Báo cáo trên cũng cùng quan điểm với báo cáo về chỉ số niềm tin người tiêu dùng Việt Nam vừa được ANZ-Roy Morgan công bố. Theo đó, chỉ số niềm tin tăng 3,1 điểm so với 3 tháng trước và lên mức 134,1 điểm. Xét về tài chính cá nhân, hiện có 55% người dân kỳ vọng, sang năm thu nhập gia đình sẽ khá hơn, trong khi chỉ có 6% số người cho rằng tình hình tài chính của họ sẽ xấu đi.
Trong thời điểm khảo sát, có 34% người dân (tăng 2%) cho biết tài chính gia đình đã khá hơn năm trước, trong khi 19% số người cho biết tình hình tài chính xấu hơn. Cũng theo báo cáo, có tới 61% người Việt (tăng 4%) kỳ vọng nền kinh tế sẽ có chuyển biến tốt trong 5 năm tới, trong khi chỉ có 7% số người được hỏi cho rằng kinh tế sẽ có những chuyển biến kém sáng sủa. Hiện có khoảng 37% người dân nhận định đây là thời điểm thuận lợi để mua sắm vật dụng gia đình, trong khi chỉ có 17% cho rằng đây không phải là lúc thích hợp để sắm sửa. Đánh giá về những chuyển biến về niềm tin tiêu dùng, chuyên gia kinh tế trưởng ANZ khu vực châu Á-Thái Bình Dương nhận xét, cùng với những cải thiện của kinh tế vĩ mô, lạm phát được kiềm chế, niềm tin của người tiêu dùng Việt Nam đã tăng trở lại.
Với niềm tin tiêu dùng tăng trở lại, ngoại trừ yếu tố tâm lý do tác động của diễn biến quan hệ Việt Nam-Trung Quốc, các chuyên gia của ANZ-Ray Morgan khẳng định, nền kinh tế nước ta đang phục hồi một cách ổn định, chắc chắn, chứ không nhanh và đột biến theo hình chữ V. Theo Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, trong điều kiện lạm phát còn dư địa, cần xem xét, cân nhắc việc điều hành giá các mặt hàng cơ bản, đặc biệt cần tiếp tục các giải pháp hỗ trợ tổng cầu và sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng nhằm đạt được mục tiêu GDP tăng 5,8% trong năm nay.