- Nhiều sự kiện thiết thực trong Ngày Quyền của người tiêu dùng
- Doanh nghiệp phải coi người tiêu dùng là tài sản
Bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng sẽ mang lại uy tín cho doanh nghiệp
Ngày 31-1, Sở Công Thương Hà Nội đã thông tin về kế hoạch triển khai "Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam" năm 2018 của TP Hà Nội. Đây là năm thứ tám liên tiếp Hà Nội tổ chức chương trình này nhằm tuyên truyền, phổ biến quyền của người tiêu dùng, nâng cao trách nhiệm của người tiêu dùng và doanh nghiệp.
Vừa mua đã hỏng
Thường xuyên mua đồ qua mạng Internet, đa số gặp được đồ ưng ý nhưng cũng không ít lần, chị Nguyễn Thu Hiền (Nhân Chính - Thanh Xuân) nhận được hàng không như quảng cáo.
"Vừa rồi, do sửa chữa nhà đón Tết nên tôi mua 1 chiếc bếp từ đôi thay cho bếp ga của công ty H. , trị giá gần 9 triệu đồng. Sử dụng mới hơn 1 tháng, 1 bên bếp đã có dấu hiệu bị hỏng, thường xuyên báo không nhận xoong, tự khởi động lại và nhiệt rất ít.
Tôi gọi điện để công ty đến bảo hành thì công ty lần lữa, không cử người đến. Tôi vẫn chờ họ vì bếp còn hạn bảo hành, nhưng không biết chờ đến bao giờ"- chị Thu Hiền nói.
Theo người mua hàng này, mặc dù rất bức xúc trước thái độ và sự thiếu trách nhiệm của công ty H. xong chị chưa biết đòi quyền lợi như thế nào?
Là sinh viên báo chí, thường xuyên theo dõi tin tức hàng ngày xong Nguyễn Minh Vân (quê Phú Thọ) cũng ngạc nhiên khi đề cập đến quyền lợi của người tiêu dùng. Minh Vân cho biết: "Em ít xem tin tức liên quan đến quyền của người tiêu dùng. Có thể nhiều lần em đã bị xâm hại quyền lợi như: cân thiếu, mua hàng không đúng với quảng cáo nhưng lại xuề xòa nên nhanh quên, chẳng đòi quyền lợi ở đâu. Em sẽ tìm hiểu về vấn đề này để tuyên truyền đến mọi người cùng biết".
Mặc dù Luật Bảo vệ Quyền lợi người tiêu dùng đã ra đời nhiều năm và được tuyên truyền rộng rãi, nhưng "vấn đề sát sườn" với bất kỳ cá nhân nào lại chưa được quan tâm đúng mức.
Một bộ phận người tiêu dùng chưa biết nếu bị xâm phạm quyền lợi thì khiếu nại ở đâu, trong khi một bộ phận khác lại dễ dàng thỏa hiệp để tránh bị phiền phức. Bên cạnh đó, nhiều người tiêu dùng cũng chưa biết có quyền lợi và được pháp luật bảo vệ quyền lợi chính đáng.
Tuyên truyền đến đông đảo người dân
Sở Công Thương Hà Nội cho biết, năm nay, Hà Nội sẽ tiếp tục tổ chức chương trình "Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam" để tuyên truyền, phổ biến, thực thi văn bản pháp luật về Quyền của người tiêu dùng.
Theo đó, một trong những nội dung trọng tâm của chương trình là tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật, các quy định của Nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại các quận, huyện, doanh nghiệp, trường học trên địa bàn thành phố, từ tháng 4 tới tháng 7-2018.
Ông Nguyễn Thanh Hải cho biết: "Việc mở rộng đối tượng là học sinh tại các trường trung học cơ sở trên địa bàn với các tình huống, kiến thức thực tế để hình thành ý thức tự bảo vệ bản thân khi tiêu dùng".
Cũng theo ông Nguyễn Thanh Hải, bảo vệ người tiêu dùng góp phần thúc đẩy tiêu dùng, từ đó góp phần thúc đẩy sản xuất, phát triển kinh tế nên việc bảo vệ người tiêu dùng có vai trò rất quan trọng.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Hà Nội cũng tổ chức các hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trực tiếp. Cụ thể, từ ngày 16/3/2018 đến 22/3/2018, chương trình sẽ có 2 hoạt động lớn là: Tổ chức “Tuần tri ân doanh nghiệp vì người tiêu dùng” từ 16/3 - 22/3/2018 tại 60 điểm tri ân người tiêu dùng của các siêu thị, trung tâm thương mại, các hệ thống dịch vụ và cửa hàng cung ứng sản phẩm;
Tổ chức sự kiện “Ngày hội sản phẩm, hàng hóa vì người tiêu dùng” từ 16/3/2018 đến 18/3/2018 (Thứ 6 đến Chủ nhật) với 50 gian hàng của các doanh nghiệp, tổ chức kinh doanh, phân phối các sản phẩm, hàng hóa có nguồn gốc xuất xứ thuộc các lĩnh vực liên quan đến đời sống tiêu dùng như: Đồ gia dụng, thời trang, thực phẩm, sản phẩm tiêu dùng thiết yếu… chia làm 2 khu vực: Các gian hàng trưng bày thực phẩm có nguồn gốc Việt Nam bao gồm: nông sản, lâm sản, đặc sản vùng miền, thực phẩm chế biến… và các gian hàng trưng bày các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu có nguồn gốc, xuất xứ chính hãng: mặt hàng gia dụng, thời trang, điện tử, công nghệ…