Nhận 1,3 tỷ đồng rồi “lặn”

ANTĐ - Với “mác” Giám đốc chi nhánh Công ty CP Thương mại Quốc tế, Nguyễn Quang Minh (SN 1964) đã đứng ra nhận hồ sơ để đưa người ra nước ngoài lao động. Thế nhưng sau khi nhận tiền đặt cọc của những người có nhu cầu, Minh liền “lặn mất tăm”.

Nguyễn Quang Minh (bên trái) cùng đồng phạm tại phiên tòa

Do có nhu cầu đi lao động ở nước ngoài, cuối năm 2005, anh Lê Văn Cường (trú ở huyện Xuân Trường, Nam Định) tìm gặp Phạm Ngọc Tân (SN 1957, trú ở số 2/23 phố Lê Chân, TP Hải Phòng) để “nhờ cậy” đưa sang Hàn Quốc. Ngỡ tưởng sau khi giao cho Tân 2.000 USD, anh Cường sẽ sớm được bay sang nước bạn làm việc với mức lương hấp dẫn. Tuy nhiên, mộng đổi đời của anh Cường đã nhanh chóng tan vỡ. Tương tự, chị Hoàng Thị Hằng (trú ở quận 1, TP Hồ Chí Minh) cũng đã giao cho Phạm Ngọc Tân 24.400 USD để “lo lót” cho 4 người trong gia đình mình đi Hàn Quốc, song chỉ sau một thời gian ngắn đã phải “ngậm đắng nuốt cay” vì bị lừa.

Cùng ước muốn như 2 trường hợp trên, giữa tháng 4-2007, anh Nguyễn Xuân Hương (trú tại quận 12, TP Hồ Chí Minh) biết Nguyễn Quang Minh khi ấy phụ trách một cơ sở đào tạo nghề tại Sơn La đang có “đơn hàng” đưa người đi xuất khẩu lao động. Tin tưởng Minh, anh Hương đã giao 12.000 USD và hồ sơ của 13 người có nhu cầu để đối tượng đưa ra nước ngoài làm việc. Dù vậy “loay hoay” mãi mà Minh vẫn chẳng thể đưa được bất kỳ trường hợp nào đi làm việc như cam kết.

Cực chẳng đã, anh Hương buộc phải đòi lại tiền nhưng chỉ nhận được một phần rất nhỏ. Bằng thủ đoạn “rêu rao” và trưng ra nhiều mối quan hệ, cuối năm 2007, Minh tiếp tục nhận gần 13.000 USD của anh Hoàng Văn Hải (ở huyện Nghi Lộc, Nghệ An) và hứa sẽ đưa anh này sang Hàn Quốc lao động, nhưng ngay sau đó đã “lặn mất tăm”… Không dừng lại ở đó, tháng 8-2008, lợi dụng chức năng và chức vụ tại Công ty CP Thương mại Quốc tế, Minh còn ký 2 hợp đồng xin cấp visa cho 12 lao động của Công ty May và xuất khẩu lao động Phú Thọ đi làm việc tại Cộng hòa Czech. Tuy nhiên sau khi nhận hơn 448 triệu đồng của doanh nghiệp này, đối tượng lại “đẩy” đơn hàng cho người khác nhằm hưởng chênh lệnh và cũng không thực hiện được.

Quá trình điều tra, cơ quan công an đã làm rõ từ tháng 11-2005 đến 6-2008, Phạm Ngọc Tân và Nguyễn Quang Minh đã lừa đảo chiếm đoạt của 9 cá nhân, tổ chức với tổng số tiền lên đến hơn 1,3 tỷ đồng. Với các hành vi nêu trên, VKSND TP Hà Nội đã cáo buộc Phạm Ngọc Tân phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Nguyễn Quang Minh ngoài phạm tội lừa đảo, còn bị xem xét thêm tội lạm dụng tín nhiệm, theo các Điều 139 và 140 - BLHS.

Tại phiên tòa sơ thẩm ngày 12-9, cả 2 bị cáo đều thành khẩn khai nhận hành vi phạm tội của mình. Thế nhưng luật sư bào chữa cho Nguyễn Quang Minh lại cho rằng HĐXX cần xem xét lại tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, bởi việc không thực hiện được hợp đồng xin cấp visa cho các lao động tại Công ty May và xuất khẩu lao động Phú Thọ là do yếu tố “bất khả kháng”. Với tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản cũng cần phải chuyển khung hình phạt từ khoản 3 xuống khoản 2 của điều luật vì trước khi phiên tòa diễn ra, gia đình bị cáo đã cơ bản khắc phục hết hậu quả. Bác lại quan điểm của luật sư, đại diện VKS khẳng định hành vi lạm dụng tín nhiệm của bị cáo là rất rõ ràng, nếu hợp đồng bị “đổ vỡ” thì bị cáo phải hoàn trả lại tiền cho đối tác ngay. Ở tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản cũng không thể thay đổi, bởi việc khắc phục hậu quả của bị cáo chỉ được coi là tình tiết giảm nhẹ. Vì vậy, đại diện VKS vẫn giữ nguyên quan điểm truy tố.

Ở vụ án này, CQĐT còn xác định Vũ Ngọc Bồn (chưa rõ lai lịch) cũng là một trong ba đối tượng lừa đảo xuất khẩu lao động, đồng thời còn là “mắt xích” quan trọng giữa Phạm Ngọc Tân và Nguyễn Quang Minh. Tuy nhiên, trong quá trình điều tra Bồn bỏ trốn nên các cơ quan tố tụng quyết định tách thành vụ án riêng. Sau 2 ngày xét xử và nghị án kéo dài, chiều qua (13-9), TAND TP Hà Nội đã tuyên phạt Phạm Ngọc Tân 12 năm tù, Nguyễn Quang Minh 13 năm tù về các tội danh như truy tố.