Những nỗ lực và thành tựu không thể đảo ngược của Việt Nam trong bảo vệ, thúc đẩy quyền con người (Bài 1): Nhất quán chính sách và hành động để người dân được thụ hưởng đầy đủ nhất quyền con người

ANTD.VN - Quan điểm nhất quán của Đảng, Nhà nước Việt Nam trong bảo đảm và thúc đẩy quyền con người thể hiện xuyên suốt từ bản Tuyên ngôn độc lập trong Hiến pháp, pháp luật đến thực tế trong bảo vệ những giá trị phổ quát về quyền con người đã được thế giới công nhận, điển hình như nguyên tắc bình đẳng, không phân biệt đối xử; bảo đảm quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng; quyền của người dân tộc thiểu số; quyền tự do báo chí, ngôn luận...

Chính sách nhất quán của Đảng, Nhà nước Việt Nam tôn trọng, bảo vệ, thúc đẩy quyền con người

Nâng cao hệ thống pháp luật để bảo vệ, thúc đẩy quyền con người

Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, nước ta trong mọi giai đoạn lịch sử luôn nhất quán mục tiêu, chính sách tất cả vì con người, coi con người là trung tâm, chủ thể, nguồn lực quan trọng nhất và đích đến của sự phát triển. Ngay trong Tuyên ngôn độc lập năm 1945 khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu bật các quyền cơ bản của con người, gắn quyền con người với quyền của dân tộc: “Các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”.

Những nỗ lực đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc trong nhiều thập kỷ của Việt Nam không nằm ngoài mục đích bảo đảm cho mọi người dân Việt Nam được thụ hưởng đầy đủ nhất quyền con người, trong đó có quyền được sống trong hòa bình, độc lập, tự do và quyền được quyết định vận mệnh, con đường phát triển của mình.

Vươn lên từ một đất nước phong kiến nghèo nàn lạc hậu, bị thực dân đô hộ và trải qua các cuộc chiến tranh dài với những hy sinh và thiệt hại vô cùng to lớn, Việt Nam đã không ngừng nỗ lực để xây dựng một nhà nước của dân, do dân và vì dân, mà trước hết là xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, cải thiện, nâng cao hệ thống pháp luật nhằm bảo vệ, thúc đẩy quyền con người. Đặc biệt, sau gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới, xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền Xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, tích cực, chủ động hội nhập quốc tế, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trong lĩnh vực thúc đẩy, bảo vệ quyền con người, từ việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống luật pháp cho đến đảm bảo để người dân được thụ hưởng đầy đủ nhất các quyền con người, quyền cơ bản của công dân.

Tiếp nối các bản Hiến pháp năm 1946, 1959, 1980 và 1992, Hiến pháp năm 2013 là đỉnh cao của hoạt động lập hiến về quyền con người, khi dành trọn vẹn 36 điều trong tổng số 120 điều để quy định quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân; cùng với các luật, bộ luật được ban hành đã tạo khuôn khổ pháp lý cho việc tôn trọng, thúc đẩy và bảo vệ quyền con người. Việc thông qua Hiến pháp 2013 với một chương riêng về “Quyền con người, quyền và nghĩa vụ công dân” và sau đó là hàng loạt văn bản quy phạm pháp luật khác liên quan đến quyền con người, là những nỗ lực hết sức có ý nghĩa, tạo khuôn khổ pháp lý quan trọng cho việc bảo đảm trên thực tế quyền con người, quyền công dân. Điều này không chỉ xác lập cơ sở pháp lý về các quyền của chủ thể hưởng quyền (cá nhân, công dân, các nhóm yếu thế trong xã hội) mà còn đặt nghĩa vụ, trách nhiệm cho các cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức nhà nước và các tổ chức phi nhà nước phải nâng cao tinh thần trách nhiệm xã hội, trách nhiệm pháp lý tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm quyền con người đã được Hiến pháp quy định là Nhà nước có trách nhiệm công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân.

Từ đạo luật gốc Hiến pháp 2013, Việt Nam đến nay đã bổ sung, sửa đổi hoặc ban hành mới hơn 100 văn bản luật, pháp lệnh liên quan bảo đảm quyền con người, quyền công dân, trong đó có một số đạo luật quan trọng như Bộ luật Hình sự 2015, Bộ luật Dân sự 2015, Luật Trưng cầu ý dân 2015, Luật Trẻ em 2016, Luật Trợ giúp pháp lý 2017, Luật An ninh mạng 2018… Bộ luật Lao động (sửa đổi) thông qua cuối năm 2019 với nhiều quy định mới bảo đảm tốt hơn quyền của người lao động, cơ bản tương thích với các điều ước quốc tế quan trọng của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO). Cùng với đó, việc bảo đảm các quyền con người của Việt Nam được thực hiện phù hợp với các chuẩn mực quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Việt Nam hiện là thành viên của 7/9 công ước quốc tế quan trọng về quyền con người; trong đó, có Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội, văn hóa, Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị, Công ước về quyền của người khuyết tật và Công ước chống tra tấn. Đặc biệt, Việt Nam là nước đầu tiên ở châu Á phê chuẩn Công ước quốc tế về quyền trẻ em.

