Những bệnh thường gặp ở tuổi vị thành niên

ANTD.VN - Trẻ vị thành niên dù khá sung sức nhưng cũng có thể mắc những bệnh đặc thù ở lứa tuổi này. Nắm rõ đặc điểm thể trạng và tâm lý của  lứa tuổi này sẽ giúp các bậc cha mẹ chăm sóc con dễ dàng hơn.

Yếu tố thể trạng và tâm lý chi phối sức khỏe của trẻ ở tuổi teen

Mụn trứng cá: là một bệnh ngoài da thường gặp ở tuổi dậy thì (tỷ lệ mắc trên 80%). Mặc dù mụn trứng cá không gây hại nhiều đến sức khỏe nhưng lại ảnh hưởng rất lớn đến thẩm mỹ và tâm lý giới trẻ. Đối với mụn trứng cá nặng, nếu như không biết chăm sóc và điều trị đúng cách có thể để lại sẹo xấu, gây ảnh hưởng tâm sinh lý vĩnh viễn. Tuy nhiên, bệnh sẽ giảm dần khi đến tuổi 25.

Đau đầu: Những cơn đau đầu của lứa tuổi vị thành niên thường do sự thay đổi đột ngột những hoạt động của các neuron thần kinh trong não hoặc sự thay đổi áp suất trong các mạch máu có nhiệm vụ cung cấp máu lên não. Những dấu hiệu này chỉ là sự phát triển bình thường của sinh lý lứa tuổi. Tuy nhiên, nếu thường xuyên đau đầu mà không liên quan tới chu kỳ kinh thì nên đi khám chuyên khoa thần kinh để tìm nguyên nhân.

Thiếu máu nhược sắc: Có khoảng 20 - 25% em gái vị thành niên thường bị chứng xanh xao (thiếu máu nhược sắc). Nguyên nhân là do trong vài năm đầu chu kỳ kinh, hầu hết em gái có chu kỳ kinh không ổn định, ngày có kinh kéo dài hơn một tuần làm cho bé gái mất nhiều máu hơn và lượng sắt của cơ thể cũng giảm sút. 

Viêm khớp tự phát thiếu niên: được định nghĩa là tình trạng viêm khớp mạn tính kéo dài ít nhất 6 tuần, khởi phát bệnh trước 16 tuổi. Đây là nhóm bệnh tự miễn dịch, nguyên nhân gây bệnh chưa được rõ ràng, có diễn biến phức tạp, khó nhận biết và khó tiên lượng bệnh. Bệnh thường khởi phát sau nhiễm virus chlamydia mycoplasma, streptococus, salmonella, shigella... Khi phát hiện bệnh, cần điều trị theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa xương khớp.

Stress: Không chỉ người lớn gặp áp lực công việc mà  trẻ vị thành niên cũng dễ gặp các stress. Hội chứng stress ở tuổi  này dễ xuất hiện khi gặp khó khăn trong học tập, thi cử, bị điểm kém, bị áp lực từ phía cha mẹ, có mâu thuẫn sâu sắc với bạn bè, rắc rối trong tình yêu. Nếu không được can thiệp và điều trị sớm, stress sẽ dẫn đến những suy nghĩ tiêu cực. Vì vậy, các em rất cần sự chia sẻ, thông cảm và tôn trọng từ phía người lớn.

Rối loạn hành vi: Đánh nhau, chống lại người thi hành công vụ, nói bậy, ăn cắp, đua xe,... là các biểu hiện đa dạng của rối loạn hành vi, xuất hiện lặp đi lặp lại và kéo dài ít nhất 6 tháng ở tuổi vị thành niên. Những rối loạn hành vi nhẹ thường thuyên giảm theo thời gian. Tuy nhiên, những rối loạn nặng thường có khuynh hướng trở thành mạn tính. Các em rất khó thích ứng với xã hội dẫn đến hành vi chống đối, phạm pháp. Việc điều trị rối loạn hành vi đòi hỏi phải kiên trì, kéo dài, có sự phối hợp chặt chẽ của gia đình, nhà trường, bác sĩ tâm thần và xã hội.