Nguyễn Trọng Tạo hay ông “đủ món, 5 say”

ANTĐ - Trong giới văn nghệ nước mình kể cũng có nhiều chuyện lạ. Có người được kết nạp ở “ngạch” văn, nhưng lại làm thơ hay hơn viết văn, có người có thẻ hội viên nhưng người ta lại nhớ tới những thang thuốc Bắc ông “cứu nhân độ thế” chứ mấy tập sách ông viết ra thì chẳng ai nhớ được… Nguyễn Trọng Tạo thì được cả hai. Thơ ông có nhiều người nhớ. Nhạc ông cũng có sức lan tỏa ghê gớm. Mà ông còn hơn người ở chỗ vẽ bìa sách và… uống rượu giỏi.

Sự nghiệp “đủ món”

Ở Hà Nội, thi thoảng tôi có gặp, nghe, hay loáng thoáng nhìn thấy nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo khi thì ở 51 Trần Hưng Đạo, lúc bên báo Văn nghệ, lúc lại thấy ông lai rai với bạn văn... Lần gặp gần đây nhất, ấy là trong ngày thơ Việt Nam. Sáng đó sân Văn Miếu người chen người đứng nghe Nguyễn Trọng Tạo đọc thơ. Bài thơ ông viết về Đại tướng Võ Nguyên Giáp khiến nhiều người nín lặng: “Thánh Gióng về trời. Thánh Giáp về quê/ Vì dân nước Người trở thành bất tử/ Thành núi thành mây thành ruộng, đồng, sông, bể / Thành tượng hình chữ S trấn biển Đông...”. Đó không phải là bài thơ mới nhất của ông. Nhưng đó là bài thơ đã chạm vào trái tim nhiều người.

Giêng Hai, ngoài trời mưa xuân đang long lanh trên khắp chồi xanh. Tôi muốn nhắm mắt lại, để vẳng bên tai là giai điệu: “Làng quan họ quê tôi, tháng Giêng mùa hát hội/ Những đêm trăng hát gọi, con sông Cầu làng bao xanh/ Làng những làng quan họ xanh xanh”.

Âm nhạc chỉ là một nhánh nhỏ trong sự nghiệp “đủ món” của Nguyễn Trọng Tạo. Bởi nhắc đến ông, người ta có thể nhớ tới tập sách “Mảnh hồn làng” đã được tái bản cả chục lần, nhớ tới những vần thơ “Đồng dao cho người lớn”. Bạn văn còn mê Nguyễn Trọng Tạo ở khoản làm bìa sách vừa sang vừa sáng. Rồi báo chí, Nguyễn Trọng Tạo cũng là cây bút “tả xung hữu đột”. Song sự thành công sớm với âm nhạc, từ “Làng quan họ quê tôi” đến “Khúc hát sông quê” của Nguyễn Trọng Tạo cũng khiến nhiều người mơ ước, thậm chí… ghen tị. Nhưng như lộc của trời, cho ai thì người ấy được.

Giai điệu bên... bờ giếng

Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo kể lại, vào khoảng cuối năm 1978 ông có gặp Nguyễn Phan Hách, khi ấy nhà thơ Phan Hách vừa làm xong bài “Làng quan họ quê tôi” nên vội lôi ra đọc cho bạn thơ nghe. Biết Nguyễn Trọng Tạo là người có viết nhạc, vừa có bài “Nụ cười Việt Nam”, phổ thơ Chính Hữu phát sóng, nên sau khi đọc xong Nguyễn Phan Hách chép bài thơ đưa bạn và bảo: “Bài này phổ nhạc được ông ạ. Ông phổ cho tôi nhé”. 

Nghe xong Nguyễn Trọng Tạo toát mồ hôi và lại hơi buồn cười vì sự hồn nhiên của Phan Hách. Thơ thì mênh mông mà mấy bài được phổ nhạc? Nhạc sĩ thì nhiều như lá rừng nhưng có phải ai cũng phổ được thơ? Ông thấy ngại, nhưng cũng vui vẻ hẹn: “Vâng, tôi sẽ xem và nếu phổ được tôi sẽ hát cho ông nghe để xin ý kiến nhà thơ”. 

Nguyễn Trọng Tạo gấp tư bài thơ bỏ vào túi áo rồi đi về làng Khương Hạ (Hà Nội) - nơi các nhà văn quân đội đang ở nhờ. Vài hôm sau, ông đem áo ra giặt. “Bên cái giếng xây gạch sứt mẻ của gia đình bà Tâm mù trong làng Khương Hạ, tôi móc túi ra bài thơ anh Hách gửi và đọc lại”, Nguyễn Trọng Tạo kể, “lúc ấy từ cái loa làng phát ra những điệu hát quan họ mê hồn. Tôi bỗng thấy bài thơ trở thành bài hát trong đầu tôi. Và câu nhạc mở đầu đã hiện lên. Tôi bỏ lại chậu áo quần bên giếng, vào nhà lấy giấy bút ngồi phổ nhạc cho thơ…”.

Bài hát sau đó được phổ biến rộng khắp, nghe đồn còn được dàn nhạc giao hưởng   Lepzich trình diễn trong tuần văn hóa Việt Nam tại Đức, thậm chí được cả hãng JVC danh tiếng đưa vào chương trình karaoke của Nhật.

Sống cùng giai thoại

Giai thoại về Nguyễn Trọng Tạo thì cũng nhiều như… lá rừng. Ông chẳng truy tìm ai cố tình tung ra “chuyện xấu”. Cái đận nhà văn Nguyễn Quang Lập viết blog, rồi sau còn đưa lên báo lên sách kể rằng Nguyễn Trọng Tạo là thi sĩ… lười tắm nhất, có khi hàng tháng mới “tráng qua” một lần… Nghe chuyện ấy nhiều người ngạc nhiên, có người gặp ông còn bảo: “Tạo ơi răng mi bẩn chi mà bẩn lắm rứa, vợ nó bỏ cũng phải”. Nguyễn Trọng Tạo chỉ cười, bảo rằng đó là cách “nói quá” của Nguyễn Quang Lập, thế mới gây được sự chú ý của mọi người. Ông còn “động viên” Nguyễn Quang Lập viết thế nào cứ in thế ấy, không phải đắn đo cân nhắc.

Thậm chí, Nguyễn Quang Lập “tung tin” Nguyễn Trọng Tạo lấy vợ thứ 4 (thực tế ông mới 2 lần cưới), ông cũng chỉ mủm mỉm cười, chả lấy đó làm phiền lòng. Chính bởi sự “dễ tính” ấy của đương sự mà giai thoại về Nguyễn Trọng Tạo càng ngày càng nảy nở. Trong giới, người ta từng gắn biệt danh là ông “Tạo 5 say”. Say văn, say nhạc, say đời, say họa thì phần trên đã nói. Còn cái say thứ 5, ấy là say rượu. Chính điểm này khiến cho chỗ nào có Nguyễn Trọng Tạo là nơi ấy rôm rả. Có lần, một bạn văn ra mắt sách ở quán cà phê, muốn giữ chân được Nguyễn Trọng Tạo ở lại lâu lâu phải… gọi ngay chai rượu. 

Giai thoại về mình nhiều, xấu có tốt có, vui có, buồn có nhưng Nguyễn Trọng Tạo chả cố gắng “thanh minh thanh nga”. Ông coi đó như một thứ gia vị, nếu điều ấy làm cho cuộc sống của mọi người vui hơn.