Nhiều tai nạn bỏng do lửa, gas

(ANTĐ) - Chưa bao giờ số bệnh nhân bị bỏng nặng do sưởi lửa, gas, bếp than, xăng… vào cấp cứu tại các BV trong dịp sau Tết Nguyên đán lại gia tăng mạnh như hiện nay.

Nhiều tai nạn bỏng do lửa, gas

(ANTĐ) - Chưa bao giờ số bệnh nhân bị bỏng nặng do sưởi lửa, gas, bếp than, xăng… vào cấp cứu tại các BV trong dịp sau Tết Nguyên đán lại gia tăng mạnh như hiện nay.

Nhiều tai nạn đau lòng

Có mặt tại Khoa Bỏng người lớn - BV Bỏng Quốc gia sáng 17-2, chúng tôi chứng kiến cảnh bệnh nhân nằm chật kín hành lang trước phòng thủ thuật để chờ đến lượt làm thủ thuật ghép da, cắt lọc hoại tử. Trực tiếp xuống thăm hỏi bệnh nhân, Thiếu tướng, GS.TS Lê Năm - Giám đốc BV cho biết, do thời tiết dịp trước và sau Tết Nguyên đán năm nay rất lạnh giá nên số bệnh nhân bỏng do sưởi nhiệt nhập viện tăng mạnh hơn mọi năm. Khoa Bỏng người lớn hiện có hơn 50 bệnh nhân nặng đang nằm điều trị, trong đó số trường hợp bị bỏng do sưởi lửa, gas, than chiếm đến hơn 20 trường hợp. Còn tại Khoa Hồi sức cấp cứu, nơi điều trị các bệnh nhân nặng nhất mới nhập viện hiện có 10 bệnh nhân thì cả 10 bệnh nhân này đều bị bỏng do xăng, gas, than, rơm rạ… trong đó không ít trường hợp đã phải cắt bỏ chi (tay, chân), cắt cụt cả 2 bàn tay, nguy cơ tử vong cao.

Bệnh nhân Bùi Đại An đang được cắt lọc hoại tử, ghép da lần 2
Bệnh nhân Bùi Đại An đang được cắt lọc hoại tử, ghép da lần 2

Tại phòng phẫu thuật, bệnh nhân Bùi Đại An (21 tuổi, xã Phong Châu, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình) đang được kíp bác sĩ cắt lọc các tế bào hoại tử và ghép da lần 2. Bà Bùi Thị Hà, mẹ bệnh nhân xót xa cho biết, trong lúc cùng bạn bè tụ tập nấu lẩu ăn liên hoan đầu năm, do trời lạnh nên An bật bếp gas mini để hơ tay, không may bình gas bị xì rồi bén lửa vào quần An, cháy sém hết quần áo, bùng lên mặt. An được đưa vào sơ cứu tại BV tỉnh, sau đó chuyển lên BV Bỏng Quốc gia trong tình trạng sốc bỏng, bỏng mặt, bỏng đường hô hấp, diện tích bỏng là 30% cơ thể trong đó bỏng sâu 15%, bỏng tay, chân, đùi.

Tại Khoa Hồi sức cấp cứu, bệnh nhân Vũ Văn Dương (10 tuổi, ở Hưng Hà, Thái Bình) cũng nhập viện sau tết trong tình trạng bỏng 33% diện tích cơ thể, bỏng sâu 14% độ 2, 3, 4 thân, chi, sinh dục. Theo người nhà bệnh nhân kể lại, do trời lạnh nên Dương chơi đùa quanh bếp than rồi không may ngã vào bếp, lửa cháy bén lên quần áo gây bỏng. Bệnh nhân đã được điều trị thoát sốc, chuyển sang giai đoạn nhiễm độc, ngày 17-2 tiến hành phẫu thuật cắt bỏ hoại tử toàn lớp, ghép da tự thân... Ths. Nguyễn Tiến Dũng, Khoa Hồi sức cấp cứu cho biết, trước đó một ngày tại khoa cũng có 1 trường hợp bệnh nhân bỏng sâu 80% cơ thể do bị rò rỉ bình gas khi đang nấu ăn. Gia đình bệnh nhân này đã xin cho về nhà vì tiên lượng không qua khỏi.

Không chỉ do lỗi người dân

Trong số những trường hợp bị bỏng lửa, gas, phần nhiều vẫn do sự chủ quan từ phía người bệnh khi sưởi lửa hoặc sử dụng gas khi nấu ăn. TS. Nguyễn Như Lâm - Chủ nhiệm Khoa Hồi sức cấp cứu cho rằng, dù đã được cảnh báo rất nhiều song nhiều người dân vẫn tỏ ra chủ quan khi sử dụng các thiết bị gas đun nấu, sưởi lửa, bếp than… khiến nguy cơ bị bỏng cao hơn. Trong những ngày thời tiết giá lạnh, cần đặc biệt lưu tâm khi sử dụng thiết bị sưởi đối với người già, người tàn tật và trẻ em, những đối tượng có yếu tố tự phòng vệ kém. Thường xuyên phải có người lớn ở bên cạnh để kịp thời xử lý khi có sự cố xảy ra.

Một vấn đề nữa cần cảnh báo là tình trạng xử trí vết bỏng ngay lúc ban đầu. Đơn cử như trường hợp cụ Mai Văn C. (76 tuổi, ở Nghĩa Hưng, Nam Định) hiện đang điều trị tại Khoa Bỏng người lớn. Cụ bị ngã vào đống than củi đặt sát giường khi đang ngồi sưởi ấm. Sau khi bỏng, cụ đã được gia đình dùng thuốc nam, đắp lá để tự điều trị đến hơn 10 ngày khiến vết bỏng của cụ bị nhiễm trùng nặng. Vào Viện Bỏng ngày 16-2, cụ C. bị hoại tử toàn bộ chân phải, loét nặng vùng lưng và cơ thể suy kiệt nặng nề. Theo TS. Đỗ Lương Tuấn Chủ nhiệm khoa Bỏng người lớn, nếu được điều trị đúng ngay sau khi bỏng, cụ C. đã không có diễn biến xấu đến vậy.

Cũng theo TS. Tuấn, bên cạnh lỗi từ sự chủ quan của người dân thì một trong những nguyên nhân khiến số ca bỏng gia tăng mạnh trong thời gian gần đây xuất phát từ chính khâu quản lý của các cơ quan nhà nước, ý thức của các doanh nghiệp. Có thể thấy rằng, những vụ bỏng gas hầu hết đều có nguyên nhân từ việc bình gas bị hỏng, bị rò rỉ, không đảm bảo độ an toàn và trong nhiều trường hợp người dân hoàn toàn bị… tai nạn oan uổng.

 Tương tự là các trường hợp bỏng do sử dụng thiết bị sưởi ấm bằng điện. Đặc biệt là các trường hợp bỏng điện trong xây dựng (chiếm 50% tổng số ca bỏng nói chung), nguyên nhân gây bỏng đều do đường dây cao thế quá thấp, sát với khu hạ tầng dân cư hoặc không đảm bảo độ cách điện cần thiết… TS. Tuấn nhấn mạnh, để phòng chống, hạn chế số ca bỏng nhập viện thì trách nhiệm không chỉ thuộc về người dân.              

Tiến Hưng