- 52% người dùng sợ lộ lọt thông tin cá nhân khi mua sắm trực tuyến
- Từ 10-10: Nghiêm cấm việc truy cập trái phép vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về tiếp công dân
Khi nhặt được giấy tờ tuỳ thân của người khác, một số cá nhân đã gửi lại chốt trực của cảnh sát giao thông trên đường hoặc nộp tại công an phường nơi gần nhất để lực lượng này thông báo trả lại cho chủ sở hữu.
Tuy vậy, không ít người đã vội vã sốt sắng chụp lại cả 2 mặt của các loại giấy tờ mình nhặt được như Giấp phép lái xe, Căn cước công dân gắn chíp, thậm chí cả thẻ tín dụng… sau đó đăng công khai lên mạng xã hội để tìm chủ nhân của chúng mà không cho đi những thông tin quan trọng như ngày tháng năm sinh, số CCCD, mã QR code, hình ảnh cá nhân…Mặc dù mục đích của họ là rất tốt và thông qua hình thức này nhiều cá nhân đã nhanh chóng tìm lại giấy tờ của mình song nó cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro khó lường.
Theo một cán bộ của Phòng CSHS – CATP Hà Nội, việc công khai các thông tin cá nhân trên mạng đặc biệt là thông tin trong Thẻ CCCD gắn chíp, Thẻ tín dụng…sẽ tạo cơ hội cho kẻ gian dễ dàng lấy trộm và giả mạo những người có thông tin đó.
Thời gian qua có không ít đối tượng lợi dụng sơ hở của người dân trong việc chia sẻ hình ảnh CCCD, CMND, hộ khẩu trên mạng xã hội (Zalo, Facebook...) và sử dụng vào việc đăng ký sử dụng các dịch vụ online như mua hàng, xin việc, vay tiền để đánh cắp thông tin cá nhân của người dân.
Bên cạnh đó, có đối tượng còn đưa ra nhiều lý do, xin chụp ảnh chân dung, chụp ảnh CCCD, CMND (có trả phí từ 100-300.000 đồng/1 CCCD, CMND được chụp), thậm chí thuê, mua tài khoản ngân hàng của người dân.
Sau khi có thông tin dữ liệu cá nhân, tài khoản ngân hàng của người dân, các đối tượng này bán thông tin cho các đối tượng khác để sử dụng vào mục đích phạm tội, vi phạm pháp luật như làm giấy tờ giả để mở tài khoản lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua các khoản vay vốn của các ngân hàng, tổ chức tín dụng, công ty tài chính; chuyển nhận tiền đánh bạc, tổ chức đánh bạc; giả mạo, giả danh cán bộ Công an, Toà án... gọi điện đe doạ yêu cầu chuyển tiền để phục vụ công tác điều tra hoặc làm quen qua mạng xã hội hứa hẹn gửi quà…
|
Khi đăng tải, chia sẻ hình ảnh CCCD, CMND, tài khoản ngân hàng lên mạng xã hội phải làm mờ hoặc che các thông tin quan trọng |
Dưới góc độ pháp lý, Luật sư Nguyễn Thị Thu – Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, việc đăng tải các thông tin riêng tư của cá nhân mà không được sự đồng ý của người đó có thể bị xử phạt.
Điểm e khoản 3 điều 102 Nghị định 15/2020 nêu rõ, hành vi thu thập, xử lý và sử dụng thông tin của tổ chức, cá nhân khác mà không được sự đồng ý hoặc sai mục đích theo quy định của pháp luật có thể bị xử phạt từ 10-20 triệu đồng với các tổ chức, cá nhân bị phạt tiền từ 5-10 triệu đồng.
Do vậy, khi nhặt được các loại giấy tờ tùy thân của người khác, nếu họ không để lại số điện thoại để liên lạc, mỗi cá nhân cần mang đến trụ sở cơ quan công an nơi gần nhất để nộp lại.
Người nhặt được không nên đăng tải, chia sẻ hình ảnh CCCD, CMND, tài khoản ngân hàng của cá nhân và người khác lên mạng xã hội hoặc nếu có đăng phải làm mờ hoặc che đi các thông tin quan trọng; Không cung cấp thông tin CCCD, CMND cho những dịch vụ không thiết yếu, không có cam kết bảo đảm an toàn thông tin cá nhân trên các nền tảng mạng xã hội;
Trường hợp bị mất CCCD, CMND cần trình báo ngay với công an khu vực sinh sống, đồng thời, cần đăng ký làm thủ tục cấp mới thẻ CCCD theo điều khoản 2 Điều 23 Luật CCCD…