Nhà báo trong cuộc đua Ironman

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - 7-5-2023. Ngày mà tôi trở thành… Ironman. Cũng là dấu mốc tôi trở về từ Giải VinFast Ironman 70.3 Việt Nam tổ chức tại thành phố biển Đà Nẵng. Với nhiều vận động viên kỳ cựu thì đây cũng chỉ là một cuộc đua bình thường, song với kẻ ngoại đạo lần đầu tham dự như tôi quả thực muốn kể chuyện!
Nhà báo Cao Minh

Nhà báo Cao Minh

Ironman là cuộc thi 3 môn thể thao phối hợp quốc tế đầy khắc nghiệt. Tham gia giải, tôi phải vận động cường độ cao 3 môn: bơi 1,9km - đạp xe 90km - chạy bộ 21km liên tục trong gần 7 giờ, dưới thời tiết nắng nóng đỉnh điểm 41 độ C. Cảm xúc tột đỉnh khi cơ thể được đẩy tới mức cực hạn.

Mọi người đều khuyến khích: “Anh chơi Ironman tốt, thi đi”

Thú thật, tôi đã từng thử sức ở Giải Aquaman 2022 (bơi 2km - chạy 21km), giờ thi Ironman thêm phần đạp xe 90km nữa là xong, ý nghĩa đơn giản một cách đầy chủ quan chợt thoảng qua. Sai lầm. Thể thao không phải là câu chuyện một cộng một bằng hai một cách “ngon ăn”. Nó giống như ai chưa từng chạy “marathon” (42km), nghĩ đơn giản chỉ cần nhân 2 lần chạy “half marathon” (21km) là hoàn thành. Thật sự quá sai lầm.

Quyết tâm có thừa, tôi tìm đến 2 huấn luyện viên “Triathlon” (3 môn phối hợp) khá nổi tiếng ở Hà Nội để thỉnh giáo. Cũng chẳng có gì phải giấu giếm cái việc “tầm sư học đạo” của bản thân. Một, kiện tướng bơi quốc gia Nguyễn Thu Trang (thành tích cá nhân: Nhì chung cuộc nữ, Nhất lứa tuổi Giải Challenge Taiwan 140.6.2023 gồm bơi 3,8km, đạp xe 180km và chạy 42km; Vô địch Giải IM 70.3 Vietnam 2022; Vô địch 5km bơi biển Lý Sơn 2023; Huấn luyện viên - Trọng tài Triathlon cấp quốc gia SEA Games 31...); Hai, kiện tướng bơi quốc gia Quách Hoàng Việt (Thành tích cá nhân: Huy chương Vàng bơi vượt sông truyền thống 2000; Huy chương Vàng - Bạc - Đồng giải trẻ và Vô địch quốc gia 1999 - 2001; Trọng tài quốc tế Fina). Chủ quan của bản thân có thừa, huấn luyện viên “xịn” có đủ, tôi tự tin “nhập cuộc”.

Một câu nói rất hay của tỷ phú nổi tiếng người Mỹ Warren Buffett rằng: “Muốn đi nhanh hãy đi một mình, muốn đi xa hãy đi cùng nhau” đã được các huấn luyện viên áp dụng bằng việc ghép tôi vào lớp bơi cùng với một số người từng một vài lần đi thi Ironman cả quốc tế lẫn trong nước như Nguyễn Quang Định, Hoàng Thịnh..., đặc biệt là Nguyễn Phan Thùy Vân (Thành tích cá nhân: Nhất lứa tuổi Giải Challenge Taiwan 140.6.2023; Nhất chung cuộc Giải Aquaman VnExpress 2022; Nhất lứa tuổi Giải vô địch quốc gia Tiền Phong Marathon 2023...). Sự tự tin của tôi dâng trào khi mọi người đều khuyến khích: “Anh chơi Ironman tốt, thi đi”…

Sát giải thì… chấn thương, uống kháng sinh để… chống ốm

Tháng 3-2023. Tôi quyết định mua BIB (số báo danh thi đấu). Thời gian tập luyện với xe đạp tính ra chỉ còn vỏn vẹn khoảng 2 tháng, chưa kể vướng 2 Giải Tiền Phong Marathon Lai Châu (TPM - chạy 42km) và Oceanman Cam Ranh (bơi 5km) cùng diễn ra trong quãng thời gian này.

Giờ là giai đoạn tập luyện đầy vất vả. Đều đặn tuần hai buổi cứ 6 giờ sáng tôi có mặt tại bể, bơi khoảng 3km. Tối về ngủ đôi khi còn văng vẳng tiếng còi đẩy tốc độ, thể lực của các huấn luyện viên. Nhờ những pha dốc hết sức đến gần nôn ra bể, cùng các bài tập kỹ thuật mà sau nhiều năm, tốc độ bơi của tôi được cải thiện rõ rệt. Tuy nhiên, bơi mệt nhưng còn thấy chiều hướng khả thi. Đạp xe mới thực sự là vấn đề.

