Những mảnh ghép hoàn hảo của lực lượng Cảnh sát giao thông Thủ đô

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Có những con người mặc một sắc áo rất đỗi quen thuộc với hầu hết dòng người tham gia giao thông mỗi ngày. Trên những cung đường ngõ phố, màu áo ấy đổi sắc vì thấm đẫm mồ hôi những ngày hè oi nực; sắc áo ấy cũng ướt đẫm trong đêm mưa, tối bão, những ngày thời tiết nghịch hòa. Chưa đủ, bộ quần áo mang “màu của nắng” còn quyện cả bụi đường khói xe, hấp hơi nóng mặt đường, tụ sương lạnh đất trời. Những người vinh dự khoác trên mình bộ quần áo mang “màu nắng” chính là những cán bộ, chiến sĩ lực lượng Cảnh sát giao thông, Công an Thủ đô.

“Sứ mệnh đi tìm công lý” trong các vụ tai nạn giao thông

“Chúng tôi không giống như những đồng nghiệp khác ở Phòng Cảnh sát giao thông, thường sẽ thực hiện nhiệm vụ trên các tuyến đường. Dù cùng chung màu áo, nhưng sứ mệnh của chúng tôi là “đi tìm công lý” trong các vụ tai nạn giao thông. Nhiệm vụ số một là phải cứu người bị nạn, đi tìm công bằng cho những nạn nhân, hoặc để công lý được thực thi, tránh oan sai, khiếu kiện…” - Đại úy Nguyễn Anh Tuấn, cán bộ Đội Khám nghiệm, Phòng Cảnh sát giao thông, CATP Hà Nội cho biết.

Quả thật, khi nói về lực lượng Cảnh sát giao thông, CATP Hà Nội, người dân thường nghĩ tới lực lượng “cắm chốt” tại ngã 3, ngã 4 đường phố, thực hiện nhiệm vụ hướng dẫn, phân luồng cho các phương tiện giao thông di chuyển. Nhưng trên một mặt trận khác, còn có các cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát giao thông thực hiện một nhiệm vụ - đó là “sứ mệnh đi tìm công lý”.

Gắn bó 9 năm với công tác khám nghiệm tai nạn giao thông, Đại úy Nguyễn Anh Tuấn cho biết, phải yêu nghề lắm mới theo đuổi được công việc này bởi sự vất vả, hy sinh là không thể đong đếm được. Mấu chốt để tìm ra nguyên nhân, giải mã đúng, sai trong các vụ tai nạn giao thông chính là hiện trường. Do vậy, ngay khi một vụ tai nạn giao thông xảy ra, dù là ở địa bàn nào, gần hay xa, ngày hay đêm, thậm chí mưa giông gió bão, người chiến sĩ làm công tác khám nghiệm phải lên đường.

Có những ngày cùng lúc xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông ở các điểm khác nhau, cán bộ, chiến sĩ làm công tác khám nghiệm thậm chí quên ăn, không có phút giây để nghỉ ngơi. Một vụ tai nạn giao thông xảy ra mà chưa tìm được lời giải sẽ là những đêm trắng trằn trọc. “Tôi đã từng tham gia khám nghiệm một vụ tai nạn giao thông xảy ra lúc 1h sáng gần chợ Long Biên. Nạn nhân là một người nước ngoài đã tử vong ngay sau đó. Đêm khuya, không có nhân chứng trực tiếp. Suốt 3 đêm liền chúng tôi phải ra hiện trường, vào đúng cung giờ đó chỉ để tìm một người đã chứng kiến thời điểm tai nạn xảy ra. Thế rồi thật may mắn khi chúng tôi tìm được một người bán trà đá đêm. Vụ tai nạn năm đó là do người thanh niên điều khiển xe chuyển hướng không an toàn” - Đại úy Nguyễn Anh Tuấn nhớ lại.

