Những cá nhân nào giúp Nguyễn Cao Trí “bẻ lái” được Dự án Đại Ninh?

ANTD.VN - Cáo trạng xác định, việc Văn phòng Chính phủ đề xuất, sau đó được lãnh đạo Chính phủ đồng ý chuyển đơn cùng ý kiến chỉ đạo Thanh tra Chính phủ giải quyết theo yêu cầu của Nguyễn Cao Trí là tiền đề cho sai phạm trong vụ án Sài Gòn Đại Ninh .

Được bày cho “nước cờ” quan trọng

Cáo trạng của Viện KSND Tối cao truy tố 10 bị can trong vụ Sài Gòn Đại Ninh xác định, Dự án Đại Ninh do Công ty Sài Gòn Đại Ninh (SGĐN) làm chủ đầu tư có diện tích hơn 3.500ha gồm đất rừng, đất lòng hồ, đất ngoài lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng và được cấp phép năm 2010.

Sau đó, Dự án Đại Ninh để xảy ra nhiều sai phạm nên năm 2020, Thanh tra Chính phủ (TTCP) ra kết luận số 929 kiến nghị chấm dứt hoạt động, thu hồi dự án. Biết việc này, bị can Nguyễn Cao Trí (Chủ tịch Công ty giáo dục Văn Lang) đã mua lại dự án, đồng thời tác động đến cán bộ thuộc Văn phòng Chính phủ (VPCP), TTCP, UBND tỉnh Lâm Đồng để dự án được hoạt động.

Một góc Dự án Đại Ninh tại tỉnh Lâm Đồng.

Do có tác động của Nguyễn Cao Trí, TTCP ra kết luận mới theo hướng “bẻ lái”, thay đổi ngược với kết luận 929. Cụ thể, Dự án Đại Ninh sẽ không bị thu hồi mà cho gia hạn, tiếp tục thực hiện. Dù vậy, bị can Trí không thực hiện dự án mà bán cho Tập đoàn Novaland với giá 27.600 tỷ đồng.

Trong vụ án này, có 2 bị can thuộc VPCP là Mai Tiến Dũng (cựu Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ) và Trần Bích Ngọc (cựu Vụ trưởng Vụ theo dõi Thanh tra; giải quyết khiếu nại tố cáo; phòng chống tham nhũng, buôn lậu, gian lận thương mại (Vụ I) bị xử lý cùng về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, quy định tại khoản 3, Điều 265 – BLHS.

Cáo trạng thể hiện, sau khi TTCP ban hành kết luận 929, Công ty SGĐN nhiều lần gửi đơn đến Lãnh đạo Chính phủ, Bộ Trưởng, Chủ nhiệm VPCP, Tổng TTCP, UBND tỉnh Lâm Đồng đề nghị cho tiếp tục triển khai thực hiện Dự án Đại Ninh,

Khi nhận đơn, VPCP căn cứ theo quy chế hoạt động chỉ chuyển đơn thông thường cho TTCP và UBND tỉnh Lâm Đồng giải quyết theo thẩm quyền nhưng không được giải quyết do không có căn cứ, không thuộc thẩm quyền, không đúng đối tượng hoặc trùng nội dung nên lưu đơn.

Sau đó, do có mối quan hệ thân thiết với ông Trần Văn Minh (Phó Tổng TTCP, đã chết), người ký kết luận số 929 nên Nguyễn Cao Trí gặp, trao đổi với ông Minh về việc muốn mua lại Dự án Đại Ninh, đồng thời nhờ thay đổi kết luận thanh tra.

Ông Minh đồng ý và biết Nguyễn Cao Trí có mối quan hệ quen biết nhiều lãnh đạo Chính phủ, trong đó có bị can Mai Tiến Dũng nên hướng dẫn Trí nhờ “một số cá nhân” can thiệp, hỗ trợ để Tổng giám đốc Công ty SGĐN được “chính danh” lo các thủ tục cho dự án ở tỉnh Lâm Đồng được giãn tiến độ, không bị thu hồi.

"Đại gia" Nguyễn Cao Trí - Tổng giám đốc Công ty Sài Gòn Đại Ninh.

Sau khi được ông Minh nhận lời giúp đỡ, ngày 2-10-2020, Nguyễn Cao Trí ký thỏa thuận đặt cọc về việc chuyển nhượng Dự án Đại Ninh.

Hai hôm sau, theo hướng dẫn của ông Trần Văn Minh, bị can Trí cầm theo đơn của Công ty SGĐN ra Hà Nội, đến gặp bị can Mai Tiến Dũng và trao đổi việc Trí đã mua lại Dự án Đại Ninh nhưng dự án này đã có kiến nghị thu hồi theo kết luận của TTCP. Bị can Trí nhờ Chủ nhiệm VPCP bút phê vào đơn, giao Vụ I của VPCP tham mưu, báo cáo lãnh đạo Chính phủ có ý kiến chỉ đạo.