Những tưởng tuổi thơ dữ dội thời “xe đạp ơi” còng cọc cái xe cà tàng, xa đến mấy cũng hùng hục guồng vẫn đến đích dễ như ăn 6-7 bát cơm tuổi “bẻ gãy sừng trâu”, giờ cũng “ngon ơ” như xưa mà sự thật phũ phàng. Nhảy phắt lên cái yên xe bé tí ra sức đạp, cả tháng đầu, cứ đạp lêu hêu được 20-30km là tôi ê ẩm hết cả người như có ai đánh.

Tốc độ thì “dục tốc bất đạt”, hôm nào khá lắm gió thuận khí hòa thì được 30-31km/h, không chỉ đạt tầm 27-28km/h. Về sau, sát ngày “race” (đua) tôi chán, không tập tốc độ nữa, chỉ tìm cách ngồi trên xe hơn 3 tiếng, mong hoàn thành 90km. Cuối cùng, môn chạy vẫn phải duy trì tập luyện nghiêm túc. “Cuộc đua chỉ bắt đầu khi xỏ giày chạy” là kinh nghiệm của các vận động viên Ironman kỳ cựu.

Và cái gì đến… đã đến. Tôi bị chấn thương. Đó là hệ quả của việc tập luyện quá tải cho nhiều mục tiêu sát nhau. Sau buổi chạy cuối tại hồ Gươm để giảm tải đợi đi Giải Tiền Phong Marathon Lai Châu thì thì tôi dính chấn thương cả 2 chân. Lết cái thân già đi gặp bác sĩ và phục hồi tích cực đều không kịp nữa. Tôi quyết định bỏ giải Giải Tiền Phong Marathon Lai Châu để may ra kịp phục hồi cho giải Ironman diễn ra sau khoảng 1 tháng.

Rất may nhờ đó (cùng với việc giải Oceanman bị hoãn) mà cơ thể kịp phục hồi. Sau 2 buổi tập chuyển tiếp (Transition) cuối cùng, 1 buổi với Trịnh Việt Cường (một người em, người đồng nghiệp luôn tập luyện cùng tôi) và 1 buổi với Câu lạc bộ Hà Nội Triathlon - tôi đã sẵn sàng cho cuộc đua quan trọng nhất trong năm.

Vào Đà Nẵng, Trịnh Việt Cường đã tham gia Ironman một lần nên dẫn tôi đi xem trước khu “Transition”, đường bơi, đường đạp, đường chạy… Quá trình tập luyện miệt mài suốt 3 tháng, giờ dồn vào đúng 1 buổi sáng chủ nhật thì đến sáng thứ bẩy người lại có cảm giác gai gai, viêm họng. Thế là tôi gấp rút uống 2 viên kháng sinh. 4h sáng chủ nhật, khu vực để xe đạp vận động viên với đủ màu da, sắc tộc, giọng nói náo nhiệt.

Ai nấy đều cố gắng tận dụng khoảng thời gian còn lại để chuẩn bị thật kỹ càng cho từng phần thi. Kế bên tôi là các vận động viên đến từ Thái Lan, họ giúp nhau chuẩn bị rất kỹ: bơm lốp xe, gài gel-muối lên khung, sắp xếp giày chạy gọn gàng… Tôi cũng tranh thủ kiểm tra lại “chiến mã”, giày, kính... để không sai sót, nhầm lẫn. Tâm trạng khá bình tĩnh, không còn chút hồi hộp như đêm hôm trước.

Đông đảo thành viên Câu lạc bộ Hà Nội Triathlon tham dự Giải VinFast Ironman 70.3 Việt Nam

Đông đảo thành viên Câu lạc bộ Hà Nội Triathlon tham dự Giải VinFast Ironman 70.3 Việt Nam

Cuộc đua quan trọng nhất trong năm… bắt đầu

5h30. Khu “Transition” đóng cửa. Tất cả các vận động viên tập kết sang khu bơi, chia thành 5 ô, theo màu mũ: xanh lá, xanh dương, đỏ, xám, trắng… Tôi đội mũ đỏ, xuất phát ở giữa, có chút bất lợi. Lúc đợi xuất phát, cậu “Tây” bên cạnh xin tôi chút nước tráng kính, nhìn chiều cao đến gần 2 mét, bàn chân to gấp 3 người Việt, thấy rõ sự bất lợi thể hình.

5h50. Các vận động viên ưu tú xuất phát, tiếp đến là xanh lá, xanh nước biển, rồi đỏ… Đến lượt mình, tôi chạy xuống nước chếch bên trái, cố tránh xa dây phao vốn có khá đông vận động viên có xu hướng bơi gần dây. Sóng biển khá to, sau khi vượt qua tầm 6-7 đợt sóng gần bờ thì hết sóng bạc đầu. Đường bơi hình chữ T, 500-600m đầu không vấn đề, tôi bắt đầu vượt nhiều người. 600m tiếp theo thì ngược sóng, nhiều khi không nhìn thấy phao tiêu.

