Nhật Bản bất ngờ lo ngại vì hoạt động của tàu trinh sát Nga từ... 3 năm trước

ANTD.VN - Nhật Bản đang tỏ ra đề phòng hoạt động của tàu trinh sát Nga ngoài khơi nước này, cho dù sự việc đã diễn ra cách đây rất lâu.

Một tàu trinh sát Hải quân Nga đã bị chú ý sau khi xuất hiện gần đường cáp quang ngầm kết nối Nhật Bản và Mỹ, thông tin trên được tờ báo Baijiahao của Trung Quốc cho biết.

Các nhà phân tích của ấn phẩm tiếng Trung chú ý đến sự việc trên sau khi tham khảo nhật báo Daily Shimbun của Nhật Bản, đề cập đến việc nhiều chính trị gia tại Tokyo cảm thấy lo lắng trước hành vi bí ấn của tàu trinh sát Nga.

Mặc dù vậy, cần phải nhấn mạnh là vụ việc nói trên đã xảy ra cách đây tới 3 năm và không hiểu vì sao cho đến tận bây giờ tại Nhật Bản mới bắt đầu xuất hiện nhiều tiếng nói cảnh giác về nó.

Theo những gì được tờ Daily Shimbun đăng tải, nhân viên của một công ty viễn thông có trụ sở tại Tokyo đã phát hiện những chuyển động đáng ngờ của một con tàu Nga khoảng 3 năm về trước.

Người này cho biết, tàu trinh sát thuộc Hải quân Nga Nga đã hoạt động trên biển Thái Bình Dương gần lãnh hải Nhật Bản trong khoảng một tháng, thực hiện nhiều lượt đi lại dọc theo cùng một tuyến đường.

“Không thể bỏ qua thực tế là hóa ra đường đi của con tàu hoàn toàn trùng khớp với vị trí của tuyến cáp quang ngầm kết nối Nhật Bản và Mỹ”, các nhà phân tích của tờ Baijiahao lưu ý.

Được biết có một trạm xử lý thông tin với thiết bị liên lạc tinh vi nằm ở thành phố Minamiboso (thuộc tỉnh Chiba của Nhật Bản), cơ sở này nằm ngay bên bờ biển Thái Bình Dương và từ đó, tuyến cáp quang biển được kéo dài đến bờ biển phía Tây nước Mỹ.

Thông tin liên lạc trên khắp lãnh thổ Nhật Bản được cho là phụ thuộc rất lớn vào tuyến cáp quang có chiều dài hơn 10 nghìn km này và trên trạm xử lý gốc ở đất liền.

"Các nguồn tin có liên quan từ chính phủ Nhật Bản lo ngại tàu Nga có thể đã hạ một sợi dây dài được trang bị cảm biến xuống nước để xác nhận vị trí của cáp quang và khảo sát khu vực xung quanh", tờ Baijiahao cho biết.

Mặc dù là một cường quốc kinh tế và khoa học kỹ thuật nhưng hiện tại Nhật Bản vẫn phụ thuộc rất nhiều vào Mỹ về cơ sở hạ tầng thông tin và nếu cáp quang biển giữa Tokyo và Washington bị hư hỏng, điều này sẽ gây ra một số vấn đề nghiêm trọng.

Nếu điều xấu nhất xảy ra, Nhật Bản gặp vô số khó khăn với thông tin liên lạc di động và internet. Không chỉ có vậy, những giao dịch tài chính, chẳng hạn như việc sử dụng máy ATM và thanh toán điện tử... cũng sẽ không thể thực hiện được.

Đây rõ ràng là mối đe dọa nghiêm trọng đối với Nhật Bản, làm Tokyo nhớ lại thực tế đã trải qua sự cố đứt một số tuyến cáp quang thiết yếu trong năm 2011 do một trận động đất lớn.

Khi đó những dịch vụ như thư điện tử đều bị tê liệt và phải mất khoảng 5 tháng để khôi phục hoàn toàn. Thiệt hại nghiêm trọng sẽ xuất hiện nếu đường cáp quang chính kết nối đất nước này với Mỹ bị gián đoạn.

"Một quốc đảo như Nhật Bản, bao quanh là đại dương cần đặc biệt cảnh giác với sự cố đứt cáp quang biển, nhưng vẫn chưa rõ vì sao đến tận 3 năm sau thông tin về hoạt động của tàu trinh sát Nga mới được công khai, và liệu điều này có phải là thật"?

"Có lẽ phía Nhật Bản bắt đầu cảm thấy lo lắng về việc Nga đã đưa họ vào danh sách các quốc gia không thân thiện vì những biện pháp trừng phạt mà Tokyo triển khai", tờ Baijiahao kết luận.