Nhiều điểm mới trong kỳ thi tới

ANTĐ - Với nhiều thay đổi dự kiến được đưa ra trong mùa thi 2012, ngày 12-12, Bộ GD-ĐT đã công bố dự thảo về quy chế thi tốt nghiệp THPT theo hướng bỏ chấm chéo bài thi tự luận giữa các tỉnh, không bắt buộc phải tổ chức thi theo cụm trường. Còn đối với học sinh giỏi quốc gia, đề thi sẽ bổ sung phần nói và thực hành.

Kỳ thi tốt nghiệp năm 2012 sẽ “nhẹ nhàng” hơn với thí sinh?


“Cởi trói” tốt nghiệp THPT

Sau khi duy trì chấm chéo và thi theo cụm được 3 năm, kỳ thi tốt nghiệp THPT đang được dự kiến thay đổi theo hướng ngược lại, tức là tổ chức riêng cho từng địa phương ngoại trừ đề thi là do Bộ            GD-ĐT phụ trách. Điều này vừa được Bộ GD-ĐT công bố để lấy ý kiến góp ý ngày 12-12. Theo dự thảo này, thì phần lớn những điểm đã cải tiến trong 3 kỳ thi tốt nghiệp THPT gần đây gần như bị loại bỏ hết, trong đó bao gồm, việc bỏ chấm chéo bài thi tự luận giữa các tỉnh, không bắt buộc phải tổ chức thi theo cụm trường, bỏ thanh tra ủy quyền của Bộ.

Hình thức tổ chức thi theo cụm 3 trường trước đây khiến nhiều địa phương phàn nàn về việc gây khó khăn cho thí sinh ở những vùng địa hình rộng hoặc phức tạp, gây căng thẳng không cần thiết. Do vậy, dự thảo lần này, Bộ GD-ĐT dự kiến sẽ giao quyền quyết định cho giám đốc Sở GD-ĐT mỗi hội đồng coi thi có thể gồm một hoặc nhiều trường phổ thông. Cùng với đó, việc chấm chéo cũng không được duy trì. Thực tế, việc chấm chéo để đảm bảo tính công bằng của thí sinh các tỉnh nhưng liên tiếp các kỳ thi gần đây đều có những sai sót hoặc có sự “bắt tay” đối phó trong công tác chấm thi giữa các tỉnh, khiến mục tiêu của việc chấm chéo đã bị  “vô hiệu hóa”. Vì vậy, dự kiến kỳ thi tốt nghiệp THPT 2012, giám đốc Sở GD-ĐT sẽ ra quyết định thành lập Hội đồng chấm thi tốt nghiệp phổ thông với một yêu cầu là đảm bảo giáo viên không chấm bài thi tự luận của học sinh trường phổ thông mình giảng dạy.

Việc bỏ thanh tra ủy quyền của Bộ, trong đó chủ yếu là cán bộ các trường ĐH, CĐ được cử đi giám sát kỳ thi này tại tất cả các địa phương cũng sẽ chấm dứt theo dự thảo lần này. Điều này cho thấy, mặc dù Bộ GD-ĐT vẫn luôn khẳng định các biện pháp nói trên đã góp phần tích cực trong việc hạn chế tiêu cực, đảm bảo công bằng, khách quan trong kỳ thi tốt nghiệp THPT nhưng thực tế các kỳ thi vẫn đem lại những kết quả cao “ngất ngưởng” khiến lãnh đạo Bộ phải hứa là sẽ thanh kiểm tra những nơi nào có tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT cao bất thường.

Tăng dần phần thực hành

Trong cuộc làm việc giữa Bộ GD-ĐT với một số trường chuyên trên cả nước, nhiều giáo viên rất bức xúc về việc Bộ thay đổi quy chế xét đặc cách cho học sinh đạt giải quốc gia khiến cho những học sinh này không còn động lực để tham gia đội tuyển vì còn bận luyện thi đại học. Trước ý kiến này, Bộ GD-ĐT đã sửa đổi quy định về chính sách khen thưởng cho đối tượng này theo hướng khôi phục lại việc tuyển thẳng vào ĐH, CĐ cho học sinh đoạt giải trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia kể từ năm 2012.

Bên cạnh đó, những yếu kém của đội tuyển quốc gia Việt Nam khi tham gia các cuộc thi quốc tế cho thấy tình trạng học lệch, thiên về lý thuyết mà ít thực hành đã khiến thành tích của không ít đội tuyển bị tụt hậu so với các nước và so cả với đội tuyển của mình vài năm trước đây. Để khắc phục tình trạng này, ngày 12-12, Bộ GD-ĐT yêu cầu các Sở GD-ĐT, các trường ĐH, CĐ có lớp chuyên THPT cần nắm vững điểm mới trong kỳ thi tuyển học sinh giỏi quốc gia. Theo đó, các môn Ngoại ngữ sẽ có thêm hình thức thi nói ở mức độc thoại. Đối với các môn Vật lí, Hóa học, Sinh học, đề thi sẽ ra thêm có câu hỏi về thực hành.

Theo lãnh đạo Bộ GD-ĐT, đề thi do Bộ ra nằm trong phạm vi nội dung kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia THPT năm 2012 theo Chương trình giáo dục THPT hiện hành và Chương trình chuyên sâu các môn chuyên cấp THPT ban hành. Lịch thi học sinh giỏi quốc gia cũng được tổ chức đồng loạt vào 2 ngày. Ngày 11 và 12 tháng 1-2012, các Hội đồng coi thi tổ chức buổi thi viết và nói cho các môn Toán, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí, Tiếng Anh, Tiếng Nga, Tiếng Pháp, Tiếng Trung Quốc và buổi thi lập trình trên máy vi tính cho môn Tin học.