Những "chiến binh chống giặc lửa" giữa rừng Amazon đang cháy âm ỉ

ANTD.VN - Mặc dù các trận cháy rừng không dữ dội như hồi tháng 8-2019, rừng Amazon đến nay vẫn cháy âm ỉ. Tại Brazil, Tổng thống Jair Bolsonaro đã điều 44.000 quân tới dập lửa vào cuối tháng 8, trong khi Bolivia cũng triển khai 5.000 binh sỹ. Đó là chưa kể những nhóm lính cứu hỏa địa phương vẫn túc trực không ngừng nghỉ. Họ chính là những “chiến binh chống giặc lửa” để bảo vệ rừng Amazon.

Tháng 8-2019, rừng nhiệt đới Amazon của Brazil đã cháy mạnh nhất kể từ năm 2010. Đỉnh điểm, đã có lúc 31.000 đám cháy cùng bùng phát.

... tạo ra một lớp khói dày phủ kín hơn 3 triệu km2 ở nơi được coi là "lá phổi của Trái đất"

Khi nạn cháy rừng ở Amazon thu hút sự chú ý đặc biệt của cộng đồng quốc tế, Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro đã quyết định cử 44.000 binh sĩ để chiến đấu với giặc lửa vào cuối tháng 8-2019.

Đến tháng 9-2019, số vụ cháy đã giảm xuống còn 20.000, giảm so với 24.500 đám cháy hồi tháng 9-2018. Đây là điều bất thường, bởi vì tháng 9 hàng năm thường là thời điểm các đám cháy rừng gia tăng.

Lý giải về điều này, Giáo sư Maria Silva Dias, chuyên gia về cháy rừng tại Đại học Sao Paulo nói với Reuters rằng sự suy giảm đó là do mưa nhiều, kết hợp với sự quyết liệt của chính quyền và quân đội Brazil.

Vào cuối tháng 8-2019, ông Bolsonaro cũng ban hành lệnh cấm đốt rừng để lấy đất canh tác trong vòng 60 ngày.

Bên cạnh đó là sự lăn xả của các thành viên của đội cứu hỏa của Viện Tài nguyên và Tái tạo môi trường (IBAMA) tại các điểm nóng.

Trước khi các đám cháy bùng phát trong năm nay, Tổng thống Brazil Bolsonaro đã đề cập đến việc đóng cửa tổ chức này, vì ông muốn phát triển các khu vực có rừng.

Ngoài dùng nước chữa cháy, một số nhân viên cứu hỏa còn sử dụng gậy dài 2,5m gắn miếng thảm phía trên để dập lửa.

Họ sử dụng tất cả các công cụ có trong tay, kể cả túi nước được nạp từ các dòng suối gần đó...

Đất bụi cũng có thể dùng để tạt vào lửa, chống cháy lan

Từ trên cao, máy bay vận tải C-130 Hercules đổ nước và chất chống cháy để dập lửa. Được biết, Chính phủ Brazil cũng đã thuê một chiếc Boeing 747-400 hỗ trợ quá trình này

Không chỉ có lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp, nhiều tình nguyện viên cũng tham gia chữa cháy rừng ở Brazil.

 Trong khi đó, ở Bolivia, ít nhất 1,7 triệu ha rừng Amazon đã bị đốt cháy. Chính phủ nước này đã điều 5.000 quân để chiến đấu với giặc lửa.

Được biết, Bolivia đã chi 20 triệu USD để cứu “lá phổi của Trái đất”

Các vụ cháy rừng có thời điểm trở nên tồi tệ đến mức Tổng thống Bolivian Evo Morales đã phải tạm hoãn chiến dịch tái tranh cử của mình, trực tiếp đến hiện trường thị sát công tác chống cháy rừng.

Một số lính cứu hỏa ở Bolivia tình nguyện làm việc vào ban đêm vì nhiệt độ xuống thấp hơn và để có thể nhìn thấy đám cháy rõ hơn

Ở đây, cảnh sát và quân đội cùng phối hợp để ngăn chặn hỏa hoạn, trong khi người dân gồm nhiều thành phần như nông dân, kế toán và công nhân xây dựng cũng đã tạo thành nhóm nhỏ cùng “tham chiến”.

Đó là công việc nguy hiểm. Một tình nguyện viên tên Andres Manaca trong 8 ngày đã 2 lần suýt bị mắc kẹt giữa vòng vây hỏa hoạn.

Một chỉ huy cứu hỏa nói với ABC News rằng công việc của họ như “muối bỏ biển” nhưng nếu họ có thể cứu vãn được một vài thứ, điều đó thật đáng giá.

Tuy vậy, có vẻ như công việc của họ đã tạo ra tác động đáng kể. Chỉ huy lực lượng vũ trang của Bolivia cho biết họ không có kế hoạch rút quân.

Và những người lính, như thế này, sẽ tiếp tục cuộc đấu tranh với những đám cháy rừng ở một trong những năm tồi tệ nhất trong lịch sử gần đây ở Amazon.