Chiến sĩ Cảnh sát giao thông Thủ đô dầm mình trong mưa để phân luồng, giúp người dân qua nơi ngập úng an toàn

Chiến sĩ Cảnh sát giao thông Thủ đô dầm mình trong mưa để phân luồng, giúp người dân qua nơi ngập úng an toàn

Quyết liệt phòng, chống tội phạm trên sông

Còn nhớ vụ “Thẩm mỹ viện Cát Tường” năm đó, khách hàng của cơ sở này là một người phụ nữ đã tử vong trong quá trình làm phẫu thuật thẩm mỹ. Chủ cơ sở đã phi tang xác xuống sông Hồng. Những ngày sau đó, Công an Hà Nội đã rất vất vả để đi tìm thi thể nạn nhân. Tham gia phối hợp tìm kiếm có những cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát giao thông. Từng bờ lau, bãi sú, từng điểm được phán đoán thi thể dễ trôi dạt cũng được các cán bộ, chiến sĩ sục sạo, nhưng kết quả vẫn là con số 0 tròn trĩnh. “Suốt thời gian sau đó, dù không còn tham gia phối hợp tìm kiếm, nhưng trong mỗi phiên tuần tra trên sông, chúng tôi vẫn tự nhủ ngày nào nạn nhân chưa được tìm thấy thì vẫn tiếp tục phải tìm…” - Thiếu tá Nguyễn Minh Tuấn, Phòng Cảnh sát giao thông, CATP Hà Nội kể lại.

14 năm gắn bó với mặt sông Hồng, cũng như đồng đội khác, Thiếu tá Nguyễn Minh Tuấn cho biết, các anh coi sông nước là nhà, có như vậy mới yêu thêm công việc của mình. Những năm gần đây, tình trạng “cát tặc” trở nên nhức nhối.

“Các đối tượng “cát tặc” rất tinh vi, manh động. Để đối phó với lực lượng chức năng, chúng thường phân chia cảnh giới thành tầng tầng, lớp lớp để kịp thời báo tin cho nhau. Thường các đối tượng sử dụng tàu có vòi hút công suất lớn để nhanh chóng hút được nhiều cát. Nếu bị truy đuổi, với phương tiện lớn như vậy cũng rất khó để xuồng của chúng tôi tiếp cận. Khó nhất là các đối tượng thường hoạt động tại các địa bàn giáp ranh, khi bị phát hiện sẽ lập tức di chuyển sang tỉnh bạn. Thậm chí, khi được yêu cầu chấp hành, chúng còn sử dụng hung khí chống trả quyết liệt, cực kỳ nguy hiểm. Ban đêm lại giữa mênh mông nước không một bóng người, khi các đối tượng manh động thì cũng không nói trước được điều gì nên buộc cán bộ, chiến sĩ ngoài chuyên môn nghiệp vụ tốt phải có bản lĩnh, kinh nghiệm và khả năng chiến đấu. Để phòng, chống loại tội phạm này, chúng tôi nhiều khi phải cắm chốt vài tháng trên sông. Bây giờ thì đỡ hơn vì có nước đóng bình, chứ trước đây mà đi liền vài tháng như vậy, cán bộ, chiến sĩ phải lấy cả nước sông lên đánh phèn làm nước ăn uống, tắm giặt. Vất vả là thế nhưng chẳng ai kêu than vì một khi đã chọn con đường phục vụ nhân dân thì việc hy sinh là tất yếu” - Thiếu tá Nguyễn Minh Tuấn tâm sự.

“Chúng tôi vẫn tự ví mình là mực 2 nắng, nắng từ trên trời rọi xuống và nắng từ mặt sông bỏng rát hắt lên khiến cán bộ, chiến sĩ đen xạm đi. Nhưng dù thế chúng tôi vẫn quyết bám địa bàn, giữ bình yên cho “mặt trận” trên sông. Đây không chỉ là nhiệm vụ mà còn là trách nhiệm của những người chiến sĩ Cảnh sát giao thông Thủ đô.

