Những ham muốn vô độ của vợ làm tôi chán nản

ANTĐ - Tôi thường bị stress không phải vì áp lức gì hết mà chính vì những nỗi chán nản gia đình. May mà hai cậu nhóc của tôi vô cùng đáng yêu nên tôi bớt buồn và giữ suy nghĩ không muốn phản bội vợ.

Phải nói thực rằng vợ tôi là người giỏi giang, tháo vát. Hồi xưa khi yêu nhau rồi lấy nhau, tôi không nhận ra điều đó. Bởi vì, cũng giống như mọi người cô ấy học đại học xong, đi làm công chức rất bình thường. Chúng tôi lấy nhau và sinh hai đứa con khá liền nhau theo kiểu 3 năm 2 đứa nên cuộc sống cũng hơi vất vả. Vợ tôi là phụ nữ nhanh nhẹn, lo chuyện gia đình cơm nước cũng khéo. Tôi ngưỡng mộ cô ấy ở điều đó. Hồi cô ấy xin vào cơ quan nhà nước làm, tôi nể phục mãi cái tài của cô ấy. Tôi thì làm theo ngành của bố mẹ, vào là có “suất” sẵn và tôi biết từ lâu rằng tôi đi học chỉ để vào đó. Còn vợ tôi là người ngoại tỉnh, học xong ở lại Hà Nội. Với những người như thế thì thường chỉ vào được các công ty tư nhân, nhưng vợ tôi bằng cách khéo léo chạy chọt này kia mà vào được một cơ quan rất “ngon lành”, bao người mơ ước không được.

Ảnh minh hoạ

Cuộc sống của chúng tôi cứ như thế, cứ theo những bậc lương mà tiến lên và chờ nghỉ hưu. Đó có lẽ cũng là điều bình thường với rất nhiều người khác. Nhưng khi con cái đã ổn định, đứa thứ 2 cũng đi học mẫu giáo được rồi, vợ tôi đột nhiên tuyên bố sẽ nghỉ việc ở cơ quan. Thi thoảng vợ tôi cũng tâm sự về những mong muốn cô ấy cần kiếm việc làm tốt hơn, có nhiều tiền hơn để cuộc sống được khá giả nhưng tôi nghĩ là cô chỉ nói thế thôi. Không ngờ, vợ tôi quyết tâm chuyển sang một công ty nước ngoài với mức lương hơn 1000 USD để làm.

Gia đình tôi đều khuyên rằng không nên chuyển vì làm cho nước ngoài sợ không ổn định, người phụ nữ đã có 2 con rồi thì nên ổn định để lo lắng cho con cái. Vợ tôi nêu quan điểm rõ ràng: “Phải cố mà làm ăn, không thể cứ chật vật sống như thế này mãi được, giờ muốn con học trường tốt cũng không lo được. Có tiền sẽ lo cho con tốt hơn”.

Vợ tôi bắt đầu công việc mới cũng là thời điểm cô ấy dần thay đổi về nhiều thứ. Tất nhiên cô ấy vẫn yêu tôi. Nhưng, tôi có cảm giác cô ấy nói nhiều hơn, làm gì cũng tốc độ, nhanh hơn, tính tình quyết đoán mạnh mẽ hơn... Những việc trong nhà cô ấy thường tự quyết hết, từ việc mua ti vi, tủ lạnh mới đến chuyện cho con đi học trường quốc tế. Tôi biết, vợ tôi ở công ty mới cũng lắm “màu”, lương 1000 USD nhưng cô ấy làm thêm cái này cái nọ nên cũng thu nhập 2-3000 USD một tháng. Đúng là lương ấy thì chẳng công chức nào dám mơ. Tôi đến giờ này lương cũng mới hơn 3 triệu, mắm muối các loại nữa được đến 6 triệu là cùng. Tiền ấy ngày xưa tôi nộp gần hết cho vợ, nhưng giờ tôi chẳng phải nộp nữa mà được “tự xử”.

