Nhiều dịch vụ ăn nên làm ra nhờ… “chặt chém” đầu Xuân

ANTĐ - Trải qua 3 ngày đầu năm mới, nhiều dịch vụ, hàng quán đã ăn nên làm ra đáng kể. Thế nhưng, không phải nhờ chất lượng hay một ưu điểm nào để kéo khách hàng tới, thay vào đó, tiền lời của họ có được nhờ việc… “chặt chém” đầu Xuân.

Ngay từ mồng 1 Tết, trên nhiều tuyến đường ở Thủ đô, các hàng quán và dịch vụ đã mở cửa để phục vụ khách hàng. Thế nhưng, không phải vị khách nào cũng vui mừng vì được phục vụ trong những ngày đầu năm, bởi giá cả bị đẩy lên gấp hai, gấp ba ngày thường, với một lý do rất đơn giản: “Tết nhất cái gì cũng hiếm, mọi người chơi, chúng tôi làm thì phải… khác chứ!” (lời một chủ quán bán bún riêu trên phố Bạch Mai).

Bước chân vào hàng bún riêu ở chợ Bách Khoa (Hai Bà Trưng, Hà Nội) vào hôm mồng 3 Tết, chị Bích Thảo (Trường Chinh, Hà Nội) đã cẩn thận… hỏi giá trước cho bát chỉ có riêu và đậu phụ, không giò, không thịt bò.

“40.000 đồng một bát, Tết mà, vui vẻ nhá! Hàng cô mở từ ngày mồng 1 Tết cơ, hôm ấy còn đắt hơn đấy!” – cô chủ quán có ánh mắt sắc lẹm và khuôn mặt đậm son phấn hồ hởi nói, tay vội bốc bún chần nhanh vào nước sôi, không để khách hàng kịp đổi ý.

Mức giá này đắt hơn gấp đôi so với ngày thường, nhưng chị Thảo cũng tạm chấp nhận, vì đang trong dịp nghỉ Tết của mọi người.

Nhưng tới khi nhận bát bún và thử miếng đầu tiên, chị Thảo mới thấy… “đắt nhưng không xắt ra miếng” được, bởi bát bún nhạt toẹt, nước dùng không có vị riêu mà loãng như nước đun sôi chan vào, riêu chẳng có mùi cua mà chỉ là óc đậu phụ chưng hành mỡ.

“Không ăn thì tiếc tiền bỏ ra, mà ăn thì… Đến giờ sao họ vẫn còn tâm lý làm ăn chộp giật, một lần rồi thôi thế nhỉ!”, chị Thảo thở dài.

Không chỉ phổ biến ở các hàng quán bán đồ ăn, tình trạng “chặt chém” nói trên còn xuất hiện nhiều ở những dịch vụ trông giữ xe, đặc biệt là các bãi xe tự phát nằm gần những địa điểm vui chơi giải trí hoặc đền, chùa vốn có nhiều người ghé đầu năm.

Trông xe máy là dịch vụ kiếm bộn tiền trong dịp đầu Xuân, nhưng những chiếc xe lại không được "đối xử" tương xứng với số tiền trông đắt đỏ - Ảnh: P.Hà

Bạn Hiền Anh (Cầu Giấy, Hà Nội) đã phải trả số tiền gấp nhiều lần cho dịch vụ trông xe ở cạnh đền Quán Thánh vào hôm mồng 2 Tết.

