Nhiều chủ trương bàn rất hay nhưng lại quên… lắng nghe ý dân

ANTĐ - ĐB Nguyễn Thái Học (đoàn Phú Yên) cùng ĐB Nguyễn Trung Thu (đoàn Long An) có cùng suy nghĩ như vậy, khi phát biểu tại phiên thảo luận về kinh tế xã hội ở hội trường Quốc hội sáng nay, 8-6. 

Dẫn chứng gói tín dụng 30.000 tỷ đồng hỗ trợ cho người có thu nhập thấp vay vốn mua nhà ở đến nay mới giải ngân được trên 20%, nguồn vốn 16.000 tỷ đồng để hỗ trợ ngư dân đóng tàu vươn biển đến nay mới chỉ có 2 tàu được đóng mới và vài tàu ở Ninh Thuận vừa được giải ngân... ĐB Nguyễn Thái Học (Phú Yên) đặt vấn đề: Tại sao triển khai thực hiện chậm thế dù Đảng, Nhà nước, các Bộ ngành đều tỏ rõ rất quyết tâm.
Nhiều chủ trương bàn rất hay nhưng lại quên… lắng nghe ý dân ảnh 1ĐB Nguyễn Thái Học đề nghị "phải làm như nói thì dân mới tin"

Rồi tại sao một số chủ trương mới như đổi mới cách thức tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT 2015, dù còn nhiều ý kiến chưa đồng tình song không thí điểm mà tổ chức đại trà trên cả nước ngay? ĐB Nguyễn Thái Học chia sẻ, học sinh và người dân ở Phú Yên đang rất bức xúc khi năm nay phải lặn lội vào tận Khánh Hòa để dự thi. “Liệu Bộ GD-ĐT có tham khảo ý kiến dân? Chính phủ lắng nghe điều gì ở dân? Bàn rất hay, ra Nghị quyết rất trúng nhưng có thể thấy nói chưa đi đôi với làm, phải làm như nói thì cử tri mới tin” – ĐB Nguyễn Thái Học nhấn mạnh.

Đồng quan điểm này, ĐB Nguyễn Trung Thu (Long An) phân tích ở góc độ chủ trương đẩy mạnh xã hội hóa trên nhiều lĩnh vực thời gian qua. Theo ĐB này, qua tiếp xúc cử tri, dân kêu rất nhiều về lộ phí, viện phí, học phí. “Các khoản thu phí, đóng góp do xã hội hóa sẽ đè nặng lên vai người dân. Xã hội hóa là chủ trương đúng nhưng cần thực hiện có lộ trình cho phù hợp với sức dân chứ không phải thực hiện cho bằng được cái mục đích mà chúng ta mong muốn nhưng không tính đến tác động tiêu cực đến dân” – ĐB Nguyễn Trung Thu nói.

Nhấn mạnh sự phục hồi kinh tế hiện nay vẫn chủ yếu là tăng trưởng về số lượng chứ chưa có biến chuyển về chất lượng, ĐB Huỳnh Nghĩa, Trưởng Đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng Đáng lo ngại là tình trạng chênh lệch giữa doanh nghiệp nội địa và doanh nghiệp FDI ngày càng sâu sắc. Trong khi doanh nghiệp FDI tiếp tục gia tăng, phát triển nhanh thì khu vực nội địa lại thụt lùi, quý 1-2015 số doanh nghiệp đóng cửa còn nhiều hơn quý 1-2014.

ĐB Huỳnh Nghĩa cho rằng tháo gỡ khó khăn về kinh tế phải có tầm nhìn và tránh ảo tưởng

Phân tích cơ cấu nhập khẩu cũng cho thấy đó là cơ cấu của một nền công nghiệp phụ thuộc, phản ánh một nền công nghiệp thấp vẫn duy trì. Nợ xấu gần như còn nguyên, là gánh nặng của nền kinh tế nhưng chưa được xử lý theo nguyên tắc thị trường, không biết đến bao giờ mới xử lý hết được. Vấn đề nợ công đang gia tăng ở mức độ cao, khả năng trả nợ đã trạm đáy báo động.

ĐB Huỳnh Nghĩa đề xuất, tư duy, phương pháp xử lý nợ xấu phải theo nguyên tắc thị trường, gắn với giải quyết thị trường bất động sản để tránh ảo tưởng. Giải quyết nợ công phải bằng các giải pháp quản lý nợ công đúng pháp luật và có tầm nhìn. Nâng cấp khu vực doanh nghiệp trong nước phải được bắt đầu từ xây dựng công nghiệp phụ trợ và công nghiệp chất lượng cao.

Cũng tại phiên thảo luận sáng nay, sau khi phân tích rõ 7 nhóm khó khăn về kinh tế xã hội năm 2014 và những tháng đầu năm 2015 nêu trong báo cáo của Chính phủ, ĐB Đỗ Văn Đương (TP Hồ Chí Minh) chỉ ra, hơn bao giờ hết người dân đang mong chờ một cú hích lớn trong chỉ đạo điều hành của nhà nước để tạo bước đột phá mới trong phát triển kinh tế xã hội.