấy vai trò của các chiến binh thánh chiến Hồi giáo ngày càng gia tăng trên chiến trường. Nhóm Jabhat al-Nusra li-Ahl al-Sham (Mặt trận bảo vệ nhân dân Syria) ở Syria là một nhóm chống đối Chính phủ mang nhiều phong cách của mạng lưới khủng bố al-Qaeda. Nhóm al-Nusra nhận trách nhiệm về nhiều cuộc tấn công chống lại quân đội, lực lượng an ninh. Trong 4 tháng qua, các chiến binh thánh chiến đã sử dụng chiến thuật phục kích, ám sát, sử dụng thiết bị nổ và bom xe. Đặc biệt, các vụ  đánh bom liều chết mà các chiến binh thánh chiến thực hiện ở Syria đã chiếm tới 7% tổng số các vụ tấn công của họ. 

Sử dụng thiết bị gây nổ và và bắt cóc là chiến thuật rất phổ biến của các chiến binh thánh chiến có quan hệ gần gũi với al-Qaeda ở Iraq. Đáng chú ý là hầu như tất cả các vụ bắt cóc đều kết thúc với việc giết hại con tin, mà không tìm kiếm bất cứ khoản tiền chuộc nào.

 Cuộc chiến Syria hiện cũng đang thu hút các phần tử thánh chiến đến từ các nước láng giềng như ở Iraq cách đây vài năm. Theo New York Times, cộng đồng tình báo Mỹ cho rằng các phần tử thánh chiến thuộc các chi nhánh của al-Qaeda Iraq đang tăng cường xâm nhập Syria.

Trong một thông điệp video hồi tháng 2-2012, thủ lĩnh  số 1 của al-Qaeda là Ayman al-Zawahiri kêu gọi các chiến binh của mạng lưới khủng bố này ở Iraq, Jordan, Libăng và Thổ Nhĩ Kỳ nổi dậy và giúp đỡ  “những người anh em ở Syria”. Chỉ có điều các phần tử thánh chiến gần gũi với al-Qaeda chỉ là đồng minh ngắn hạn với FSA trong mục tiêu lật đổ chế độ Assad. Đại tá Ahmad Fahd al-Nimah,  đứng đầu Hội đồng quân sự cách mạng ở  Deraa, nói với BBC News: “Các chiến binh thánh chiến sẽ là một mối đe dọa thực sự đối với  Syria, các nước Ả rập bạn bè và cả phương Tây”. Theo ông này, FSA chiến đấu dưới ngọn cờ dân chủ và một Nhà nước dân sự chứ không phải là một Nhà nước hà khắc được cai trị bằng Luật Hồi giáo Sharia. Chính vì vậy mà FSA rất lo ngại và cảnh giác trước những người bạn “cùng chung chiến hào” nhưng không mời mà đến này.

Xung đột đang bị biến thành “cuộc chiến tranh tôn giáo”

Theo chuyên gia về Trung Đông Pepe Escobar, các nhóm thánh chiến Mujahideen đang biến cuộc nội chiến Syria thành một cuộc chiến tranh tôn giáo. Kể từ khi bắt cuộc nổi dậy chống nhà độc tài Bashar al-Assad xảy ra cách đây một năm rưỡi, không ít người - đặc biệt là những người thuộc sắc tộc thiểu số hoặc bị coi là dị giáo - đã bị quân nổi dậy do người Hồi giáo Sunni chiếm đa số đàn áp thẳng tay. Từ lâu, các nhóm này đã truy sát không chỉ những người thiểu số Alawite ủng hộ chế độ Assad mà còn cả những người theo đạo Cơ đốc vốn chiếm 10% dân số Syria. Thị trấn Kusair đã trở thành chiến trường ác liệt trong những tháng gần đây và luân phiên đổi chủ giữa quân chính phủ và phiến quân. Hiện thời, các chiến binh của FSA đang thắng thế và biến thị trấn 40.000 dân này thành “địa ngục trần gian” đối với những người thiểu số theo đạo Cơ đốc. 

Còn ở Homs, tỉnh lớn nhất Syria, là nơi chung sống hòa bình của những cộng đồng Hồi giáo phái Sunni và phái Alawi, cùng với cộng đồng người Công giáo từ nhiều thế kỷ. Giờ đây, theo nhật báo Ai Cập Al-Akhbar, những cộng đồng này bị cuốn vào vòng xoáy của bạo lực tôn giáo. Ở đây đã xảy ra những vụ tàn sát lẫn nhau giữa các tín đồ giáo phái cực đoan. Mặc dù chế độ Assad vẫn còn nhiều khuyết tật, nhưng những gì xảy ra ở Syria không hẳn là một cuộc nổi dậy của người dân chống lại chế độ Bashar al-Assad mà chủ yếu là một cuộc nội chiến giữa tín đồ Hồi giáo phái Sunni và phái Alawi.

Đó là nhận định của ông Halil Karaveli, một học giả cao cấp thuộc tổ chức Sáng kiến Thổ Nhĩ Kỳ ở Trung Á và Caucasus, trên đài tiếng nói nước Nga. Theo học giả này, bằng cách cung cấp vũ khí cho phe nổi dậy đa số là phái Sunni để lật đổ chính quyền Damascus, các nước phương Tây đang đổ dầu vào lửa làm bùng phát căng thẳng tôn giáo ở Syria. 

Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng chính trị tại Syria tiếp tục leo thang có thể lan rộng ra ngoài biên giới nước này, ngày 2-8, không biết vô tình hay cố ý, một nguồn tin từ Mỹ cung cấp cho các hãng tin lớn trên thế giới rằng Tổng thống Mỹ Barack Obama đã từng ký thông qua hồi đầu năm nay một văn kiện mật cho phép Mỹ ủng hộ lực lượng đối lập ở Syria và mới đây quyết định chi 25 triệu USD cho phe này. Chỉ thị của ông Obama được kèm trong một tài liệu cho phép Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA) hành động bí mật hỗ trợ lực lượng chống ông Assad một cách cụ thể hơn so với trước đây như từng được công bố. Trước đó, Washington khẳng định chỉ đang hỗ trợ y tế và truyền thông cho lực lượng đối lập ở Syria.

Tuy nhiên, với tiết lộ này dù vô tình hay cố ý Mỹ đã công khai thể hiện sự ủng hộ phe đối lập ở Syria. Có thể thấy, với sự hỗ trợ từ phương Tây, đặc biệt là từ Mỹ, phe nổi dậy Syria đang mạnh lên từng ngày. Các chuyên gia dự báo việc chấm dứt cuộc xung đột trong nội bộ Syria khó có thể thực hiện được thông qua con đường hòa bình.

 Trong một diễn biến khác, cùng ngày 2-8, Chính phủ Iran đã viện trợ y tế trị giá 1,2 triệu USD cho chính phủ Syria nhằm “phá vỡ sự bao vây ngành y tế Syria của Mỹ và châu Âu”. Khoản viện trợ này bao gồm 15 xe cứu thương và các thiết bị y tế khác. Đây là đợt viện trợ thứ ba của Iran dành cho Syria, đồng minh khu vực quan trọng nhất của Tehran. 

Mặc cho một số cơ quan truyền thông phương Tây ủng hộ “Cách mạng Syria” nói đến tính thống nhất của người dân Syria trong cuộc nổi dậy chống chính quyền ông al-Assad, thực tế ở Syria cho thấy có một sự khác biệt lớn lao trên thực địa.