Nhà giáo Nguyễn Thị Mỹ Dung và 110 bài thơ "Theo dấu chân Đại tướng"

ANTD.VN - Triển lãm thơ diễn ca lịch sử “Theo dấu chân Đại tướng” đã được khai mạc tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam (36 Lý Thường Kiệt, Hà Nội) vào sáng ngày 21/12/2021. Triển lãm gồm 110 bài thơ được sáng tác bởi nhà giáo, nhà thơ, nhà báo Nguyễn Thị Mỹ Dung - người có cơ duyên gặp gỡ, viết nhiều bài báo, bài thơ về vị tướng tài ba trong suốt hơn 20 năm qua.

Đây là sự kiện đặc biệt ý nghĩa nhân dịp kỷ niệm 110 năm ngày sinh Đại tướng Võ Nguyên Giáp và 77 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Triển lãm tái hiện dấu mốc chiến thắng Điện Biên Phủ vàng son cũng như cuộc sống đời thường của Đại tướng qua những vần thơ chan chứa tình cảm kính yêu.

Bà Nguyễn Thị Mỹ Dung, tác giả của 110 bài thơ về Đại tướng Võ Nguyên Giáp chia sẻ, bà cảm thấy may mắn khi được Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam đón nhận 110 bài thơ để tổ chức triển lãm, nhân kỷ niệm 110 năm ngày sinh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và 77 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân. Hai ngày kỷ niệm này cùng được tổ chức trong sự kiện ngày hôm nay khiến bà rất hạnh phúc.

Tác giả của 110 bài thơ về Đại tướng Võ Nguyên Giáp-nhà thơ, nhà báo, nhà giáo Nguyễn Thị Mỹ Dung

"Trong lễ khai mạc, cảm xúc lúc này của tôi lẫn lộn. Tôi vừa nhớ tới người anh cả của Quân đội nhân dân Việt Nam với tấm lòng biết ơn. Và tôi cũng thật hạnh phúc khi được Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam và ê kíp tổ chức triển lãm", bà Mỹ Dung nói

Triển lãm gồm 3 chủ đề: "Làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ", "Vị tướng trong lòng dân" và "Sáng mãi ngàn năm".

Bà Nguyễn Hải Vân, Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam cho biết, đây là lần đầu tiên Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam tổ chức triển lãm diễn ca bằng thơ của nhà giáo, nhà thơ Nguyễn Thị Mỹ Dung - một người phụ nữ với tấm lòng tri ân tôn kính dành cho người Đại tướng huyền thoại.

Bà Nguyễn Thị Mỹ Dung tại lễ khai mạc triển lãm "Theo dấu chân Đại tướng"

Với cách tiếp cận độc đáo, triển lãm đã minh chứng rằng cách tiếp cận của người phụ nữ luôn tạo ra sức mạnh riêng từ sự mềm mại và nữ tính trong tâm hồn, và có sức lan tỏa mạnh mẽ.

Với 110 bài thơ giản dị mộc mạc, cùng hàng trăm bức ảnh tư liệu, triển lãm không chỉ là lời tri ân sâu sắc với vị Đại tướng tài ba của dân tộc, mà còn tái hiện dấu son lịch sử, những bài học về sự đoàn kết đồng lòng phát huy sức mạnh tập thể của dân tộc Việt Nam từ hơn một nửa thế kỷ trước.

"Triển lãm được khai mạc tại thời điểm này, với ý nghĩa và mong muốn truyền thêm cảm hứng cho những người dân Việt Nam phát huy truyền thống đoàn kết, chung tay làm nên sức mạnh vượt qua đại dịch Covid-19, tiếp tục hành trình đưa đất nước Việt Nam phát triển và hội nhập", bà Nguyễn Hải Vân nhấn mạnh.

Một góc triển lãm "Theo dấu chân Đại tướng" đang trưng bày tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam

Tham dự triển lãm, bà Võ Hòa Bình, con gái Đại tướng Võ Nguyên Giáp bày tỏ sự ngạc nhiên vì trước đây bà đã đến dự nhiều triển lãm nhưng triển lãm lần này rất công phu và theo một hình thức độc đáo, ấn tượng. Tuy vậy, triển lãm lại gần gũi với người Việt Nam và cũng gần với phong cách mà khi còn sống Đại tướng rất thích những điều giản dị và đi thẳng vào lòng người như thế.

Tại chương trình, ca sĩ Mỹ Linh và ca sĩ Tùng Dương thể hiện những ca khúc gắn liền với người Hà Nội như “Khát vọng”, “Em ơi Hà Nội phố”, “Người Hà Nội”, Màu hoa đỏ” và đặc biệt là ca khúc “Việt Nam - Võ Nguyên Giáp” được phổ nhạc từ bài thơ cùng tên của tác giả Nguyễn Thị Mỹ Dung với giai điệu hào hùng, chan chứa đầy tình cảm tôn kính và cảm xúc tự hào về một vị tướng vĩ đại.

Triển lãm “Theo dấu chân Đại tướng” mở cửa từ ngày 21/12 tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, số 36 Lý Thường Kiệt, Hà Nội.

Nhà giáo, nhà báo, nhà thơ Nguyễn Thị Mỹ Dung sinh năm 1939 tại Đức Thọ, Hà Tĩnh. Năm 1961, sau khi tốt nghiệp khoa Văn, trường Đại học Sư phạm Vinh, bà về công tác tại trường cấp 3 Hải Hậu (Nam Định), Nguyễn Trãi, Đoàn Kết, Hà Nội.

Bà Mỹ Dung là cán bộ chỉ đạo Vụ cấp 3 Bộ Giáo dục (nay là Bộ Giáo dục và Đào tạo). Hơn 30 năm cầm bút, bà đã có nhiều bài thơ, bài báo về Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Với lòng ngưỡng mộ Đại tướng, bà đã xuất bản cuốn sách "Tri ân Đại tướng-Người hiền" nhân 100 ngày mất của Đại tướng.

Đặc biệt, bà đã dốc tâm huyết và trí tuệ sáng tác hàng trăm bài thơ-diễn ca "Theo dấu chân Đại tướng" với lòng ấp ủ, khát khao muốn tổ chức một cuộc triển lãm để được hòa trong tiếng lòng tri ân và ngưỡng mộ của nhân dân Việt Nam và bạn bè quốc tế tri ân vị tướng huyền thoại, nhân kỷ niệm 110 năm ngày sinh Đại tướng Võ Nguyên Giáp.