Những lính Mỹ cuối cùng rút khỏi Iraq

ANTĐ - Chủ nhật 18-12-2011 là một ngày lịch sử đối với người dân Iraq và cũng là một ngày đáng nhớ với những người lính Mỹ cuối cùng rút khỏi đất nước này.

Binh sĩ Lữ đoàn 3 là những binh sĩ Mỹ cuối cùng rời Iraq

Khi những tia nắng đầu tiên xuất hiện trên nền trời mùa đông Iraq, đoàn xe chở những binh sỹ Mỹ cuối cùng đã lăn bánh hướng về con đường cao tốc nối Iraq với Kuwait. Đoàn xe khoảng 110 chiếc chở hơn 500 binh sỹ, vũ khí và trang thiết bị quân sự tiến về phía Nam Iraq rồi sang nước láng giềng Kuwait để hoàn thành việc rút toàn bộ binh sỹ tại quốc gia Tây Á này.

Những binh sỹ cuối cùng rời khỏi Iraq đều mang tâm trạng khác nhau. “Tôi rất vui, rất vui khi được rời khỏi Iraq”, Thượng sỹ Acoff, quê ở Texas phấn khởi nói. Còn người lính có tên Smith cũng quê ở Texas chỉ có mong ước: “Tôi rất mong được về nhà. Giờ đây tôi thấy rất thanh thản và hạnh phúc”.

Những tổn thất về kinh tế của Mỹ trong cuộc chiến kéo dài 9 năm tại Iraq là quá rõ, nhưng so với vết thương mà những người lính Mỹ từng tham chiến tại Iraq phải gánh chịu thì những thiệt hại vật chất ấy không thể so sánh. Đối với họ, vết thương chiến tranh trong lòng họ còn lớn hơn vết thương trên da thịt và nó sẽ còn ám ảnh họ trong suốt phần đời còn lại.

Trung sỹ Christopher Lawence từng tham chiến tại Iraq. Đối với người cựu lính thủy đánh bộ này, việc Mỹ tuyên bố chấm dứt chiến tranh Iraq đã khiến lòng anh dâng lên một cảm xúc khó tả. Cũng như bao đồng đội khác, anh trở về nhà trong một hình hài không còn nguyên vẹn. Nhưng so với 4.500 người lính Mỹ đã phải bỏ mạng tại chiến trường Iraq, việc anh còn sống và trở về là một may mắn nhưng vẫn ám ảnh về một cuộc chiến khốc liệt tại Iraq. “Tôi vẫn nhớ như in ngày hôm ấy. Quả bom nằm dưới cầu và chiếc cầu nổ tung dưới chân tôi, đất đá bay tung tóe. Khi tỉnh dậy, tôi thấy mình nằm trong Trung tâm Y tế hải quân quốc gia. Lúc ấy, tôi vẫn còn đầy đủ cả chân và tay. Nhưng sau vài tháng phải chịu đau đớn, họ nói với tôi rằng họ đang cân nhắc khả năng cưa chân của tôi. Và tôi buộc lòng phải để họ làm vậy” - anh Christopher Lawence kể lại.

Sau gần 9 năm kể từ khi phát động cuộc chiến lật đổ chế độ nhà lãnh đạo Saddam Hussein, lực lượng Mỹ đã chính thức rút hoàn toàn về nước và chấm dứt chiến dịch quân sự hao tiền tốn của tại Iraq. Xét về khía cạnh nào đó, đối với Mỹ - nước phát động chiến tranh Iraq thì cuộc chiến này đã đạt mục tiêu, đó là lật đổ chế độ Saddam Hussein. Nhưng trên thực tế, sau khi bức tượng Saddam Hussein bị kéo đổ, đến nay Iraq vẫn phải đối mặt với sự chia rẽ bè phái sâu sắc, kinh tế kiệt quệ, nạn tham nhũng tràn lan và bạo lực khó kiểm soát. Và với những cựu binh như Christopher Lawence cũng như nhiều binh sỹ Mỹ khác, cuộc chiến tranh Iraq có lẽ chưa thể kết thúc.