Nhận diện các thủ đoạn của tội phạm người nước ngoài trong lĩnh vực công nghệ cao

ANTD.VN - Qua theo dõi, nắm tình hình địa bàn, CATP Hà Nội đã nhận diện được 5 thủ đoạn “nổi” trong lĩnh vực công nghệ cao của các đối tượng người nước ngoài thực hiện tại Việt Nam.

Hàng nghìn cú lừa qua những cuộc điện thoại...

Chỉ huy Phòng Quản lý xuất nhập cảnh CATP Hà Nội cho biết, trong thời gian qua, đơn vị đã phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ có liên quan, công an các quận, huyện, thị xã làm rõ hành vi của một nhóm đối tượng người nước ngoài (NNN) vi phạm pháp luật Việt Nam. Qua đó, tổng hợp, nhận diện một số thủ đoạn chính.

Cụ thể, các đối tượng NNN thuê người Việt Nam thành lập công ty vỏ bọc, thuê văn phòng, mua sắm trang thiết bị kỹ thuật như máy tính, điện thoại... tuyển dụng nhân viên là người Việt Nam để thực hiện hành vi cho vay lãi nặng (lên đến 1.500%) thông qua các ứng dụng vay tiền trên Internet.

Lực lượng công an bắt giữ nhóm đối tượng do người nước ngoài cầm đầu thực hiện hành vi phạm tội tại Việt Nam

Khi người vay không trả được nợ, các đối tượng sử dụng nhiều thủ đoạn "khủng bố" để đòi tiền như gọi điện đe dọa người thân, bạn bè, gửi ảnh "con nợ" hoặc người nhà "con nợ" đã cắt ghép, chỉnh sửa để bôi nhọ. Dòng tiền được các đối tượng chuyển qua nhiều tài khoản ngân hàng, công ty trung gian thanh toán hoặc rút tiền mặt rồi chuyển ra nước ngoài.

Một trong những thủ đoạn nổi bật nhất đã được các lực lượng CATP Hà Nội bắt giữ nhiều ổ nhóm là các đối tượng NNN thuê người giả danh cơ quan công an, viện kiểm sát gọi điện thông báo người dân có liên quan đến các vụ án nghiêm trọng (ma túy, rửa tiền...) kèm theo các quyết định bắt, khởi tố giả, yêu cầu bị hại chuyển tiền qua tài khoản phục vụ xác minh, yêu cầu bị hại cài đặt ứng dụng "BỘ CÔNG AN" và nhập thông tin tài khoản, mã OTP rồi chiếm đoạt tiền.

Các đối tượng giả danh nhân viên các sàn thương mại điện tử tuyển dụng cộng tác viên làm việc trực tuyến; kêu gọi đầu tư qua sàn giao dịch tiền ảo, tiền kỹ thuật số trên mạng Internet, làm nhiệm vụ để rồi mục đích cuối cùng là yêu cầu bị hại chuyển tiền để chiếm đoạt tài sản.

Cơ quan An ninh điều tra ghi lời khai đối tượng Chen Chen Jiong (quốc tịch Trung Quốc) về tội xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác

Thông qua việc gửi các đường link, “hack” tài khoản cá nhân, các đối tượng NNN lừa đảo chiếm quyền quản trị tài khoản mạng xã hội như Zalo, Facebook, Instagram... để lừa người thân, quen của chủ tài khoản chuyển tiền rồi chiếm đoạt…

Ngoài ra còn có thủ đoạn làm quen qua mạng xã hội rồi giả vờ tán tỉnh yêu đương, tặng quà có giá trị, sau đó yêu cầu đóng phí dịch vụ hải quan, thuế... để chiếm đoạt tài sản. Các thủ đoạn lừa đảo mạo danh cơ quan Nhà nước... đã chiếm đoạt hàng trăm tỷ đồng của bị hại người Việt Nam.

Giả mạo trạm phát sóng BTS chiếm đoạt tài sản

Cơ quan An ninh điều tra CATP Hà Nội đã khởi tố nhiều vụ án đối tượng là NNN có hành vi vi phạm pháp luật Việt Nam trong lĩnh vực viễn thông.

Cụ thể, các đối tượng xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, phương tiện điện tử của người khác để lấy cắp thông tin chủ tài khoản ATM rồi sau đó mua bán trên mạng Internet những thông tin này.