Con người là trọng tâm trong chiến lược phát triển của đất nước

Trên nền tảng pháp lý ngày càng hoàn thiện, Đảng, Nhà nước Việt Nam nỗ lực không ngừng trong sự nghiệp bảo đảm và thúc đẩy quyền con người. Từ khi Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo công cuộc đổi mới từ năm 1986 đến nay, Việt Nam có bước phát triển vượt bậc về kinh tế. Do đó, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao. Với những quyết sách đúng đắn, sau gần 40 năm đổi mới, nền kinh tế Việt Nam đã tăng trưởng vượt bậc, từ quy mô nhỏ bé 14 tỷ USD năm 1985, đến năm 2023 đạt 430 tỷ USD; Quy mô nền kinh tế năm 2023 tăng gấp 96 lần so với năm 1986. Theo dự báo của Trung tâm dự báo, phân tích kinh tế độc lập của Anh (CEBR), quy mô kinh tế nước ta tăng lên 462 tỷ USD vào năm 2024 này, đứng thứ 33 trên Bảng xếp hạng liên minh kinh tế thế giới (World Economic League Table - WELT).

Cùng với những thành tựu to lớn kinh tế, Đảng và Nhà nước ta vẫn luôn khẳng định và nhất quán thực thi phương châm: “không để ai bị bỏ lại phía sau”, và “không đánh đổi môi trường, an sinh xã hội lấy tăng trưởng kinh tế đơn thuần” như Văn kiện của Đại hội XIII của Đảng đã xác định: “Lấy con người là trung tâm của phát triển và được chia sẻ những thành quả của quá trình phát triển kinh tế”. Đường lối, quan điểm đó đã được hiện thực hóa khi mạng lưới an sinh xã hội hiện nay của Việt Nam không ngừng mở rộng diện bao phủ các đối tượng an sinh xã hội và ngày càng đáp ứng tốt nhu cầu của các đối tượng an sinh xã hội.

Đặc biệt, Việt Nam được coi là mô hình thành công của thế giới trong nỗ lực xóa đói giảm nghèo, công bằng và tiến bộ xã hội. Xóa đói, giảm nghèo là mục tiêu xuyên suốt, quan trọng hàng đầu của Đảng và Nhà nước trong quá trình xây dựng đất nước. Việt Nam là một trong 30 quốc gia đầu tiên trên thế giới và là quốc gia đầu tiên của châu Á áp dụng chuẩn nghèo đa chiều, bảo đảm mức sống tối thiểu và thiếu hụt tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản (6 chiều về việc làm; y tế, giáo dục; nhà ở; nước sinh hoạt và vệ sinh; thông tin). Kết quả khảo sát mức sống dân cư mới nhất do Tổng cục Thống kê công bố trung tuần tháng 10 vừa qua cho thấy, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều đã liên tục giảm trong giai đoạn 2016-2022. Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều năm 2023 là 2,93%, giảm 1,37 điểm phần trăm so với chỉ một năm trước đó là 4,3%.

Các nhóm xã hội dễ bị tổn thương như phụ nữ, trẻ em, người nghèo, người cao tuổi, người khuyết tật, người dân tộc thiểu số, người có HIV/AIDS… luôn chiếm một vị trí quan trọng trong quá trình thực thi quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước. Việt Nam gây ấn tượng mạnh khi đạt tốc độ tăng trưởng trung bình của Chỉ số phát triển con người (HDI) ở mức 1,36% trong gần 30 năm qua, thuộc nhóm các nước có tốc độ tăng trưởng HDI cao nhất trên thế giới. Nhìn vào các tiêu chí quan trọng để xác định chỉ số HDI là tuổi thọ trung bình, thu nhập bình quân tính theo đầu người tăng, tỷ lệ biết chữ… để thấy sự phát triển kinh tế nhanh chóng ở Việt Nam đã được chuyển hóa vào chất lượng sống của đa số người dân Việt Nam.

Trong Báo cáo Phát triển con người (HDR) 2023/24, Trưởng Đại diện thường trú của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) Ramla Khalidi khẳng định: “Phát triển con người tiếp tục là trọng tâm trong chiến lược phát triển của đất nước và chúng tôi đã thấy những kết quả đáng kể trong những thập kỷ qua”.

(Còn tiếp)