Lực lượng Cảnh sát giao thông Thủ đô dẫn đoàn phục vụ SEA Games 31 tại Hà Nội

Lực lượng Cảnh sát giao thông Thủ đô dẫn đoàn phục vụ SEA Games 31 tại Hà Nội

Những người làm công tác đón, dẫn, bảo vệ đoàn…

Biến tình huống bị động thành chủ động có thể là một nhiệm vụ rất khó, nhưng nó lại luôn thường trực đối với các cán bộ chiến sĩ Cảnh sát giao thông đảm nhiệm công tác đón, dẫn và bảo vệ đoàn. Gánh nặng đặt trên vai, họ cùng các đơn vị khác của Công an Hà Nội phải đảm bảo tuyệt đối an ninh an toàn cho các đoàn đại biểu; phối hợp thông tin tổ chức hướng dẫn phân luồng từ sớm, từ xa để giao thông thông suốt, phục vụ lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các nguyên thủ quốc gia, các đoàn khách quốc tế… đi lại thuận tiện, an toàn trên từng tuyến đường, không xảy ra các tình huống bị động, bất ngờ.

“Tình huống bị động, bất ngờ có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Nhưng chúng tôi, những người làm công tác đón, dẫn, bảo vệ đoàn phải luôn chủ động xây dựng các phương án, kế hoạch ưu tiên để biến bị động thành chủ động. Ví dụ trên đường dẫn các đoàn đại biểu cấp cao bất ngờ có đoàn người biểu tình. Ngay lập tức cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ phân luồng, cấm đường sẽ thông tin để tổ dẫn đoàn triển khai phương án khác, chọn một cung đường di chuyển an toàn, thuận lợi mà không để ảnh hưởng đến các vị lãnh đạo, các đoàn đại biểu, các đoàn khách quốc tế…” - Thiếu tá Trần Quang Chinh, Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông số 6, Phòng Cảnh sát giao thông, CATP Hà Nội cho biết.

Cũng theo chia sẻ của Thiếu tá Trần Quang Chinh, để đảm bảo an ninh an toàn cho các kỳ cuộc, các đoàn đại biểu, nguyên thủ quốc gia, quan khách quốc tế… đòi hỏi lực lượng Cảnh sát giao thông làm công tác đón, dẫn, bảo vệ đoàn phải hết sức tập trung, luôn đặt mình trong tâm thế thực hiện nhiệm vụ bất cứ lúc nào. Có những kỳ cuộc lớn diễn ra, cán bộ, chiến sĩ phải ăn ở, sinh hoạt trực tiếp tại đơn vị. Chính vì lẽ đó, họ xem nhau như người thân, động viên nhau vượt qua khó khăn, vất vả, hỗ trợ nhau trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

Những mảnh ghép hoàn hảo

Là một trong những lực lượng nòng cốt của CATP Hà Nội, Cảnh sát giao thông Thủ đô gắn với nhiều trách nhiệm lớn lao. Họ chính là những chiến sĩ hàng đêm chốt chặn trên nhiều tuyến phố, cùng với lực lượng Cảnh sát cơ động, Cảnh sát hình sự tham gia công tác phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn các hành vi tội phạm như vận chuyển trái phép chất ma túy, sử dụng vũ khí nóng và công cụ hỗ trợ; đua xe và cổ vũ đua xe trái phép…

Đề án 06 của Chính phủ ra đời, lực lượng Cảnh sát giao thông Thủ đô cũng bắt tay ngay vào triển khai trên lĩnh vực đăng ký, quản lý phương tiện và xử lý vi phạm qua Cổng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4. Mục tiêu đặt ra không phải chỉ là những con số, mà là lấy sự hài lòng của nhân dân làm thước đo thành công cho việc triển khai Đề án. Những sáng kiến, những ý tưởng của cán bộ, chiến sĩ được ghi nhận, áp dụng và đánh giá hiệu quả, từ đó nhân rộng để phát huy kết quả đã đạt được. Cùng với công an các tỉnh, thành phố trên cả nước, Phòng Cảnh sát giao thông đã nhanh chóng triển khai phân cấp đăng ký phương tiện về 18 huyện, thị xã và 183 xã, thị trấn.

Dù vất vả nhưng cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát giao thông đã và đang nỗ lực hết mình phục vụ nhân dân ngày một tốt hơn.