- Nhà thơ, nhạc sỹ Nguyễn Trọng Tạo qua đời ở tuổi 73
- Nguyễn Trọng Tạo: Từ làm báo Thơ đến vẽ lá cờ Thơ
- Thông tin về tang lễ nhạc sỹ Nguyễn Trọng Tạo
Nhạc sỹ Nguyễn Trọng Tạo quê ở Nghệ An nhưng với ca khúc “Làng quan họ quê tôi”, ông mặc nhiên được công nhận là người con của quê hương quan họ. Cơ duyên đưa người nhạc sỹ không chuyên này trở thành tượng đài trong làng âm nhạc Việt có lẽ bắt nguồn từ mối quan hệ thân tình với nhà thơ Nguyễn Phan Hách. Năm 1978, trong một lần đến NXB Tác phẩm mới, Nguyễn Phan Hách đã nhờ Nguyễn Trọng Tạo phổ nhạc bài thơ “Làng quan họ quê tôi”. Dù sinh ra và lớn lên tại Nghệ An, nơi bắt nguồn của những câu ví Dặm thẫm đẫm cái tình xứ sở nhưng Nguyễn Trọng Tạo từ lâu đã mê quan họ từ những lần đoàn văn công đến hát cho bộ đội và dân làng mình nghe.
Khi đọc những vần thơ của Nguyễn Phan Hách, ông thấy những câu hát như vang lên trong đầu mình. Nhạc sỹ đã ngồi xuống viết và quên luôn cả… ăn cơm. Ca khúc “Làng quan họ quê tôi” đã hoàn thành trong chớp nhoáng vào một buổi chiều tháng 9/1978. Ca khúc này gắn liền với tên tuổi của NSND Thanh Hoa. Chất giọng truyền cảm của nữ nghệ sỹ đã chắp cánh cho những giai điệu mang đậm hương vị ngọt ngào của quan họ Bắc Ninh, cùng chất hào sảng của ca từ trong ca khúc nhanh chóng lan tỏa tới với nhiều người dân Việt Nam. Có thể nói, đó là một trong những tác phẩm âm nhạc thành công nhất của Nguyễn Trọng Tạo.
Ca khúc “Làng quan họ quê tôi” với giọng hát Thanh Hoa đã vang lên lần đầu tiên trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam vào tháng 6/1979 và sau đó trở thành nhạc hiệu của Đài PT-TH Hà Bắc trong suốt nhiều năm. Nhớ lại thời gian thu âm ca khúc này, NSND Thanh Hoa cho biết, bà không phải là ca sỹ được chỉ đạo thể hiện ca khúc này. Nhưng vì một lý do nào đó, người ca sỹ được chỉ định đã không có mặt và bà là người thay thế. Thanh Hoa đã thể hiện ca khúc thành công vượt mong đợi và suốt từ đó đến nay, mỗi khi nhắc tới “Làng quan họ quê tôi”, nhiều người luôn nhắc tới NSND Thanh Hoa như một đỉnh cao trong âm nhạc.
Bên cạnh một nhạc sỹ Nguyễn Trọng Tạo với “Làng quan họ quê tôi”, “Khúc hát sông quê”, “Tình ca bên một dòng sông” … ông còn ghi dấu ấn trên văn đàn thi ca với nhiều ấn phẩm để đời. Có thể kể đến như: “Đồng dao cho người lớn”, “Nương thân”, “Thế giới không còn trăng”, đặc biệt phải để kể đến trường ca “Con đường của những vì sao” và “Biển mặn”… Nhà phê bình văn học Hoàng Ngọc Hiến từng nhận xét, thơ của Nguyễn Trọng Tạo là thơ của những cái chớp mắt, cảm hứng nhân văn của Nguyễn Trọng Tạo không hề dễ dãi và lấp lánh vô tận như những cái chớp mắt. Quả thực, với những tác phẩm thi ca đã ra đời, Nguyễn Trọng Tạo cho thấy, ông luôn tìm kiếm việc làm mới thơ từ những khúc thức cổ điển của thể thơ lục bát, 5 chữ, 7 chữ… Càng về sau, sự nghiệp thơ ca của ông càng vững chãi và giữ được phong độ cho tới khi nhắm mắt xuôi tay.
Nhạc sỹ Nguyễn Trọng Tạo và nhạc sỹ Nguyễn Thụy Kha
Nói về Nguyễn Trọng Tạo, không thể không nhắc tới tính quảng giao và rộng rãi với bạn bè của ông. Nhà thơ từng xây hẳn một căn nhà sàn ở bãi giữa sông Hồng để cùng bạn bè đàm đạo. Bạn chí cốt của Nguyễn Trọng Tạo ở khắp trong Nam ngoài Bắc. Ai cũng mến tính cách giản dị, thuần phác của ông. Đi đến đâu, ông cũng tựa như một thỏi nam châm, hút lấy mọi người. Theo nhà văn Ngô Thảo, Nguyễn Trọng Tạo không chỉ đối xử tốt với anh em cùng thời, ông còn được nhiều đàn em ngưỡng mộ. Ông dành nhiều thời gian dìu dắt các nhà thơ trẻ, giúp họ chỉnh trang câu chữ, liên hệ nhà xuất bản, rồi thiết kế bìa, viết lời đề từ. “Nguyễn Trọng Tạo làm tất cả những việc ấy từ tâm, không màng danh lợi. Ông cũng dành nhiều công sức, thời gian chấm thi, tham gia nhiều hoạt động ở các trường đại học vì muốn tiếp xúc với những tài năng chớm nở”-nhà văn Ngô Thảo chia sẻ.
Trải qua 2 lần đổ vỡ, Nguyễn Trọng Tạo có 3 người con. Con gái lớn đã lập gia đình, sống ở tòa nhà cạnh bố nên thường xuyên thăm nom ông. Con trai thứ đã tốt nghiệp Tiến sĩ Kiến trúc ở Italy và đang làm việc ở Huế, con gái út học Tiến sĩ Kinh tế ở Italy. Cả ba đều coi bố là thần tượng nhưng không theo nghiệp ông vì sợ "con không bằng được cha". Nhạc sỹ Nguyễn Thuỵ Kha tiết lộ, ngoài gia đình, bạn bè, không ít phụ nữ thầm thương trộm nhớ, ngưỡng mộ ông. Tuy nhiên, ông luôn ý tứ, chừng mực trong các mối quan hệ.
Trước sự ra đi của người nghệ sỹ đa tài, người từng có 40 gắn bó với Nguyễn Thụy Kha tại Tạp chí Âm nhạc, ông cho biết: “Bạn ra đi, tôi đau buồn nhưng không bi lụy bởi Tạo đã sống một cuộc đời bằng 3 cuộc đời của người khác rồi, chẳng có gì phải tiếc!”.