- K+ chính thức có bản quyền phát sóng Ngoại hạng Anh
- Bà mẹ 9X giúp thể thao Việt Nam đạt chỉ tiêu 15 suất dự Olympic 2016
- K+ thừa nhận bản quyền Ngoại hạng Anh mang tính sống còn
Năm 2003, Khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình được xây dựng để phục vụ cho việc đăng cai SEA Games 22. Chi phí rót vào "siêu công trình" này là rất lớn, trong đó riêng việc xây sân Mỹ Đình đã ngốn tới 53 triệu USD.
SVĐ số 1 quốc gia với sức chứa lên tới hơn 40.000 chỗ này được kỳ vọng sẽ trở thành một biểu tương của thể thao nước nhà. Thế nhưng, thực tế cho thấy, ngoài một số trận đấu hay một số giải đấu của các đội tuyển quốc gia hàng năm, thì sân Mỹ Đình gần như chỉ tồn tại với "nghề tay trái". Từ việc làm sân thử cho các hãng xe, tổ chức show ca nhạc, mở quán bar, quán massage cho tới những thứ bình dân hơn như quán cafe và quán nhậu...
Một quán cafe ngang nhiên mọc lên ngay trong khuôn viên sân Mỹ Đình
Theo một số liệu thống kê được công bố trước đây, Khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình trở thành đơn vị tự hạch toán kể từ năm 2012, và chỉ trong 3 quý đầu tiên đã thu về hơn 29 tỷ đồng. Con số này cao hơn hẳn khoản tiền mỗi năm mà nhà nước phải chi ra (15-25 tỷ đồng) để bảo dưỡng duy trì hoạt động của công trình.
Chủ trương xã hội hóa của Bộ Văn hóa – Thể thao và Du Lịch cũng cho phép Khu liên hợp thể thao quốc gia tự chủ tài chính, được phép kêu gọi đầu tư kinh doanh, mở rộng các hoạt động dịch vụ để tăng thêm nguồn thu. Chính vì thế, Ban quản lý Khu liên hợp thể thao quốc gia mặc sức "xẻ thịt" diện tích rộng lớn của Khu liên hợp để cho thuê.
Sẽ không có gì đáng nói, nếu như những "công trình" mọc lên trong Khu liên hợp thể thao quốc gia này lại là những nhà hàng, quán nhậu, quán cafe... nhốn nháo bán buôn suốt ngày.
Tạm chưa xét đến yếu tố thẩm mỹ, một công trình đại diện cho quốc gia, là nơi mà bạn bè quốc tế nhìn vào mỗi khi có sự kiện lớn của thể thao nói chung và bóng đá Việt Nam nói riêng, mà thường xuyên trong tình trạng "nồng nặc hơi men", thì rất dễ gây phản cảm.
Các nhà hàng vẫn bao vây Mỹ Đình
Chưa hết, những công trình tầm cỡ triệu đô ấy bỗng biến thành những tụ điểm giải trí, ăn nhậu tầm thường kiểu như vậy cho thấy cách quản lý, điều hành của Ban quản lý Khu liên hợp thể thao quốc gia là thực sự có vấn đề.
Mới vào dịp đầu hè 2016 này, một quán bia hơi đã ngang nhiên mọc lên trong khu liên hợp, ở mặt đường Lê Quang Đạo và cách sân Mỹ Đình không xa. Quán bia hơi này gây sự chú ý ở biển hiệu "Khu tập luyện và dịch vụ thể thao". Một cách lách luật có thể nói là rất khéo của "chủ nhà", nhưng lại tạo nên sự hài hước, thậm chí phản cảm với người đi đường.
Ông Phí Quang Hiếu, một cán bộ nhà nước nhà ở Nghĩa Tân, Cầu Giấy bức xúc nói: "Tôi đi qua đường Lê Quang Đạo thường xuyên, nhìn cảnh quán bia mở trong Khu liên hợp thể thao quốc gia rồi trưng biển là dịch vụ thể thao, thấy nó hơi lố bịch. Người nghĩ ra ý tưởng này có lẽ phải có khiếu hài hước lắm".
Chưa có kết luận khoa học nào chứng minh uống bia lại tốt cho việc luyện tập thể thao
Khi chúng tôi đem thắc mắc này hỏi ông Cấn Văn Nghĩa - Giám đốc Khu liên hợp thể thao quốc gia, thì chỉ nhận được câu trả lời rất súc tích: "Quanh Khu liên hợp và sân Mỹ Đình chỉ có những công trình phục vụ cho thể thao. Chúng tôi chẳng làm gì sai cả".
Tất nhiên, ông Nghĩa và cả Ban quản lý Khu liên hợp thể thao quốc gia không làm gì sai phạm. Bởi nếu được chứng minh là có sai phạm, chưa chắc chúng tôi đã có thể liên lạc với ông. Chỉ có điều, những nhà hàng, quán nhậu, quán cafe... ấy cứ mọc lên ngày một nhiều quanh biểu tượng văn hóa thể thao của một quốc gia, thì rất bất ổn.
Đấy là còn chưa kể, bên cạnh sân Mỹ Đình, nhiều tổ hợp thể thao khác như Cung thể thao dưới nước, Cung điền kinh trong nhà... vốn có kinh phí xây dựng hàng trăm, hàng nghìn tỉ đồng vẫn đang bị sử dụng sai chức năng, sai mục đích... dẫn tới sự lãng phí cực lớn cho Ngân sách Nhà nước mà chẳng thu lại được thành tựu nổi bật nào!