Được chừng 1km thì tôi bị va rất mạnh vào tay phải vào một vận động viên khác, ngón cái bị bẻ ngược, cơn đau trào đến, thoáng nghĩ thế này ảnh hưởng đến phần đạp xe mất rồi. Khoảng 600m cuối thì sóng đánh ngang, tôi vừa bơi vừa sắp xếp trong đầu thứ tự việc cần làm khi lên bờ. Qua cổng tính thời gian, phần bơi hết 43 phút, chấp nhận được. Vừa tháo mũ kính, tôi vừa ăn gói gel đầu tiên và chạy về vị trí xe đạp. Không muốn dính sai sót gì nên thời gian chuyển tiếp lần 1 khá lâu, đến hơn 7 phút.

Tôi bắt đầu đạp. Hơn chục km đầu xuôi gió nên tốc độ khá tốt, sau đó thì bắt đầu bị các vận động viên khác rào rào vượt qua. Đến gần cầu Thuận Phước thì Trịnh Việt Cường vượt qua, chỉ kịp nói được một câu động viên nhau. Cầu Thuận Phước hiện ra trước mắt, tôi cố gắng đạp lên đỉnh theo đúng bài hướng dẫn, không để “cadence” (nhịp) tụt quá. Độ cao cầu này cũng tương đương cầu Nhật Tân, nhưng gió ngang rất mạnh. Lên đỉnh xong thì đổ dốc, tốc độ xe lên đến 52-55km/h cộng với dốc cầu cong, khá căng thẳng với người mới.

Đến khu vực tiếp nước, tôi đạp chậm lại để bắt chai nước từ tình nguyện viên, thì nghe rầm rầm phía sau. Quay lại đã thấy 4-5 vận động viên người nước ngoài đâm sầm vào nhau, ngã dúi dụi giữa đường. Nắng lúc này đã chiếu rát cổ, cháy vai. Chiều về, khi đổ dốc cầu Thuận Phước lần 2, vừa xuống đến chân cầu thì thấy 1 vận động viên nước ngoài mặt mũi đầy máu đang được chăm sóc y tế bên lề đường, có cả xe cứu thương.

Ngoài ra còn một vài vụ tai nạn khác… nên tôi tự nhủ phải giữ an toàn, nhanh chậm tính sau. Cuối cùng sau hơn 3 giờ vặn vẹo trên yên xe, tôi cũng kết thúc được phần đạp xe 90km an toàn, không ngã, không thủng săm… Duy chân trái có hiện tượng căng cơ phía ngoài ống đồng.

Chuyển sang môn cuối cùng. Tôi vừa xỏ xong giày chạy đã nghe loa Ban tổ chức thông báo tên vận động viên nước ngoài đầu tiên về đích, thật phi thường. Vừa chạy, tim đã vọt hơn 160 nhịp/phút. Lập tức tôi tự nhủ phải kìm chân chậm lại, phía trước còn hơn 2 tiếng chạy giữa trưa nắng. Tự nhắc bản thân, chạy chậm cũng được, nhưng không được đi bộ, chỉ cần mấy km cuối đi bộ về đích là hỏng cả cuộc đua. Chạy khoảng 5-6km thì mấy “bé chuột” bắt đầu thập thò đe dọa.

Lúc này chai “crampfix” chống chuột rút phát huy tác dụng dù uống chua lòm. Qua trạm y tế nhờ bác sĩ xịt lạnh, tôi yên tâm đua tiếp. Chạy dưới trời nóng 40-41 độ C quả là thử thách khắc nhiệt, lát lại thấy có vận động viên ngã lăn quay bên đường. Thậm chí có cả các tình nguyện viên đứng lâu dưới nắng cũng bị ngất. Tiếng còi xe cứu thương liên tục vang lên, tất tả ngược xuôi.

Ở mấy trạm nước mọi người thi nhau múc nước dội nước lên người cho hạ nhiệt, tôi tìm được cái khăn lạnh đắp lên gáy cũng đỡ phần nào. Lúc này thực sự không còn nghĩ đến mốc thời gian về đích bao nhiêu, chỉ mong không bị lê bộ. Vẫn cặm cụi tuân thủ thời gian ăn gel, muối sau mỗi 40-45 phút, nhờ thế mà kể cả những km cuối cùng tôi vẫn chạy đều chân, dù chậm…

* * *

1h chiều ngày chủ nhật, sau gần 7 tiếng, thảm đỏ dẫn đến cổng “FINISH” xuất hiện. Cảm xúc vỡ òa. Tôi băng băng về đích. Sau thời gian rất dài luyện tập chăm chỉ, vất vả, đầy mồ hôi và cả máu, cuối cùng tôi cũng đã có lần đầu tiên hoàn thành cuộc thi đầy cam go này. Ngay sau cổng đích là vợ và cậu con trai đứng đợi sẵn. Thật tuyệt vời vì gia đình đã hết sức tạo điều kiện cho niềm đam mê thể thao của tôi. Trong mắt cậu con trai ánh lên vẻ đầy tự hào về bố - đó chính là tấm huy chương quý giá nhất cuộc đua. Hẹn gặp lại Ironman mùa sau - tôi sẽ ở đó!