Nguyên nhân nào dẫn đến thanh, thiếu niên phạm tội?

ANTD.VN - Thanh, thiếu niên vi phạm pháp luật là một vấn đề đau lòng không chỉ đối với các gia đình có con em vi phạm pháp luật, mà cũng là nỗi trăn trở của toàn xã hội. Không lường trước những hậu quả mà mình gây ra, các thanh thiếu niên vi phạm pháp luật đã phải hối hận trong muộn màng. Nhưng đứng ở một góc độ khác để nhìn nhận, thì trẻ vị thành niên phạm tội vừa đáng trách nhưng cũng vừa đáng thương. Các em cũng chính là nạn nhân từ sự thiếu quan tâm, giáo dục không đúng cách từ gia đình và cộng đồng xã hội.

Tụ tập, dùng hung khí đe dọa người đi đường, hẹn nhau “xử lý” mâu thuẫn trên mạng xã hội của các đối tượng còn trong độ tuổi vị thành niên… là vấn đề khiến dư luận không khỏi lo lắng trong thời gian gần đây.

Các vụ án do các đối tượng trong lứa tuổi chưa thành niên gây ra đều là tự phát, chưa phát hiện các băng, ổ nhóm tội phạm hình sự do người chưa thành niên cầm đầu.

Chỉ tính riêng trong năm 2022, Công an Hà Nội đã xử lý hình sự gần 600 đối tượng thực hiện hành vi đi xe máy thành đoàn, mang theo hung khí, vũ khí đuổi đánh nhau trên đường, gây rối trật tự công cộng… Đáng báo động, trong các vụ việc này, rất nhiều đối tượng không xử lý vì chưa đủ tuổi truy cứu trách nhiệm hình sự.

Qua công tác phòng ngừa, đấu tranh với loại tội phạm này, lực lượng công an xác định đa số các vụ gây rối trật tự công công cộng có nhiều đối tượng, sử dụng hung khí xảy ra đều xuất phát từ những mâu thuẫn bột phát, mâu thuẫn thù tức cá nhân giữa các đối tượng. Phần lớn các đối tượng sử dụng mạng xã hội thách thức, tụ tập bạn bè để trả thù với số lượng đông, điều khiển xe máy mang theo các loại hung khí, hò hét, rú ga, bấm còi inh ỏi, gây mất trật tự công cộng trên đường phố. Khi gặp đối phương, các đối tượng dùng hung khí hỗn chiến làm nhiều đối tượng và thậm chí cả người dân đi ngang qua cũng bị thương.

Cũng theo đánh giá của lực lượng công an, nguyên nhân của các vụ việc nói trên là do sự phát triển và ngày càng phổ biến của Internet, mạng xã hội đã tác động, ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống xã hội; cùng với đó công tác phối hợp trong quản lý, giáo dục thế hệ trẻ, thanh thiếu niên trong gia đình, nhà trường, xã hội còn nhiều khó khăn.

Trước sự bồng bột, nhận thức không đầy đủ về hành vi cá nhân, lại không được quan tâm, chỉ dạy từ gia đình đã khiến nhiều trường hợp bị xử phạt hành chính, nhưng một số trường hợp vi phạm ở mức độ nghiêm trọng các em vẫn phải trả giá cho những hành động sai trái của mình và phải đứng trước sự trừng phạt của pháp luật.

Từ sự thiếu quan tâm, chăm sóc của gia đình, con trẻ thường dễ bị bạn bè xấu lôi kéo và chịu sự tác động tiêu cực của xã hội. Thực chất, các em đều mong muốn, khát khao được sống trong vòng tay trìu mến của mẹ, sự yêu thương của cha và người thân.

Ở lứa tuổi thanh thiếu niên... lẽ ra các em phải rèn luyện đạo đức, lối sống để trở thành những con người có ích cho xã hội, nhưng chỉ vì bồng bột và thiếu hiểu biết nên các em đã vi phạm pháp luật. Chỉ vì muốn đáp ứng được những nhu cầu cá nhân nên đã có những hành vi trái pháp luật, đi ngược với chuẩn mực xã hội. Các hình thức phạm tội ngày càng đa dạng, manh động, nguy hiểm, khiến dư luận không khỏi lo lắng. Tình trạng này đã ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự tại địa phương và gióng lên hồi chuông báo động về trách nhiệm của mỗi cá nhân, gia đình và xã hội trong việc chung tay phòng ngừa, góp phần đẩy lùi tội phạm ở lứa tuổi này.

Để góp phần ngăn chặn tình trạng đáng buồn này trách nhiệm là của toàn xã hội, nhưng trước hết bắt đầu từ gia đình. Hơn ai hết, cha mẹ không nên xem nhẹ việc giáo dục, quản lý con cái vì gia đình là điểm tựa vững chắc, là nơi cho con tình thương, dạy con những điều chuẩn mực, giúp con hình thành và phát triển nhân cách tốt, cách ứng xử với mỗi tình huống xảy ra trong cuộc sống hằng ngày và biết tự điều chỉnh hành vi, lối sống của bản thân để các em có cuộc sống lành mạnh và trở thành những con người có ích cho xã hội.