Nổ bóng bay... tai nạn không thể xem thường

(ANTĐ) - Thời gian qua, trên địa bàn Hà Nội và một số tỉnh, thành phố liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn nổ bóng bay khiến nhiều người bị thương. Vậy đâu là nguyên nhân khiến những quả bóng bay nhiều màu sắc, là niềm yêu thích của không chỉ trẻ nhỏ trở nên nguy hiểm…

Nổ bóng bay... tai nạn không thể xem thường

(ANTĐ) - Thời gian qua, trên địa bàn Hà Nội và một số tỉnh, thành phố liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn nổ bóng bay khiến nhiều người bị thương. Vậy đâu là nguyên nhân khiến những quả bóng bay nhiều màu sắc, là niềm yêu thích của không chỉ trẻ nhỏ trở nên nguy hiểm…

Nếu bóng bay nổ trong đám đông sẽ gây nguy hiểm cho nhiều người
Nếu bóng bay nổ trong đám đông sẽ gây nguy hiểm cho nhiều người

Những tai nạn không ngờ

Vụ tai nạn nổ bóng bay đáng tiếc xảy ra với chị Nguyễn Thanh Nguyên, trú tại quận Ba Đình cách đây chưa lâu. Trong một lần đến chơi nhà người bạn ở quận Hoàn Kiếm, chị Nguyên thấy gia chủ có một chùm bóng to đã ngỏ ý xin vài quả về cho cháu chơi. Do vội không lấy dao, kéo để cắt dây bóng bay, gia chủ đã dùng bật lửa ga để đốt. Vừa bật lửa, bất ngờ chùm bóng bay nổ như bom khiến toàn bộ cửa kính, đồ đạc gần đó bị nứt vỡ, chị Nguyên và gia chủ bị bỏng nặng phải đi cấp cứu tại bệnh viện.

Mặc dù được các bác sỹ chuyên khoa bỏng tích cực chữa trị, song cả gia chủ và chị Nguyên đều phải gánh chịu những di chứng ở tay và mặt. “Vụ tai nạn đáng tiếc trên xảy ra đã một thời gian, nhưng mỗi lần nhớ lại tôi đều thấy rùng mình” - chị Nguyên tâm sự và cho biết: Chị phải chi phí khá nhiều tiền cho việc làm phẫu thuật thẩm mỹ da mặt và 2 bàn tay, nhưng kết quả chưa được như mong muốn, các vết sẹo đến nay không được cải thiện nhiều. Mỗi khi trở trời, những vết thương do nổ bóng bay đều đau nhức, đặc biệt những lúc làm việc nặng.

Mới đây, đầu tháng 10-2010, anh Trần Đức Cương, nhà ở quận Hoàng Mai cùng 2 người bạn mua bóng bay tại phố Bà Triệu, do muốn lấy nhanh bóng, một người bạn của anh Cương đã dùng bật lửa cắt dây. Lập tức, cả chùm bóng bay nổ khiến anh Cương, 2 người bạn và người bán bóng bị bỏng. Rất may, vụ nổ xảy ra ngoài trời nên độ sát thương không cao. Trước đó, cháu Đặng Quốc Tuấn (11 tuổi), trú ở thôn 9, xã Hoằng Cát, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa trong khi chơi ở sân vô tình nhặt được chùm bóng bay. Cháu Tuấn dùng bật lửa để cắt dây, lấy từng quả bóng ra chơi khiến chùm bóng phát nổ làm cháu bị bỏng sém da mặt và 2 cánh tay.

Di chứng sẹo bỏng của chị Nguyên do nổ bóng bay
Di chứng sẹo bỏng của chị Nguyên do nổ bóng bay

Phải tránh xa nguồn nhiệt

Trao đổi với PV ANTĐ về tai nạn nổ bóng bay, Trung tá Lê Phi Hùng - cán bộ Phòng Cảnh sát PCCC, CATP Hà Nội cho biết: Những năm trước đây, vào các ngày lễ Tết, một số thanh niên thường có “trò vui” buộc dẻ lau, giấy báo vào chùm bóng bay đốt rồi thả lên trời. Đến một độ cao nhất định, khi hơi nóng của lửa tác động vừa đủ, chùm bóng bay sẽ phát nổ. Những mảnh vỡ của bóng bay có thể mang theo nguồn nhiệt, rơi vào các bãi để xe, đường dây điện, kho hàng, cửa hàng xăng dầu tiềm ẩn nguy cơ gây cháy nổ. Lý giải điều này, Trung tá Hùng nói: bóng bay thường được bơm khí hydro, hoặc actilen là những khí rất nhạy với cháy nổ. Khi bóng bay ở gần nguồn nhiệt sẽ tạo ra sự co giãn, tăng áp suất khí trong quả bóng gây nổ. Bóng nổ sẽ tạo ra sản phẩm cháy có áp suất lớn gấp nhiều lần áp suất ban đầu nên có thể gây thương tích cho những người đứng gần.

Cơ quan PCCC khuyến cáo: Người dân và các lực lượng chức năng khi mua và thu giữ các loại bóng bay không nên lưu giữ trong phòng kín, bởi nếu không may chạm vào nguồn nhiệt, như hơi nóng của bóng đèn cũng có thể phát nổ. Trong trường hợp thu giữ, lực lượng chức năng cần mang đến những nơi thoáng, rộng dùng vật sắc nhọn chọc thủng. Cũng không nên để bóng bay ngoài trời nắng vì có thể gây nổ - một cán bộ Phòng Cảnh sát PCCC cho biết.

Tuy nhiên, theo cơ quan PCCC, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ, gây nguy hiểm hơn cả là các chai khí, bình chứa hydro hoặc actilen dùng để bơm bóng bay. Theo cơ quan PCCC, hầu hết các bình, chai khí ngoài thị trường đều không được kiểm định chất lượng, thậm chí có người sử dụng loại bình không phải bình chịu áp lực, bình cũ để bơm khí nén, tiềm ẩn nguy cơ gây nổ. Người dân khi thấy các loại bình khí này không nên lại gần bởi chỉ cần gần một nguồn nhiệt, hoặc nhiệt độ ngoài trời lên cao, các loại bình không đảm bảo chất lượng có thể phát nổ, gây hậu quả khôn lường cho nhiều người xung quanh.

Thủy - Anh