Nhà thơ Trần Quốc Thực: Lặng lẽ để thăng hoa

ANTĐ - Tôi biết Trần Quốc Thực đầu năm 1983. Hồi đó, tôi học cùng khoá với Thực, Khoá 2 trường Viết văn Nguyễn Du. Cả khóa ấy chỉ có hơn 30 học viên, hầu hết từ các Hội Văn nghệ địa phương, hoặc từ các cơ quan ở Hà Nội về. Cùng lớp nhưng ngồi cách xa, nên cũng ít tiếp xúc. Chỉ đến khi đi thực tế, chúng tôi mới thực sự gần nhau. 

Người chết hiện về

Đoàn đăng ký đi Tây nguyên có 5 thành viên: Trần Tự, Trần Quốc Thực, Đỗ Quang Hạnh, Trương Nhuận và tôi. Quang Hạnh có anh là Quang Hoàn, phóng viên Báo Nhân Dân thường trú tại Tây Nguyên, nên khi đoàn vào, khá thuận lợi trong việc thâm nhập địa bàn.

Chuyến đi Tây Nguyên ngày ấy vất vả do đường sá và thời tiết. Ngoài trục đường chính trải nhựa phẳng lì ra, các đường nhánh hầu hết là đường đất gồ ghề, lầm bụi. Chúng tôi đi vào mùa khô, tránh được lầy lội thì lại “dính” chuyện bụi. Để đối phó với bụi đất đỏ, xe thường tháo bạt, như kiểu đi xe mui trần. Có thế, bụi mới không quẩn trong xe. Đổi lại, gió thổi lộng óc, người yếu sức không thể chịu nổi.

Đồng bào Tây Nguyên chân chất, mến khách khiến việc đi vào vùng đất này gây được nhiều cảm hứng trong chúng tôi. Trần Quốc Thực đã phải thốt lên: “Sao cái đất Tây Nguyên lạ kỳ đến thế. Nó cứ “vào” thun thút. Thun thút!”. Câu nói hồn nhiên của Thực khiến anh em trong đoàn phá lên cười.

Có một chuyện của Thực khiến chúng tôi ngỡ ngàng, sửng sốt. Sau hôm vào Gia Lai, Thực bỗng đề xuất cho đi Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) để kết hợp tìm mộ người thân. Anh trai của Thực đi công tác tại Tây Nguyên và đã mất tại đây. Thực cho biết, muốn tìm được mộ của anh trai, chỉ có cách đến hỏi những anh chị em cùng đơn vị cũ của anh. Thế là cả đoàn chúng tôi kéo đến thăm đơn vị, hiện đóng tại thành phố Buôn Ma Thuột.

Khi đoàn bước chân vào phòng, các cô nhân viên vừa trông thấy Trần Quốc Thực, bỗng hét lên thất thanh rồi co cụm vào một chỗ, mắt nhìn anh vô cùng sợ hãi. Phải một lúc lâu sau, chúng tôi mới vỡ lẽ, hóa ra Thực giống anh trai như đúc, nên các cô gái ngỡ ông anh hiện về. Khi đó, Thực phải đứng ra thanh minh một hồi, các cô mới… hoàn hồn.

Nhà thơ... “hợp đồng”

Sau khi tốt nghiệp trường Viết văn Nguyễn Du, nhiều học viên trở về cơ quan cũ. Và chỉ sau một thời gian ngắn đã giữ những cương vị chủ chốt tại địa phương, hoặc một cơ quan báo chí nào đó. Ngọc Bái làm Giám đốc Sở Văn hoá Yên Bái. Hà Đình Cẩn làm Tổng biên tập Tạp chí Nhà văn. Đặng Ái làm Chủ tịch Hội Văn nghệ Thanh Hoá...

Chỉ có Trần Quốc Thực thì rất lận đận. Nghe nói mới đầu chỉ được nhận làm hợp đồng ở Báo Văn nghệ, mãi rồi mới được chính thức. Thỉnh thoảng qua báo, tôi có gặp Thực, mỗi lần thấy anh là một lần thấy gầy hơn, già hơn, tóc bạc nhiều hơn.  Một lần có rượu ngon, tôi bèn mang cho Thực một chai (vỏ là chai rượu ngoại cũ), ở góc chai, tôi vẽ hình hai chiếc ly bắt chéo nhau, phía trên là chiếc “sọ dừa” và “chua” thêm dòng chữ : “Uống rượu có hại cho sức khoẻ”. Cỡ vài tuần sau tôi qua Báo Văn Nghệ, Thực vẫy vẫy tay và tủm tỉm cười: “Lúc nào lại đưa cho cái loại chai gắn hai cái ly bắt chéo nhé!”. Tôi gật đầu, hiểu rằng Thực đã uống hết rượu. Thế rồi công việc cuốn tôi đi, lại đúng dịp đi thường trú tỉnh xa, đến lúc về Hà Nội, thì vừa hay tin Thực đã đi xa lắm rồi. Vừa buồn vừa ân hận.

Những câu thơ lạ

Trần Quốc Thực là người trầm tĩnh, chí ít là theo cảm nhận của tôi. Trong thời gian học trường Nguyễn Du, các bạn thi nhau thơ phú, văn chương… thì Thực lặng lẽ. Lặng lẽ ngay cả nhiều năm sau đó.  Và ít ai ngờ, sự lặng lẽ đó là thời gian nghiền ngẫm để cho ra đời những câu thơ rất lạ, rất độc đáo. ở khoá 2, trường Viết văn Nguyễn Du có hai người âm thầm lặng lẽ rồi thăng hoa như thế, trường hợp thứ nhất là Phùng Khắc Bắc, với tập thơ “Một chấm xanh”. Trường hợp thứ hai là Trần Quốc Thực, với tập thơ “Tháp cúc” đầy những câu thơ ám ảnh:

nếu đến lúc nào em thôi yêu tôi
tôi sẽ như cây trút lá dưới trời
lặng lẽ tôi về thềm mẹ
(Lặng lẽ)

Hoặc

   
anh tìm về em, thèm được gối đầu lên chân em
không có ưu phiền ở những cánh hoa bé xíu
không có vụ lợi ở sắc hoa vàng dịu
em cứ vươn cao trùm xanh trùm sáng trùm xa
(Hoa cúc áo)

Tập thơ “Tháp cúc” có lẽ là trường hợp duy nhất đoạt liền ba giải thưởng: Giải A về thơ của Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam và giải thưởng của Hội Nhà văn Hà Nội.