Đành rằng cứ nghĩ cuộc sống chỉ có thế thôi là cũng cứ thế mà tiến nhưng cuộc sống gia đình tôi biến động từng này theo đồng tiền. Vợ tôi thấy làm như vậy cũng chưa đủ vì có những người mà cô biết còn làm được nhiều tiền hơn nữa từ những việc kinh doanh thêm. Cô muốn được như họ. Vợ tôi lao vào những toan tính bất động sản, hùn vốn với bạn mở cửa hàng điện thoại di động, cứ cái gì ra tiền là vợ tôi làm cái đó. Những vụ buôn bán đất thắng lợi đã giúp cô ấy mang về một chiếc xe Mercedes láng cóng, tôi cũng thích nhưng cảm thấy không sướng lắm vì đó là do vợ mua. Vợ tôi ngọt ngào rằng tiền thì của ai cũng vậy nên tôi cũng thấy mình ổn hơn một chút. Rồi vợ chỉ đạo tôi đi học lái xe để thi thoảng đưa cô đi đâu đó. Tôi cũng ngoan ngoãn hoàn thành bằng lái xe.

Nhưng, kỳ tình từ khi có xe tôi thấy mọi thứ rắc rối và phiền toái hơn. Nếu như vợ tôi lao theo buôn bán, công việc bề bộn ở cơ quan để tôi lo lắng con cái thì từ khi có xe tôi bận rộn hơn nữa. Vợ tôi mua xe nhưng không thích tự lái, hễ muốn đi đâu kể cả mua cái váy tôi cũng phải lái xe chở đi. Cô bảo lái xe mệt, cả ngày đi làm mệt rồi giờ còn lái xe nữa thì sức đâu chịu nổi, phải dành sức để tối chơi với con. May mà nhà tôi có bà giúp việc rất chu đáo, vợ tôi thuê thêm cả bà bác họ từng làm giáo viên cấp một đến để vừa chăm lo vừa dạy học cho bọn trẻ con. Tôi không vất vả vì việc nhà, nhưng giờ lại vất vả vì đưa đón vợ như một tài xế. Vợ tôi nói để tôi đưa tức là vợ còn tử tế, chứ để người khác đưa mới là vấn đề. Thôi thì tôi đành chịu vậy.

Mà đúng là thói đời, từ khi vợ tôi giàu lên thì cô ấy cũng có những quan điểm làm đẹp khác hẳn. Ngày xưa, cô chê việc xăm môi, xăm mày là thế mà giờ không biết nghe ở đâu người ta nói rằng phải xăm mới có nhiều lộc hơn, cô đi xăm đôi mày cong, môi đỏ chót. Tôi nhìn mãi không quen vì tôi thích cái vẻ mặt mộc mạc của vợ tôi hơn. Các nét của cô ấy rất xinh, chỉ cần chút son phấn là đẹp, bây giờ cô xăm như thế này nhìn hơi dữ. Ngày xưa, tôi nhìn cô cau cau cái mày tính toán thấy tồi tội, giờ thấy cái mày cau cứ toan tính thế nào ấy. Rất khó diễn tả những cảm xúc của tôi sau khi thấy cô ấy đi thẩm mỹ viện.

Đôi khi tôi nói nhỏ rằng thôi, vợ cứ giữ những gì đang làm là cuộc sống cũng ổn định rồi, nghỉ ngơi cho khỏe. Thế nhưng, qua vợ, tôi cũng hiểu rằng con người ta có lòng tham vô đáy. Khi chưa có được 1000 USD thì mong có 1000 USD, nhưng khi có 1000 USD lại muốn có 3000 USD và có 3000 USD sẽ muốn nữa... Vợ tôi thường bày tỏ muốn đổi cái xe này, thay cái kia vì cô cứ muốn những thứ đẹp hơn, tiện lợi hơn. Ra đường nhìn thấy người ta đi xe Bently là cô ấy xuýt xoa, thèm muốn và bảo sẽ cố để có được xe ấy.

