Những bài thi đọc mà… choáng

ANTĐ - Mùa thi đại học, cao đẳng năm nay đã kết thúc. Được tham gia chấm thi tuyển sinh vào một số trường đại học, cao đẳng thuộc khối văn hóa nghệ thuật, bên cạnh việc được tiếp xúc với phần lớn các bài viết tốt, tạo nên niềm vui trong ngày hè nóng bức, cũng có những kiến thức của thí sinh khiến không khỏi ngạc nhiên bên cạnh  những đoạn “văn chương dựng tóc gáy” đầy hài hước.

Ảnh minh hoạ

Trong phần thi kiến thức chung, không ít thí sinh nhầm lẫn nhiều nhất về môn lịch sử. Chẳng hạn, với câu hỏi “Trong lịch sử Việt Nam nói tới “Vua cờ lau” người ta muốn nói tới ai?”, có thí sinh trả lời “đó là Quang Trung Nguyễn Huệ”, “Trần Quốc Tuấn”, “Trần Quốc Toản”, “Ngô Quyền”, “Phùng Hưng”; thậm chí có em cho rằng “đó là Hoàng Hoa Thám”, “ Nguyễn Trãi”… Trong khi học sinh cấp THCS nếu đã đọc “Ngọn cờ lau Vạn Thắng Vương” thì đều biết đó là Đinh Bộ Lĩnh - Đinh Tiên Hoàng.

Với câu hỏi “Sông Hồng còn có tên nào khác trong lịch sử?”, nhiều em trả lời bằng cách đưa ra các tên như Hoàng Hà, sông Đỏ, Lục Thủy, Cúc Thủy, sông Đục… Đáng ngạc nhiên hơn khi có các thí sinh đưa ra đáp án như sông Vị Xuyên, Bạch Đằng, Tô Lịch…; thậm chí có đáp án là… sông Cửu Long. Trong khi đó, trả lời câu hỏi “Lý Thường Kiệt, Nguyễn Trãi gắn với sự kiện nào trong lịch sử dân tộc?”, có em viết: “Lý Thường Kiệt nổi tiếng với “Hịch tướng sĩ”, “Lý Thường Kiệt truyền bá rộng rãi Nho học vào Việt Nam”, hoặc “Với bài thơ “Thần” của ông quân ta giành thắng lợi” hay “Lý Thường Kiệt đọc bài “Nam quốc sơn hà” để dụ địch đầu hàng”, “Lý Thường Kiệt trả gươm báu cho rùa thần ở hồ Hoàn Kiếm”… Trong khi đó, có thí sinh viết: “Nguyễn Trãi là tác giả của “Đại cáo toàn thư” hay “Nguyễn Trãi là tác giả của vụ án Lệ Chi viên”…

Đồng thời, với câu hỏi “Nêu 2 địa danh của Hà Nội gắn với chiến công chống giặc ngoại xâm của người anh hùng áo vải Tây Sơn?”, thay vì trả lời “Ngọc Hồi và Đống Đa”, có em viết: “Đó là Chi Lăng và Rạch Gầm - Xoài Mút”, “đó là Đông Anh, Sóc Sơn”, hoặc “chính là đường Tây Sơn, thành Cổ Loa”; đặc biệt có thí sinh viết: “Hình như là phố Tây Sơn, nhưng em… không biết”.

Nhưng không chỉ có kiến thức về lịch sử mới đáng lo ngại, kiến thức chung về các lĩnh lực khoa học xã hội khác của nhiều cô tú cậu tú cũng khiến không thể không băn khoăn về việc học tập của các em trên ghế nhà trường THPT, cũng như sự lĩnh hội kiến thức ở ngoài đời, từ nhiều nguồn tri thức, kênh truyền thông khác. Chẳng hạn, trả lời câu hỏi: “Hãy điền tiếp vào chỗ trống (…) chức năng của các tổ chức sau (Đảng Cộng sản Việt Nam, Quốc hội, Chính phủ, Tòa án Tối cao nước Cộng hòa XHCNVN), có em viết: “Chức năng của Đảng Cộng sản là bảo vệ cách mạng”, hoặc “Chính phủ bầu ra BCH T.Ư Đảng”, hay “Tòa án nhân dân tối cao kiểm soát, kiểm tra, giải quyết các tranh chấp”, “Tòa án tối cao vạch mặt những tên tội phạm, lợi dụng chức quyền để cướp bóc tài sản”. Đặc biệt, có em viết: “Chức năng của Tòa án tối cao là thi pháp” (!)

Trả lời câu hỏi “Hãy kể tên một tác phẩm âm nhạc mà em thích nhất và nói rõ vì sao?”, có thí sinh viết: “Em thích tác phẩm “Bóng mây qua thềm” vì đây là tác phẩm mà em… rất thích”, “Cố nhạc sĩ Văn Cao viết ca khúc “Chị tôi”, “Chữ người tử tù” của Nam Cao”, hay “Thép đã tôi thế đấy”, “Những trường đại học của tôi” của Lép Tônxtôi” hoặc “Em ơi Hà Nội phố”, “Họa mi hót trong mưa” của Trịnh Công Sơn; Em khác: (nguyên văn) “Em thích nhất “Thép đã tôi thế đấy” vì nó nói lên được sự anh dũng kiên cường của người Liên Xô trong xã hội phong kiến và vì nhân vật rất máu lửa”…

Đó là chưa kể khi “trình bày cảm xúc của mình về vẻ đẹp của sinh viên tình nguyện” như đề bài yêu cầu, có thí sinh viết: “Tôi hỏi rằng anh được gì khi làm việc ấy?”, anh ấy trả lời: “Là sinh viên tình nguyện thì anh sẽ phải tình nguyện, tình nguyện làm hết cả những việc mà T.Ư Đoàn giao cho”. Có thí sinh hồn nhiên: “Sinh viên tình nguyện là một truyền thống lâu đời của dân tộc”. Đặc biệt, có thí sinh bày tỏ: “Em cũng thích làm sinh viên tình nguyện lắm chứ, vì nhìn các anh chị ấy thật… sướng”(!)

Tuy nhiên, chúng tôi cũng được an ủi phần nào, bởi ấn tượng khó quên về buổi tiếp thi vấn đáp ấy, khi thí sinh là một thiếu nữ có nước da đen cháy của vùng quê nghèo, miền biển Giao Thủy, Nam Định. Em vừa trả lời vừa không ngăn được nước mắt, và khóc kể rằng em không có điều kiện để xem phim truyền hình, nói gì tới các giải trí có vẻ xa xỉ khác như xem liveshow ca nhạc hoặc xem phim ở rạp? Giọt nước mắt chân thành của em bỗng khiến chúng tôi quên đi tâm trạng thất vọng khi tiếp xúc với những kiến thức ít ỏi và cả “văn chương dựng tóc gáy” của một bộ phận thí sinh, tác giả những câu trả lời được trích dẫn ở trên…