- Giảm hơn 1,3 triệu đồng khi thay pin iPhone cũ bị chai pin, tắt nguồn đột ngột
- Ngày Quyền của người tiêu dùng: Không "thỏa hiệp" với sai phạm của doanh nghiệp
- Hà Nội: Nhiều hoạt động bảo vệ người tiêu dùng
- Luật sư có thể cho biết NTD có những quyền cơ bản nào?
Luật sư Nguyễn Thị Thu: Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010 quy định, NTD có các quyền: Được bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe, tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp khác khi tham gia giao dịch, sử dụng hàng hóa; Được cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ về tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ; nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa; được cung cấp hóa đơn, chứng từ, tài liệu liên quan; được lựa chọn hàng hóa, dịch vụ, tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ theo nhu cầu, điều kiện thực tế của mình.
Bên cạnh đó, NTD còn có quyền được góp ý kiến với tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ về giá cả, chất lượng hàng hóa, dịch vụ; yêu cầu bồi thường thiệt hại khi hàng hóa, dịch vụ không đúng tiêu chuẩn, chất lượng, số lượng, tính năng, công dụng, giá cả mà tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đã công bố; được khiếu nại, tố cáo, khởi kiện hoặc đề nghị tổ chức xã hội khởi kiện để bảo vệ quyền lợi của mình.
- Theo luật sư, đâu là quyền quan trọng nhất của NTD?
Luật sư Nguyễn Thị Thu: Theo tôi, tẩy chay là quyền lớn nhất của NTD. Mặc dù Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã có hiệu lực từ tháng 7-2011 song tình trạng NTD mua phải hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng...vẫn diễn ra khá phổ biến mà một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do chế tài xử phạt vẫn còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe.
Để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình, NTD cần sử dụng một trong những quyền quan trọng nhất, đó là quyền lựa chọn tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh và hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ. và với sản phẩm không đảm bảo chất lượng, NTD hoàn toàn có quyền tẩy chay, không sử dụng những sản phẩm, hàng hóa đó. Nếu có nhiều người cùng thực hiện quyền này đối với 1 sản phẩm, dịch vụ đồng nghĩa với việc sản phẩm đó không tiêu thụ được trên thị trường nên nhà cung cấp khó có thể tồn tại và đứng vững.
NTD được lựa chọn hàng hóa, dịch vụ và nhà cung cấp theo nhu cầu
- Hiện tượng NTD mua phải hàng giả, kém chất lượng vẫn xảy ra khá thường xuyên. Vậy theo luật, cách phổ biến nhất để phân biệt hàng thật – hàng giả hiện nay là gì?
Luật sư Nguyễn Thị Thu: Rất mừng là hiện đã có cách hữu hiệu để giúp việc phân biệt hàng thật, hàng giả khá dễ dàng, đó là thông qua dãy mã số - mã vạch được in trên mỗi sản phẩm.
Tất cả các loại hàng hóa lưu thông trên thị trường đều cần phải có mã vạch. Nếu như CMND giúp ta phân biệt người này với người khác thì mã vạch có vai trò như số “CMND” của hàng hoá. Mã vạch không phải do doanh nghiệp tự nghĩ ra mà phải đăng ký và được cấp phép bởi tổ chức mã số mã vạch GS1. Thông qua mã vạch, người tiêu dùng không chỉ phân biệt được hàng thật, hàng giả mà còn có thể biết được xuất xứ của sản phẩm.
- Một trong những nội dung quan trọng nhất được nhiều NTD quan tâm, họ sẽ phải làm gì nếu mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng?
Luật sư Nguyễn Thị Thu: Pháp luật nghiêm cấm hành vi lừa dối hoặc gây nhầm lẫn cho NTD. Điều 8 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng quy định, NTD có quyền khiếu nại, tố cáo, khởi kiện để bảo vệ quyền lợi của mình theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan. Tổ chức vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt vi phạm hành chính, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Như vậy, NTD khi mua phải hàng giả có quyền khởi kiện, yêu cầu bồi thường thiệt hại đối với tổ chức, cá nhân sản xuất, buôn bán hàng giả. Tùy theo tính chất, mức độ thiệt hại, bên bị khiếu nại, tố cáo, khởi kiện sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Để có căn cứ xử lý, khi mua nhầm hàng giả, kém chất lượng NTD nên giữ nguyên hiện trạng hàng hóa và các chứng cứ liên quan để có thể liên hệ người đã bán hàng cho mình yêu cầu đổi hàng hoặc hoàn trả tiền hoặc bồi thường. Nếu phát sinh tranh chấp, NTD cần làm đơn tố cáo kèm chứng cứ liên quan của hàng hóa đó cho cơ quan QLTT hoặc cơ quan công an nơi gần nhất để yêu cầu xử lý.
Ngoài ra, người tiêu dùng có thể đến các hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, khiếu nại tại Sở Công Thương tại các địa phương hoặc Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) để được tư vấn và xem xét giải quyết, thậm chí có thể khởi kiện ra tòa và trọng tài thương mại để xử lý.