Cũng liên quan đến hành vi này, các đối tượng NNN còn lắp đặt các thiết bị chuyên dụng gắn tại các cây ATM để sao chép, trộm cắp dữ liệu thẻ ngân hàng, mật khẩu của chủ thẻ. Sau đó dùng thiết bị ghi thẻ từ và phần mềm đọc, in dữ liệu lên thẻ từ để làm thẻ giả rút tiền trực tiếp tại các cây ATM hoặc liên kết với một số đơn vị chấp nhận thanh toán thẻ thanh toán khống hàng hóa để rút tiền mặt.

Vừa qua, Cơ quan An ninh điều tra CATP Hà Nội đã khởi tố, bắt tạm giam đối tượng Chen Jiong (quốc tịch Trung Quốc) về tội xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác, quy định tại Điều 289 Bộ luật Hình sự. Chen đã sử dụng thiết bị giả trạm BTS, mỗi ngày phát tán khoảng 60.000 đến 70.000 tin nhắn đến người dùng Việt Nam giả mạo tin nhắn thương hiệu (SMS brandname) để vi phạm pháp luật.

Chỉ huy Phòng Quản lý xuất nhập cảnh nhìn nhận, các đối tượng NNN (chủ yếu Trung Quốc) thuê nhà rồi lắp đặt thiết bị giả mạo trạm phát sóng (BTS) của các nhà mạng viễn thông của Việt Nam hoặc thuê người Việt Nam chở thiết bị giả mạo trạm BTS trên xe ô tô di chuyển trên các tuyến phố để gửi tin nhắn có nội dung quảng cáo các website có nội dung cờ bạc, khiêu dâm, đồi trụy.... hoặc sử dụng các thiết bị GoIP (có các khe cắm sim điện thoại) có chức năng kết nối và chuyển cuộc gọi Internet từ nước ngoài thành cuộc gọi thông thường đến điện thoại của người dân để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Thiết bị giả mạo trạm phát sóng (BTS) của các nhà mạng viễn thông của Việt Nam, các đối tượng người nước ngoài thường sử dụng

“Đối tượng cầm đầu các hành vi phạm tội công nghệ cao (chủ yếu là người Trung Quốc, Đài Loan) phần lớn thực hiện hành vi phạm tội bên ngoài lãnh thổ Việt Nam. Các đối tượng thuê các chung cư cao tầng, tòa nhà khép kín tại các khu vực giáp biên giới Campuchia - Việt Nam, Campuchia - Thái Lan, tại Đài Loan, Myanmar, Philipines...

Chúng thuê người Việt Nam, người các nước khác làm thuê, bị cưỡng bức lao động, khống chế, ép buộc thực hiện hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng hoặc thực hiện hành vi giúp sức rửa tiền từ các nguồn hoạt động phạm tội mà có qua việc thành lập các công ty trung gian thanh toán, sử dụng các tài khoản rác, tài khoản ảo để thực hiện hành vi luân chuyển qua nhiều tài khoản khác nhau tại nhiều ngân hàng khác nhau.

Khi có tiền thật chúng “chuyển hóa” thành tiền ảo, tiền USDT thông qua các ví điện tử trên các sàn giao dịch quốc tế.

Ngoài ra, một số đối tượng khác (người Trung Quốc, Hàn Quốc) lại thuê nhà ở tại các khu đô thị mới, khu chung cư cao tầng tại Việt Nam, bố trí nhiều máy tính để hoạt động tội phạm công nghệ cao.

Các nhóm này thường có từ 3 đối tượng trở lên, trẻ tuổi, thông qua người Việt Nam thuê nhà sinh hoạt khép kín, ít ra khỏi nhà nhằm tránh sự chú ý của cơ quan chức năng và người dân xung quanh. Khi ra khỏi nhà các đối tượng thường đi cùng nhau, đặt mua nhiều đồ nhu yếu phẩm phục vụ sinh hoạt hàng ngày.

Theo Đại tá Nguyễn Thành Long, Phó Giám đốc CATP Hà Nội, trước tình trạng tội phạm NNN có nhiều diễn biến phức tạp, CATP Hà Nội đã ban hành công văn về việc tăng cường công tác quản lý cư trú, hoạt động của NNN và nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh, xử lý vi phạm pháp luật có yếu tố nước ngoài trên địa bàn thành phố. Trong đó giao nhiệm vụ trọng tâm cho các phòng nghiệp vụ, Công an các quận, huyện, thị xã phối hợp chặt chẽ với Phòng Quản lý xuất nhập cảnh tập hợp các thủ đoạn, quy luật hoạt động, vi phạm pháp luật của NNN trên lĩnh vực phụ trách, góp phần cảnh báo, nhận diện hoạt động của các đối tượng này tại Việt Nam nói chung, Hà Nội nói riêng.