- Uganda bắt 20 nghi phạm liên quan đến vụ tấn công trường học đẫm máu
- Uganda: Tấn công đẫm máu tại trường học, ít nhất 41 người chết
|
Những người biểu tình bên ngoài tòa nhà Quốc hội ở Kampala, Uganda hôm 23-7-2024 |
Làn sóng biểu tình lan rộng
Các cuộc biểu tình bắt đầu ở Kenya vào tháng trước, khi những người trẻ (đặc biệt là Thế hệ gene Z) liên tục phản đối dự luật tăng thuế. Ít nhất 50 người đã tử vong trong các cuộc biểu tình. Tổng thống William Ruto đã rút lại dự luật và tuyên bố cải tổ nội các sau áp lực từ những người tuần hành trên đường phố.
Kenya, nền kinh tế hàng đầu của Đông Phi, đã phải vật lộn với chi phí sinh hoạt leo thang trong khi tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên gia tăng. Quốc gia này cũng nợ nước ngoài hàng tỷ USD và một phần đáng kể doanh thu của đất nước phải trả cho các chủ nợ.
Bất ổn nhanh chóng lan sang nước láng giềng Uganda, nơi người dân định xông vào tòa nhà Quốc hội ở Thủ đô Kampala vào ngày 23 và 25-7. Lực lượng an ninh đã bắt giữ hơn 100 người. Những người biểu tình tức giận về tình trạng tham nhũng tràn lan của chính phủ và muốn các nhà lãnh đạo phải lắng nghe kiến nghị người dân. Một trong số đó là kiểm toán và công khai tài sản của các nghị sĩ, đồng thời các nhà lập pháp liên quan đến các vụ bê bối tham nhũng phải từ chức.
Sau thời kỳ tăng trưởng mạnh nhờ dầu mỏ và phát triển nông nghiệp, Uganda cũng phải vật lộn với nạn tham nhũng. Một số chính trị gia cấp cao của Uganda đã bị Mỹ và Vương quốc Anh trừng phạt vì tội tham nhũng vào đầu năm nay, bao gồm cả bà Anita Annet Among, Chủ tịch Quốc hội nước này.
Tại quốc gia đông dân nhất châu Phi, Nigeria, những người trẻ tuổi cũng lên kế hoạch cho một cuộc tuần hành “chấm dứt chính phủ tồi tệ” vào ngày 1-8. Giới trẻ Nigeria muốn đất nước thoát khỏi khó khăn kinh tế khi lạm phát tăng vọt lên hơn 34%, mức cao nhất trong gần 30 năm, gây ra một trong những cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt tồi tệ nhất từ trước đến nay của quốc gia này. Họ cũng muốn các vấn đề an ninh tốt lên do các vụ bắt cóc đòi tiền chuộc gia tăng cũng như cải cách bầu cử, cải cách tư pháp và hiến pháp…
Năm 2020, lần cuối cùng một cuộc biểu tình lớn xảy ra ở Nigeria, lực lượng an ninh đã nổ súng vào những người biểu tình không vũ trang. Lo sợ viễn cảnh xấu sẽ lặp lại, Tổng thống Nigeria Bola Tinubu đã kêu gọi bình tĩnh và cầu xin người dân không xuống đường. Ông cảnh báo rằng, cuộc biểu tình đã lên kế hoạch “có thể biến thành bạo lực và khiến đất nước thụt lùi”, cáo buộc rằng cuộc tuần hành sắp tới đang bị công dân nước ngoài kích động.
Cần quan tâm đến nhu cầu của thanh niên
Ông Gift Mugano, Giáo sư kinh tế tại Đại học Công nghệ Durban của Nam Phi cho rằng, các cuộc nổi dậy của thanh niên là “bài kiểm tra thực tế đối với các nhà lãnh đạo châu Phi”. Nó giống như một sự lây lan phản đối vì phong trào Gen Z ở Kenya đang kích thích động lực ở các quốc gia châu Phi khác. Ông Mugano nói thêm rằng, “chừng nào người dân không có cơ hội kinh tế, vấn đề quản trị và pháp quyền vẫn ở mức không tốt thì sẽ không có sự ổn định ở lục địa này”. Giáo sư Mugano khuyên các Chính phủ châu Phi không nên đàn áp những người biểu tình, thay vào đó hãy “quan tâm đến các vấn đề ảnh hưởng đến lục địa, tạo ra các cơ hội kinh tế và cải thiện kỹ năng quản lý”.
Mamadou Thior - nhà phân tích chính trị người Senegal cũng đồng tình với quan điểm này. Ông cho rằng, sự bất mãn ngày càng tăng trong giới trẻ châu Phi có thể dẫn đến tình trạng bất ổn trên khắp lục địa. Theo ông Thior, thanh niên vốn thiếu kiên nhẫn và họ muốn mọi thứ thay đổi với tốc độ rất nhanh. Mặt khác, trong thời đại ngày nay, các nhà hoạt động trẻ trên khắp lục địa kết nối thông qua mạng xã hội, “và đó là lý do tại sao những gì đang xảy ra ở Kenya có thể ảnh hưởng đến mọi người ở Uganda và thậm chí ở Tây Phi”.
Các cuộc nổi dậy do thanh niên lãnh đạo chống lại nạn tham nhũng và quản lý yếu kém cũng đã nổ ra ở các khu vực khác của châu Phi, bao gồm Senegal và Ghana. Các cuộc biểu tình nổ ra ở Senegal vào tháng 2 sau khi Tổng thống Macky Sall tuyên bố hoãn cuộc bầu cử theo lịch trình. Vài tháng trước đó, Ghana - quốc gia cũng ở Tây Phi, đã chứng kiến nhiều ngày người biểu tình chống chính phủ, phản đối khó khăn kinh tế và tình trạng thất nghiệp.
Cựu Tổng thống Nigeria Olusegun Obasanjo cảnh báo rằng, lục địa này đang bên bờ vực hỗn loạn. “Trên khắp châu Phi, chúng ta đang… ngồi trên một thùng thuốc súng. Hầu như không có quốc gia nào ngoại lệ ở châu Phi mà thanh niên không tức giận. Họ thất nghiệp, không có quyền lực và không thấy gì ngoài sự tuyệt vọng”, ông nói. Chính trị gia này cho rằng, “nếu không có sự quan tâm đầy đủ đến nhu cầu của giới trẻ ở châu Phi… thì mọi thứ sẽ rất tệ hại”.