Ông Mai Tiến Dũng do vậy có bút phê “chuyển Vụ I” rồi giao đơn của Trí cho bị can Trần Bích Ngọc (Vụ trưởng Vụ I) báo cáo đề xuất. Quá trình gặp gỡ, Nguyễn Cao Trí có gửi quả cảm ơn cho bị can Mai Tiến Dũng số tiền 200 triệu đồng.

Thực hiện bút phê của Mai Tiến Dũng, bị can Ngọc soạn thảo phiếu trình có nội dung: “VPCP kiến nghị lãnh đạo Chính phủ giao VPCP có văn bản chuyển đến TTCP đơn của Công ty SGĐN để xem xét giải quyết theo quy định của pháp luật và trả lời doanh nghiệp”. Lãnh đạo Chính Phủ có bút phê đồng ý vào phiếu này.

Tiền đề cho hàng loạt sai phạm

Cũng theo tài liệu truy tố, tháng 12-2020, do đơn của Công ty SGĐN chưa được TTCP giải quyết nên Nguyễn Cao Trí lại được ông Trần Văn Minh hướng dẫn tiếp tục làm đơn gửi VPCP đề nghị lãnh đạo Chính phủ có văn bản chỉ đạo mạnh mẽ hơn theo hướng giao TTCP kiểm tra, giải quyết đơn. Như vậy, sẽ có căn cứ để TTCP thực hiện.

Ngày 16-1-2021, Nguyễn Cao Trí gặp Mai Tiến Dũng và nhắc lại việc đã mua lại dự án, đang xin thủ tục để dự án được gia hạn, giãn tiến độ, không bị thu hồi. Trí cũng nói được ông Trần Văn Minh hướng dẫn tiếp tục gửi đơn để thông qua VPCP báo cáo xin ý kiến lãnh đạo Chính phủ phụ trách TTCP.

Theo đề nghị của Trí, bị can Mai Tiến Dũng lần thứ 2 bút phê “chuyển Vụ I (giải quyết sớm) vào đơn của Công ty SGĐN, giao Trần Bích Ngọc đề xuất. Bên cạnh việc nhờ Dũng, Trí nhiều lần gặp, nhắn tin và gọi điện cho Trần Bích Ngọc để nhờ bị can này làm Phiếu trình của Vụ I đến Lãnh đạo Chính phủ xin ý kiến chỉ đạo xử lý đơn của Công ty SGĐN cho TTCP.

Bị can Mai Tiến Dũng - cựu Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP.

Kết quả, Vụ I có Phiếu trình giải quyết công việc, kiến nghị lãnh đạo Chính phủ có ý kiến chỉ đạo TTCP kiểm tra, rà soát, giải quyết phản ảnh kiến nghị của Công ty SGĐN liên quan đến Dự án Đại Ninh theo đúng quy định của pháp luật và trả lời doanh nghiệp.

Ngày 21-1-2021, lãnh đạo Chính phủ có ý kiến đồng ý đề xuất nội dung phiếu trình trên. Từ cơ sở này, VPCP có Văn bản số 591 chuyển đơn của Công ty SGĐN cho TTCP với nội dung “Lãnh đạo Chính phủ có ý kiến chỉ đạo như sau: TTCP kiểm tra, rà soát, giải quyết phản ánh, kiến nghị của Công ty SGĐN theo đúng quy định của pháp luật, trả lời doanh nghiệp”.

Cáo trạng xác định: “Việc đề xuất, sau đó được lãnh đạo Chính phủ đồng ý chuyển đơn cùng ý kiến chỉ đạo TTCP kiểm tra, giải quyết theo yêu cầu và hướng lợi ích cho Nguyễn Cao Trí là trái pháp luật, là tiền đề cho hàng loạt sai phạm trong việc TTCP thành lập Tổ công tác điều chỉnh, sửa đổi kết luận thanh tra cho Dự án Đại Ninh được gia hạn, giãn tiến độ trái pháp luật”.

Ngoài các bị can Mai Tiến Dũng, Trần Bích Ngọc, cơ quan tố tụng xác định một số cá nhân tại VPCP có hành vi sai phạm liên quan ở các mức độ khác nhau nhưng không thỏa thuận, thông đồng với Nguyễn Cao Trí và Công ty SGĐN. Những người này giữ vai trò thứ yếu, chỉ thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ được giao… nên không xử lý hình sự.

Một số cá nhân có liên quan khác, quá trình điều tra vụ án, xác định dấu hiệu sai phạm nhưng do thời hạn điều tra vụ án đã hết nên Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an tách thông tin, tài liệu liên quan đến hành vi sai phạm của các cá nhân này để tiếp tục điều tra, xử lý sau.