- Hoài Linh ngồi "ghế nóng" tìm "Đệ nhất danh hài Việt"
- Tập 4 "Bài hát hay nhất": Chuyện về "người mù bán vé số" gây "sốt"!
- Nhạc sĩ Quốc Bình: "Tôi thực sự rất…nữ tính!"
“Duyên dáng Việt Nam 28” với chủ đề “Xuân” được dàn dựng gồm 4 phần: “Xuân đất Bắc”, “Xuân phương Nam”, “Những mùa xuân không thể nào quên” và “Xuân đoàn viên”. Ở phần 3 “Những mùa xuân không thể nào quên” tái hiện lại 12 ngày đêm Hà Nội chìm trong khói lửa bởi trận rải thảm B52 của Mỹ.
Ngay sau những hình ảnh tư liệu đầu tiên được trình chiếu trên màn hình, những lát cắt chiến tranh được khắc họa lại bằng ngôn ngữ múa dân gian đương đại và âm nhạc. Bất ngờ xuất hiện trên sân khấu, đứng bên cây đàn piano, nhạc sĩ Phú Quang phải mất một lúc bình tĩnh mới có thể giãi bày được những cảm xúc trong lòng mình.
Nhạc sĩ Phú Quang nghẹn ngào thổ lộ, ông từng đi qua những mùa xuân không thể nào quên và suốt cuộc đời mình, ông không bao giờ quên được mùa xuân năm 1972, khi cả Hà Nội hứng chịu trận rải thảm bom B52 của Mỹ. Khu phố Khâm Thiên mà gia đình nhạc sĩ Phú Quang ở khi ấy trở thành đống đổ nát hoang tàn, thay vì những ngôi nhà xếp nối bên nhau là cả khoảng trắng khói bụi mênh mông mà đứng một chỗ có thể nhìn thấy xa tít tắp.
Tác giả của những tình khúc bất hủ về Hà Nội khi ấy mới chỉ là cậu thanh niên 23 tuổi. Và hình ảnh ám ảnh ông nhất giữa mùa xuân 1972 là một bà mẹ già tay ôm cục gạch vỡ đứng nhìn người ta lần lượt khiêng thi thể của 25 người con, người cháu trong gia đình bị chết sau một trận bom. Nỗi đau tột cùng của người ở lại khiến bà không biểu lộ được bất kỳ cảm xúc nào ra bên ngoài.
Cũng theo lời kể của nhạc sĩ Phú Quang thì sau này khi vào TP.HCM, sau một lần nghe nhà thơ Phan Vũ đọc bài thơ “Em ơi! Hà Nội phố”, ông đã nói với nhà thơ này rằng: “Em linh cảm sẽ viết được một bài hay từ bài thơ này”. Và 3 hôm sau, ông cho ra đời những giai điệu đầu tiên của ca khúc “Em ơi! Hà Nội phố”.
Sau phần tâm sự về ký ức Hà Nội một thời khói lửa, nhạc sĩ Phú Quang cũng tự mình đánh đàn piano và hát vài câu mở đầu “Em ơi! Hà Nội phố” để ca sĩ Hà Anh Tuấn thể hiện lại trọn vẹn ca khúc này.
Cũng trong vòng 4 tiếng đồng hồ diễn ra, “Duyên dáng Việt Nam 28” đã đem lại cho khán nhiều tiết mục nghệ thuật đặc sắc, hấp dẫn và giàu cảm xúc. Tất cả các nghệ sĩ xuất hiện trong chương trình, từ Cẩm Vân, Hồng Nhung, Mỹ Linh, Thu Phương, Thu Minh, Mỹ Tâm, Hồ Ngọc Hà, Lệ Quyên, Khánh Linh, Hà Anh Tuấn, Tấn Minh, Đức Tuấn, danh ca hải ngoại Elvis Phương, Duy Trường đến những ca sĩ trẻ như Pha Lê, Thu Hằng, Tố My... đều không hát những ca khúc “tủ” quen thuộc của mình, mà mỗi người đều góp cho bản hòa ca chung của chương trình. Thu Minh hát “Mộng chiều xuân”, Mỹ Tâm hát “Anh đến thăm em đêm 30”, Hồ Ngọc Hà thể hiện liên khúc “Đêm đô thị”....
Ngoài ra, màn cat-walk của các người đẹp, hoa hậu trong những bộ áo dài ấn tượng của NTK Tuấn Hải và Quỳnh Paris cũng để lại dấu ấn sâu sắc khán giả Hà Nội.
Có thể nói ở “Duyên dáng Việt Nam 28”, đơn vị tổ chức đã ghi điểm nhờ sự đầu tư về mặt sân khấu của chương trình với màn hình Led biến ảo, khi là cả một vườn sen, khi là những ngôi nhà cổ liêu xiêu, khi là những con đò ra khơi lúc bình minh... đã tạo nên không gian 3D sống động.
Trong thời điểm hiện tại, khó có thể tìm được một chương trình âm nhạc nào “chịu chơi” Duyên dáng Việt Nam khi đưa một dàn nhạc giao hưởng, dàn dây và ban nhạc lên sân khấu. Đó không chỉ là việc tốn kém kinh phí "khủng" mà còn đòi hỏi một sự đầu tư nghiêm túc, chỉn chu, chuyên nghiệp và đẳng cấp trong chất lượng nghệ thuật.
Sau Hà Nội, “Duyên dáng Việt Nam 28” sẽ đến với khán giả TP.HCM. Chương trình diễn ra vào ngày 14-1-2017 tại Nhà thi đấu Quân khu 7.
Thêm một số khoảnh khắc đáng nhớ trong "Duyên dáng Việt Nam 28" tại Hà Nội: