Người tiêu dùng đưa thông tin sai sự thật phải bồi thường

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Người tiêu dùng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về thông tin mà mình đưa ra, có trách nhiệm bồi thường nếu có thiệt hại xảy ra từ việc đưa thông tin sai sự thật. 

Báo cáo Giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) nhận thấy, dịch vụ công là dịch vụ thiết yếu. Do đó, việc cung cấp các dịch vụ công phải tuân thủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy trình thực hiện, bảo đảm quyền và trách nhiệm của bên cung cấp dịch vụ cũng như bên được cung cấp dịch vụ theo quy định của pháp luật.

Nhiều ý kiến đề nghị bổ sung một khoản tại Điều 5 quy định về nghĩa vụ theo hướng người tiêu dùng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về thông tin mà mình đưa ra, có trách nhiệm bồi thường nếu có thiệt hại xảy ra từ việc đưa thông tin sai sự thật.

UBTVQH nhận thấy, việc bổ sung quy định này sẽ góp phần phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức và giúp người tiêu dùng thực hiện tốt trách nhiệm, nghĩa vụ của mình đối với hoạt động mua, bán và sử dụng hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ.

Tiếp thu ý kiến ĐBQH, dự thảo Luật đã bổ sung khoản 5 Điều 5 về nghĩa vụ của người tiêu dùng, cụ thể: “Bảo đảm cung cấp chính xác, đầy đủ về các nội dung thông tin liên quan đến giao dịch giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh. Chịu trách nhiệm về việc cung cấp thông tin không chính xác hoặc không đầy đủ theo quy định của pháp luật”.

Về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (QLNTD) trong giao dịch trên không gian mạng, UBTVQH nhận thấy, bảo vệ QLNTD trong các giao dịch trên không gian mạng là bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp và việc thực thi trách nhiệm của các chủ thể liên quan đối với các giao dịch.

Dự thảo Luật đã có nhiều quy định cụ thể về bảo vệ QLNTD đối với các giao dịch giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh trên không gian mạng, như quy định về trách nhiệm chung; bổ sung, hoàn thiện nhiều nội dung và giải pháp để bảo vệ tốt hơn quyền lợi người tiêu dùng …

Người tiêu dùng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về thông tin mà mình đưa ra

Người tiêu dùng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về thông tin mà mình đưa ra

Ngoài ra, dự thảo Luật còn có các quy định về trách nhiệm bảo vệ thông tin của người tiêu dùng, giao kết, chấm dứt hợp đồng, tiếp nhận và xử lý khiếu nại…

Về thủ tục rút gọn để giải quyết vụ án dân sự về BVQLNTD, còn có 2 loại ý kiến khác nhau. Sau khi nghiên cứu ý kiến ĐBQH và thống nhất ý kiến với các cơ quan liên quan, UBTVQH lựa chọn một phương án quy định rõ về việc áp dụng thủ tục rút gọn để giải quyết vụ án dân sự về bảo vệ QLNTD.

Quy định như vậy tuy có thể làm gia tăng khối lượng công việc của hệ thống Tòa án nhưng sẽ bảo vệ tốt hơn quyền lợi người tiêu dùng và phù hợp với thông lệ quốc tế.

Có ý kiến đề nghị cân nhắc quy định điều kiện giá trị giao dịch dưới 100 triệu đồng trong thủ tục rút gọn; có ý kiến đề nghị bỏ quy định này vì các giao dịch mua bán hàng hóa tiêu dùng thông thường có giá trị lớn hơn 100 triệu đồng rất phổ biến, quy định như dự thảo sẽ khiến các giao dịch trên 100 triệu đồng không được áp dụng thủ tục rút gọn.

UBTVQH cho rằng, việc quy định điều kiện giao dịch dưới 100 triệu đồng trong thủ tục rút gọn được kế thừa từ Luật bảo vệ QLNTD hiện hành, bảo đảm phù hợp thực tiễn, kinh nghiệm quốc tế, đảm bảo tính khả thi.

Điều kiện “giá trị giao dịch dưới 100 triệu đồng” nhằm nhấn mạnh vào yếu tố đặc thù trong các vụ án tiêu dùng để làm căn cứ áp dụng thủ tục rút gọn trong lĩnh vực BVQLNTD.

Tuy nhiên, UBTVQH xin tiếp thu ý kiến ĐBQH để đảm bảo các giao dịch từ 100 triệu đồng trở lên vẫn có thể áp dụng thủ tục rút gọn quy định tại Bộ luật Tố tụng Dân sự.