Hiền Anh cho hay: “Giá gửi xe hôm đó là 30.000 đồng/xe, nhưng ai cũng phải chấp nhận thôi, vì chẳng có nhiều lựa chọn. Hôm giao thừa, em mất tới 50.000 đồng/xe đó. Ngày Tết thế này, nhiều chủ bãi trông xe coi việc nâng giá là chuyện hiển nhiên. Mất nhiều tiền nhưng họ nhồi nhét xe kinh khủng lắm, cong gương, xước yếm là bình thường”. Trưa 3 Tết, chú Hưng gửi xe ở phố Nguyễn Xí để mua vài quyển sách. Chỉ mua sách 1 lát, tiền gửi xe bị thu 20.000 đ/xe, trong khi bình thường chỉ 3.000 đến 5.000 đồng/xe. Bức xúc vì đây là điểm trông giữ xe "đấu thầu" của phường hẳn hoi, chứ không phải tư nhân tự phát, chú Hưng và người bạn đi cùng nhất định không trả mức tiền nói trên. Tranh luận 1 hồi, nhóm trông giữ xe chấp nhận giảm 50%, thu 20.000 đồng cho cả 2 xe. 

Bên cạnh hàng quán và dịch vụ trông xe, những dịch vụ khác cũng thừa cơ nâng giá trong dịp này là xe ôm và hàng vá săm, lốp.

Cô Phạm Thị Lụa (Bách Khoa, Hà Nội) chia sẻ rằng lúc ngày thường, cô chỉ mất khoảng 20.000 đồng để đi xe ôm sang nhà con gái, cách khoảng 3,5km. Nhưng vào dịp Tết, dù số người lái xe ôm không thiếu nhưng mức giá “rẻ” cũng phải là 30.000 đồng, không thì 40.000 đồng, và “họ còn hay chạy ẩu nữa, vì đường vắng, mỗi cuốc kiếm được nhiều hơn nên tranh thủ chạy nhanh”.

Với những người không may bị thủng săm xe máy giữa đường thì việc bị “chặt chém” đầu Xuân cũng không hiếm.

“Ngày thường thì một miếng vá là 20.000 đồng, nhưng vào Tết thì họ thu gấp đôi, lên 40.000 đồng/miếng. Đấy là may mà không phải thay săm, chứ nếu thay thì còn bị “chém” nữa”, anh Thắng – người bị thủng săm vào chiều mồng 3 Tết – chia sẻ.

Song không phải tất cả hàng quán, dịch vụ đều “thừa nước đục thả câu” như vậy.

Ở quán bán bún ngan trên vỉa hè Hàn Thuyên (gần cây xăng Trần Hưng Đạo), cô chủ quán khẳng định đã bán từ mồng 1 Tết và giá “chỉ tăng 5.000 đồng so với ngày thường, lên 30.000 đồng/bát, vì bánh phở, bún phải lấy hàng ngày nên đắt hơn chút ít”.

Theo vị chủ quán này, ngan hay gà đều phải lấy hàng với giá sỉ từ trước Tết, kể cả cua hay ốc của hàng bún riêu cũng vậy, do đó, việc tăng giá trong những ngày đầu năm sẽ mang lại số tiền lời rất lớn cho những người bán “chặt chém”.

“Riêng ở hàng cô, bán suốt ngày rồi, không muốn làm khách phật lòng chỉ vì chộp giật trong mấy ngày Tết nên cô cố gắng duy trì mức giá hợp lý”, cô chủ quán bún cho hay.

Nhìn cách cô thản nhiên chặt thịt, đổ nước dùng vào bát bún cho con trai ăn, nhiều người có thể thêm tin tưởng “giá cả không đắt, đồ ăn không… bẩn”.

Nhiều chủ quán, chủ dịch vụ tự cho mình là có lý khi tăng giá trong những ngày đầu Xuân, vì “mọi người đi chơi còn tôi vẫn phải làm việc!”. Thế nhưng, khi việc tăng giá bị nâng lên quá mức, trong khi chất lượng cung cấp cho khách hàng lại chẳng hề xứng đáng thì thật dễ hiểu nếu sau vài ngày nữa, mọi thứ trở lại nhịp sống bình thường, khách hàng sẽ tự động tẩy chay và lên án những nơi “chặt chém”. Suy cho cùng, một khi đã làm ăn chộp giật, kiểu “được một lần rồi thôi” thì phía chịu thiệt chính là những chủ quán, chủ dịch vụ sẵn sàng bán uy tín của mình chỉ trong vài ngày Tết.