Rồi thì bạn cô ấy thường xuyên sang Singapore mua quần áo, cô ấy cũng muốn được như thế... Tôi can, bảo rằng vật chất là phù du, em đẹp thì mặc quần áo bình thường cũng đẹp, xấu thì chất vàng lên người vẫn xấu... Vợ tôi “phủi” tôi bằng một câu: “Đàn ông như anh thì suốt đời không ngẩng mặt lên được”. Đó là câu nói mà tôi nhớ nằm lòng và giữ ở trong đáy lòng với những hậm hực. Tôi không muốn hậm hực nhưng không thể thoát ra khỏi cảm giác như thế. Tôi thấy tôi hèn, tôi quá thấp kém trước mặt vợ. Đôi khi tôi còn thấy cô ấy nói bóng gió rằng chẳng có cô ấy thì đời tôi chẳng có gì. Chẳng thằng đàn ông nào chịu được cái suy nghĩ ấy.

Tôi cảm thấy nặng nề với vợ tôi, càng ngày càng nặng nề. Cô ấy vì bận rộn đi làm rồi đi giao dịch này kia nên những lần chúng tôi ăn cơm chung càng thưa thớt, thậm chí chuyện 10 ngày mới ăn chung bữa cơm là thường xuyên. Ngay cả “chuyện ấy”, cô ấy thường kêu mệt mỏi, không đủ sức và bắt tôi phải để cô yên. Khi phụ nữ bắt chồng không được đụng vào người, để yên với một giọng nói rất quyền lực thì đúng là anh ta chẳng còn gì để mà nói cả. Tôi thường bị stress không phải vì áp lực gì hết mà chính vì những nỗi chán nản của gia đình. May mà hai cậu nhóc của tôi vô cùng đáng yêu nên tôi bớt buồn và giữ suy nghĩ không muốn phản bội vợ. Chứ như tôi, chắc chắn khối người đã đi ra ngoài từ lâu rồi.

Đợt vừa rồi đất đai chững lại, đi xuống, vợ tôi cũng thua mấy vụ làm ăn, tiền ra cũng nhiều. Cô ấy buồn bực, lo lắng hay than thở. Đất xuống, bán không được, những cuộc điện thoại giao dịch tối ngày như xưa cũng không còn theo cô ấy vào tận giấc ngủ nữa. Chẳng hiểu có phải do số trời của năm đen đủi không mà cửa hàng điện thoại của vợ tôi cũng dẹp bỏ vì trục trặc giữa các cổ đông. Cổ đông là mấy bà bạn chứ có gì to tát đâu. Thế là bỗng dưng vợ tôi có nhiều thời gian ở nhà hơn, bớt suốt ngày nói chữ tiền ở miệng. Tôi tự dưng thấy thanh thản. Dù cho vợ tôi buồn nên “chuyện ấy” càng hiếm hoi hơn, cô ấy bị áp lực vì tiền. Nhưng, tôi không quan trọng, tôi cảm thấy sự hiện diện của cô ấy nhiều hơn trong nhà đã là mừng rồi. Hai thằng con trai tôi cũng mừng giống tôi, lâu lắm chúng mới có dịp nằm bên cạnh mẹ để xem hoạt hình. Dù vợ tôi hờ hững, không xem, chỉ nằm đó thôi nhưng cả 3 bố con tôi đều có cảm giác hạnh phúc hơn. Cái hạnh phúc ấy rất khó nói hết bằng lời.

Tôi cứ xin là một thằng đàn ông hèn đi, thằng đàn ông cần người vợ ở bên cạnh chứ chẳng cần xe đẹp, nhà to. Ở nhà to, đi xe đẹp cũng sướng đấy, nhưng vì thế mà phải chịu cảnh 10 ngày mới được ăn chung một bữa thì thật khó nói hết những đau khổ lắm. May mà tôi là người đàn ông ngoan, tôi mong vợ tôi hiểu được điều đó.