Những câu chuyện về “cha đẻ” bom nguyên tử của Trung Quốc

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Ngày 25-6-2024 đánh dấu kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Đặng Gia Tiên - nhà vật lý được mệnh danh là “cha đẻ” bom nguyên tử Trung Quốc. Ít ai biết rằng, ông đã phải che giấu thân phận của mình và chỉ “lộ tướng” 1 tháng trước khi qua đời.

“Cha đẻ” của 2 quả bom

Khi ánh sáng trắng chói lóa quét qua sa mạc tĩnh lặng và khói bụi cuộn thành đám mây hình nấm màu nâu đỏ, nhà vật lý Đặng Gia Tiên cúi mặt, nước mắt chảy dài và không nói gì. Dự án do ông chỉ đạo đã thành công. Vợ ông - bà Hứa Lộc Hy - sau này kể lại rằng, trước đó 6 năm, khi lần đầu tiên được bổ nhiệm vào vị trí đứng đầu dự án chế tạo bom hạt nhân Trung Quốc, ông không tiết lộ cho gia đình biết mình làm gì hoặc ở đâu. Quá trình tham gia dự án, nhà khoa học này thậm chí còn không được phép đến thăm người mẹ đang bị bệnh nặng. Ông chỉ tới gặp bà sau khi cuộc thử nghiệm thành công vào tháng 10-1964.

Nhà vật lý hạt nhân Đặng Gia Tiên, “cha đẻ” chương trình bom hạt nhân của Trung Quốc

Nhà vật lý hạt nhân Đặng Gia Tiên, “cha đẻ” chương trình bom hạt nhân của Trung Quốc

Đặng Gia Tiên sinh năm 1924 tại An Huy trong một gia đình trí thức và lớn lên với nguyên tắc hàng đầu là “phải có ích cho đất nước”. Ông trở thành người tị nạn chiến tranh khi người Nhật chiếm đóng Bắc Kinh. Sau đó, ông tiếp tục học ở tỉnh Vân Nam giữa cảnh bom đạn rồi đến Mỹ theo học tại Đại học Purdue. Đặng Gia Tiên đã hoàn thành bằng Tiến sĩ trong vòng chưa đầy 2 năm vào năm 1950. Chỉ 9 ngày sau khi tốt nghiệp, chàng trai 26 tuổi lên tàu trở về Cộng hòa nhân dân Trung Hoa mới thành lập. Ông trở về vì cảm thấy tình hình chính trị đang trở nên tồi tệ, đặc biệt khi chiến tranh Triều Tiên bắt đầu vào tháng 6 năm đó. Đúng vậy, 2 tháng sau, quan hệ Mỹ - Trung bị cắt đứt sau khi Trung Quốc tham chiến.

Năm 1958, nhà vật lý Đặng Gia Tiên được chọn phụ trách chương trình vũ khí hạt nhân của Trung Quốc, sau này được gọi là Dự án 596, đứng đầu một nhóm sinh viên mới tốt nghiệp với độ tuổi trung bình là 23, sau đó được bổ sung thêm một số nhà khoa học và kỹ thuật viên giàu kinh nghiệm hơn. Đến tháng 9-1963, họ đã thiết kế một quả bom theo lộ trình công nghệ hoàn toàn khác so với các cường quốc hạt nhân thời đó. Một năm sau, Trung Quốc đã cho nổ thành công quả bom nguyên tử này trong cuộc thử nghiệm Lop Nur tại sa mạc Tân Cương. Nhưng kể từ đó, nhà vật lý Đặng Gia Tiên đã chuyển hẳn sang phát triển bom khinh khí (hay nhiệt hạch, hydro), hợp tác chặt chẽ với nhà thiết kế chính Vu Mẫn để phát triển lộ trình nhằm rút ngắn đáng kể thời gian và chi phí cho dự án. Kế hoạch của họ đã được đền đáp khi Trung Quốc thử nghiệm thành công thiết bị nhiệt hạch đầu tiên trong vòng chưa đầy 3 năm vào tháng 6-1967 (tức là chỉ sau hơn 2 năm 8 tháng cho nổ quả bom nguyên tử đầu tiên).

Những hình ảnh về thành tựu vũ khí nguyên tử gắn với nhà vật lý hạt nhân Đặng Gia Tiên ở Trung Quốc

Những hình ảnh về thành tựu vũ khí nguyên tử gắn với nhà vật lý hạt nhân Đặng Gia Tiên ở Trung Quốc

Bí mật giấu kín suốt 28 năm

Vào thời điểm này, cuộc Cách mạng Văn hóa ở Trung Quốc đang diễn ra dẫn đến những hỗn loạn và xung đột phe phái trong Viện Nghiên cứu hạt nhân, nhưng nhà vật lý Đặng Gia Tiên đã thuyết phục các phe phái tập trung vào công việc bằng câu nói: “Quả bom khinh khí đầu tiên của chúng ta đã đi trước cả nước Pháp”. Tuy nhiên, gia đình ông khó tránh khỏi tình trạng hỗn loạn giống như bao gia đình khác trong thời kỳ đó. Em gái ông bị suy sụp rồi qua đời, vợ ông bị tấn công tại nơi làm việc, con gái ông bị đưa về nước ở tuổi 14, trong khi bản thân Đặng Gia Tiên là mục tiêu bị dư luận chỉ trích dữ dội. “Những đòn giáng tới gia đình không thể coi là nhỏ, nhưng người đàn ông ấy kiên cường đến mức khi biến cố qua đi, ông có thể sớm trở lại trạng thái bình thường. Ông ấy không bao giờ nản lòng chứ đừng nói đến suy sụp. Và ngay khi hoàn cảnh được cải thiện một chút, ông đã cố gắng hoàn thành kế hoạch làm việc và hướng tới những mục tiêu đã đề ra” - vợ ông sau này chia sẻ.

