Những thứ quả gia vị trong bữa ăn mùa hè

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Quãng hơn chục hôm vừa rồi, dọc phố Phan Đình Phùng đã thấy bán sấu non. Cũng chẳng biết có phải sấu “bản địa” được hái từ những cây sấu cổ thụ trên phố hay mang từ nơi khác đến. Nhưng rồi, bỏ qua những hoài nghi về nguồn gốc xuất xứ, bỏ qua chuyện tủ lạnh trữ đông triệt tiêu cả thú ẩm thực theo mùa, mỗi khi nhìn thấy sấu đầu mùa, nhiều người Hà Nội vẫn thấy có gì đó rất thân thương...

Thứ quả nổi tiếng Hà Nội

Sấu đầu mùa thì mềm và giòn lắm, có khi ăn được cả hạt. Có 2 món nhất định phải làm bằng sấu non mới ngon là sấu ngâm đường và sấu ngâm mắm. Sấu ngâm đường thì thông dụng và cũng được nhiều người ưa thích, nó là một thứ nước giải khát, giải nhiệt cho mùa hè nóng nực. Sấu được cạo vỏ, ngâm với đường, gừng. Nước sấu ngâm đường thường dùng với đá. Quả sấu ngâm đường giòn tan, vừa chua, vừa ngọt và thơm mùi gừng. Sấu ngâm mắm cách làm cũng đơn giản, sấu cạo vỏ, đập dập rồi ngâm cùng nước mắm, ớt, tỏi, nếu ai không thích vị chua mặn thì có thể cho thêm chút đường. Sấu ngâm mắm để trong tủ lạnh có thể để được cả tháng. Nhiều người thích dùng nước sấu ngâm mắm chấm với rau muống luộc, ai có khả năng ăn chua thì cứ thế mà ăn. Đối với nhiều người, sấu ngâm mắm gần như là món ăn có khả năng gây nghiện.

Ngoài chuyện ngâm mắm, ngâm đường, sấu còn có mặt trong nhiều món ăn khác, dù không phải là thực phẩm chính mà chỉ là gia vị đi kèm, nhưng nếu thiếu gia vị này thì không thể gọi được tên món ăn. Có thể kể đến là sườn nấu sấu, canh thịt nạc nấu sấu, vịt om sấu hay sườn sụn băm nhỏ hấp sấu.... Quả sấu ở miền Bắc, đặc biệt là Hà Nội, rất nổi tiếng. Nó thậm chí còn trở thành một thức quà để người ta mua biếu, tặng nhau mỗi khi đến hoặc đi từ Hà Nội. Phòng chờ sân bay Nội Bài mùa này thế nào cũng bán sấu. Tuy nhiên, không phải món ăn nào cần chua người Hà Nội cũng dùng sấu cả. Có những món không nên dùng bởi sẽ khiến nước canh bị thâm trông không đẹp mắt.

Quả chua mùa hè

Nếu nấu riêu cá, nhiều người sẽ chọn quả dọc hoặc dùng dấm bỗng. Quả dọc có vào mùa hè và kéo dài tới đầu thu, dọc cuối mùa thường nhỏ nhưng già, chua và thơm hơn nhiều. Dọc hợp với nấu canh cua, canh cá có nghệ, canh sườn. Lý do khiến người ta thường chọn dọc để nấu canh cua, canh cá thay vì dùng sấu là bởi dọc cho vị thơm, chua nhẹ và nước trong. Tương tự, khi nấu canh ngao, canh hến hay canh trai, vạn bất đắc dĩ lắm người ta mới phải dùng sấu. Dọc thường nướng cho sém vỏ mới nấu, hoặc nếu lười thì có thể gọt vỏ. Tuy nhiên, gọt vỏ thì không thơm và công đoạn xử lý vỏ dọc bám trên dao vô cùng gian nan.

Ngoài dọc còn có tai chua. Đối với những người miền Bắc, bên cạnh me, chanh, hay quả sấu, thì tai chua cũng là một loại gia vị tạo vị chua quen thuộc. Những nồi canh chua, những nồi cá kho… chỉ cần thêm vài miếng tai chua sẽ rất dễ ăn. Tai chua phần lớn tập trung ở các tỉnh miền núi và trung du phía Bắc như Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hòa Bình... Quả tai chua sau khi hái thường được thái thành lát mỏng, phơi khô. Mỗi lần nấu canh, chỉ cần 2 -3 miếng là đủ cho nồi canh rồi. Ở Hà Nội chỉ toàn tai chua khô bán ngoài chợ chứ chưa mấy ai nhìn thấy quả tai chua tươi bao giờ. Thế cho nên, có người mấy chục năm liền toàn nấu canh chua với quả tai chua mà chưa từng biết loại quả gia vị này ra sao. Cũng giống như dọc, tai chua mang đến vị chua riêng. Khi dùng nó để nấu các loại canh sườn, canh hến, canh ngao, canh trai đều cho nước trong, vị đậm.

Nhắc đến quả chua, không thể không kể đến quả thanh trà. Đây là loại trái cây có đặc tính giải nhiệt, vị chua thanh nên có thể ngâm đường uống với đá, làm sinh tố, chấm muối ớt, muối tôm ăn... Đặc biệt, thanh trà dùng nấu canh chua rất ngon, nhất là các món canh chua thịt nạc, canh giò sống, canh sườn sụn... Thanh trà còn được gọi là quả sơn trà hoặc chanh trà. Trước kia, đây là loại quả dại mọc ven đường được người dân đem về trồng và thuần dưỡng, do vậy mà thanh trà dần dần trở thành quả đặc sản. Thanh trà không phải cây bản địa ở phía Bắc mà chủ yếu phân bố ở Tây Nam bộ, thuộc giống cây gỗ (tương tự xoài) nhưng quả lại có kích thước và hình dáng giống chanh. Vào khoảng cuối tháng 5, đầu tháng 6 là đã bắt gặp những thúng, những mẹt thanh trà được hàng rong gánh đi bán ngoài phố. So với sấu, dọc hay tai chua, thanh trà đắt hơn gấp nhiều lần. Đầu mùa, thanh trà đã có giá khoảng 80 nghìn đồng/kg.

Nói đến quả chua còn có nhót. Nhót xanh nấu canh chua thịt nạc cho vị thanh dịu và thơm. Ngoài ra, còn có me quả. Khác với kiểu ăn của người miền Trung hay miền Nam, canh chua thường nấu từ me chín đã ngào đường, người miền Bắc thường nấu canh chua bằng quả me xanh. Ngoài việc nấu canh cá, canh sườn, me cho vào nước luộc rau muống cũng rất ngon.

Quả chay cũng là một loại gia vị không thể không nhắc đến. Hạt chay sau khi được tách riêng khỏi quả thì có thể phơi khô và rang ăn thơm vô cùng. Chay xanh thì được thái nhỏ, phơi khô để phòng khi nấu canh, kho cá. Cá kho chay khô thì đưa cơm lắm lắm, có khi cá thì còn mà chay thì đã hết từ đời nào.

Sấu đầu mùa thì mềm và giòn lắm, có khi ăn được cả hạt. Có 2 món nhất định phải làm bằng sấu non mới ngon là sấu ngâm đường và sấu ngâm mắm. Sấu ngâm đường thì thông dụng và cũng được nhiều người ưa thích, nó là một thứ nước giải khát, giải nhiệt cho mùa hè nóng nực.