Nhu cầu năng lượng tăng vọt tại Trung Quốc sau mở cửa giúp Nga thoát phụ thuộc EU

ANTD.VN - Nhu cầu năng lượng tăng vọt của Trung Quốc sau khi tái mở cửa nền kinh tế mang lại hy vọng rất lớn cho Nga.

Hơn 2 năm qua Trung Quốc thực thi chính sách đóng cửa nhằm phòng chống đại dịch Covid-19 đã gây khó khăn cho nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, dẫn tới nhu cầu năng lượng sụt giảm mạnh.

Tuy nhiên quyết định mở lại biên giới cho người dân và nhà đầu tư nước ngoài, đi kèm nới lỏng các hạn chế đối với doanh nghiệp có thể sẽ khiến kinh tế Trung Quốc sớm lấy lại đà tăng trưởng mạnh ngay trong năm 2023.

Trước diễn biến trên, nhà khoa học chính trị người Nga - ông Boris Podoprigora trong cuộc trả lời phỏng vấn tờ PolitExpert (PE) đã trích dẫn và bình luận về một số dự báo được truyền thông Trung Quốc công bố vào cuối 2022.

Theo vị chuyên gia người Nga: “Một số tài liệu do chính quyền Trung Quốc công bố dự báo rằng, với việc tái mở cửa biên giới, quá trình phục hồi kinh tế sẽ bắt đầu".

"Mặc dù còn tồn tại một số vướng mắc, tuy nhiên các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã đặt ra nhiệm vụ tăng trưởng GDP 5% vào năm 2023 và nhiều khả năng họ sẽ đạt được con số này".

"Điều gây nghi ngờ đó là không có thông tin rõ ràng về cách tính chỉ số tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong hai năm qua, nếu mức giảm GDP vào khoảng 3,8% thì mục tiêu tăng 5% là một con số rất lớn".

"Mặc dù vậy, nếu mức giảm GDP lên tới 4,5% thì người dân và doanh nghiệp Trung Quốc sẽ không khó để đạt tới con số tăng trưởng 5% trong năm nay”, người đối thoại của tờ PE nhận xét.

Nga tất nhiên rất quan tâm đến tình hình Trung Quốc, bởi Moskva có cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu năng lượng sang đất nước láng giềng nhằm bù đắp sự sụt giảm của thị trường EU.

Sau khi các hạn chế được dỡ bỏ, tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc sẽ khó lòng đạt được nếu sản lượng dầu, khí đốt không tăng tương ứng, nhằm đáp ứng nhu cầu khôi phục cũng như mở rộng sản xuất.

Trên thế giới vào thời điểm hiện tại, nhiều quốc gia sản xuất dầu dường như không có kế hoạch tăng sản lượng, họ sẽ cố gắng thu lợi từ tình hình hiện tại khi giá nhiên liệu được dự báo tăng cao.

Do sự cạnh tranh về nguồn cung năng lượng ngày càng lớn, ai trả nhiều tiền hơn thì người đó sẽ có được hợp đồng. Tuy nhiên với sự phục hồi của nền kinh tế Trung Quốc, có thể dự đoán nhu cầu nhiên liệu nhập khẩu từ Nga sẽ tăng lên, ông Podoprigora chắc chắn.

Vị chuyên gia nói thêm: “Nhưng ngoài ra chúng ta cần hiểu rõ những bước đi nhằm tăng cường hợp tác với Trung Quốc. Đối với tôi, nên chú ý nhiều hơn đến việc Bắc Kinh chấp nhận sử dụng Tuyến đường biển phương Bắc".

"Bản thân Trung Quốc nói rằng tài nguyên năng lượng rất quan trọng, ở đây nước Nga tiếp cận từ quan điểm lợi nhuận".

"Nhưng nếu bạn muốn hợp tác lâu dài thì không được để phát sinh vướng mắc. Đối với Tuyến đường biển phương Bắc, chúng ta hãy cùng nhau phát triển nó", ông Podoprigora đề xuất.

Nếu mọi việc diễn ra thuận lợi, nhu cầu năng lượng tăng rất mạnh của Trung Quốc có thể giúp Nga phần nào bù đắp sản lượng không thể xuất sang châu Âu, tuy nhiên kim ngạch dự báo sẽ khó bằng, bởi Moskva đang bán cho Bắc Kinh với giá chiết khấu 30%.