Trước những lời gièm pha, nghi ngờ về thành công cũng như khía cạnh đạo đức trong công việc của mình, Đặng Gia Tiên chỉ trả lời rằng, ông tập trung vào việc theo kịp các siêu cường trên thế giới để đất nước không còn phải đối mặt với nguy cơ bị xâm lược hoặc chiến tranh. Động lực này đã thúc đẩy ông tiếp tục nghiên cứu vũ khí neutron cho đến những năm 1980. Ngay cả khi sắp qua đời vì bệnh ung thư, ông vẫn tiếp tục kế hoạch đẩy nhanh các vụ thử hạt nhân. Trên giường bệnh, ông dặn vợ gửi tài liệu đi ngay sau khi hoàn thành và nói rằng “điều này còn quan trọng hơn cuộc đời của anh và em”.

Mãi đến tháng 6-1986, trước khi qua đời vì bệnh ung thư, tên tuổi ông mới đột nhiên xuất hiện đồng thời trên các phương tiện truyền thông lớn của Trung Quốc. Sau 28 năm (1958-1986), người ta mới biết đến Đặng Gia Tiên là vị công thần, đưa Trung Quốc đi từ không đến có trong lĩnh vực vũ khí hạt nhân.

Tấm gương về tinh thần cống hiến

Trong khi người đồng cấp Mỹ Robert Oppenheimer trở nên nổi tiếng khắp thế giới và là chủ đề của một bộ phim tiểu sử lớn vào năm ngoái, thì Đặng Gia Tiên gần như kín tiếng suốt sự nghiệp của mình. Ngay cả phản ứng của ông về cuộc thử nghiệm cũng khác xa Oppenheimer. Trong khi nhà vật lý người Mỹ sau khi thử quả bom nguyên tử đầu tiên đã trích dẫn câu nói của Bhagavad Gita “Bây giờ tôi trở thành Thần chết, kẻ hủy diệt thế giới”, thì ông Đặng chỉ nói “Chết vì nó cũng đáng”.

Tiến sĩ Dương Chấn Ninh, chủ nhân giải Nobel về vật lý, vốn biết rõ cả 2 “cha đẻ bom nguyên tử” của Mỹ và Trung Quốc nhận xét, họ có “những tính cách hoàn toàn trái ngược nhau”. Nếu như nhà khoa học Mỹ Oppenheimer là “thiên tài không ngừng nghỉ, không bao giờ bỏ lỡ cơ hội thể hiện sự vượt trội của mình”, thì ông Đặng “luôn chân thành, khiêm tốn và không bao giờ cố thể hiện”. Ông Dương viết vào năm 1993: “Trong tất cả những trí thức mà tôi từng biết, dù là người Trung Quốc hay ở nơi khác, Đặng Gia Tiên là người có sự trung thực giản dị nhất của nông dân Trung Quốc. Tôi tin rằng nếu ông Đặng là người Mỹ thì ông ấy đã không thể thành công trong việc lãnh đạo dự án bom nguyên tử của Mỹ. Đổi lại, nếu Oppenheimer là người Trung Quốc, ông ta không thể thành công trong vai trò tương tự”.

Bệnh ung thư của nhà vật lý hạt nhân Đặng Gia Tiên có lẽ có một phần nguyên nhân là do ông tiếp xúc gần với Plutonium sau một cuộc thử nghiệm thất bại vào năm 1979. Khi đó, ông nhất quyết giúp tìm kiếm các mảnh vỡ phát nổ từ quả bom khiến bản thân phải chịu bức xạ nặng. Là người đã theo đuổi một lối sống khác bằng cách ở lại Mỹ để tiếp tục nghiên cứu, Tiến sĩ Dương Chấn Ninh kể, nhà vật lý Đặng Gia Tiên đã từng nói với ông rằng, “chúng ta có chung một con đường dù có nhiều dặm đường riêng biệt”.

Mô tả về người bạn còn “thân thiết hơn cả anh em”, ông Dương nói việc gặp Đặng Gia Tiên năm 1971 trong chuyến trở lại Trung Quốc sau hơn 20 năm đã thay đổi cuộc đời ông. “Chuyến thăm đó là một phần rất rất quan trọng trong cuộc đời tôi” - ông Dương nói trong lễ kỷ niệm sinh nhật lần thứ 100 của mình vào năm 2021. Kể từ chuyến thăm đó, các chuyến trở lại Trung Quốc của ông trở nên thường xuyên hơn và ông đã thúc đẩy trao đổi học thuật cũng như quyên góp được hàng triệu USD cho giáo dục của Trung Quốc trước khi từ bỏ quốc tịch Mỹ vào năm 2017. “Tôi có thể nói với Đặng một cách tự tin rằng, 50 năm thứ hai của cuộc đời tôi giống như những kỳ vọng của ông ấy về con đường chung. Và tôi tin rằng ông ấy sẽ hài lòng với điều đó. Đặng là tấm gương về tinh thần cống hiến cao nhất được lý tưởng hóa bởi truyền thống hàng nghìn năm của Trung Quốc” - Tiến sĩ Dương Chấn Ninh nói.