Người Mỹ ngày càng quan tâm đến xe điện

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Giá xăng tăng, lo ngại về biến đổi khí hậu, đa dạng lựa chọn, giá thành thân thiện và nhiều hỗ trợ từ Chính phủ là những lý do khiến người tiêu dùng Mỹ ngày càng quan tâm đến xe điện hơn xe chạy bằng xăng.

Doanh số kỷ lục 1 triệu xe điện trong năm 2023

Theo báo cáo của Cơ quan bảo vệ môi trường (EPA), sản lượng xe điện, xe hybrid và xe chạy pin tại Mỹ đã tăng 7% trong năm 2022 và dự kiến sẽ tăng 12% trong năm 2023. Chỉ tính riêng trong quý II-2023, người tiêu dùng Mỹ đã mua gần 300.000 xe điện chạy bằng pin (BEV) mới, con số này còn cao hơn tổng số xe điện được bán ra trong cả năm 2019. Đó là chưa kể doanh số bán xe điện hybrid cắm điện (PHEV), loại xe có thể chạy bằng xăng hoặc điện và pin có thể được sạc lại bằng cáp sạc hoặc máy phát điện chạy bằng động cơ.

Dây chuyền lắp ráp của hãng xe Rivian ở Normal, bang Illinois, Mỹ

Dây chuyền lắp ráp của hãng xe Rivian ở Normal, bang Illinois, Mỹ

Kể từ năm 2016, doanh số bán xe điện ở Mỹ liên tục tăng, từ gần 65.000 xe bán ra trong năm 2017 lên hơn 800.000 chiếc vào năm 2022. Chỉ tính riêng trong 2 quý đầu năm 2023, hơn 557.000 BEV đã được bán. Theo một cuộc khảo sát của Cox Automotive công bố vào tháng 6-2023, hơn 50% số người tiêu dùng đang cân nhắc mua một chiếc BEV mới hoặc đã qua sử dụng trong năm tới, trong khi năm 2021, con số này chỉ ở mức 38%. Kết quả là doanh số bán xe chạy hoàn toàn bằng điện ở Mỹ sẽ lần đầu tiên phá vỡ ngưỡng 1 triệu xe trong năm 2023, đưa tổng số xe điện trên toàn nước Mỹ lên 4 triệu chiếc.

Người dân Mỹ ngày càng ưa xe điện bởi khả năng tiết kiệm chi phí toàn diện. Nhờ công nghệ mới, xe điện có chi phí vận hành không còn quá đắt so với xe chạy bằng xăng, bao gồm chi phí vận hành, nhiên liệu và sửa chữa. Công ty nghiên cứu thị trường J.D. Power đã công bố kết quả nghiên cứu đáng chú ý về chi phí sở hữu xe điện và xe xăng dầu cùng phân khúc. Cụ thể, chi phí sở hữu trung bình trong 5 năm đầu của một xe điện chỉ cao hơn 287 USD so với xe xăng dầu cùng phân khúc. Chẳng hạn, Mercedes-Benz EQB có chi phí sử dụng trong 5 năm khoảng 72.107 USD, trong khi một mẫu xe động cơ đốt trong tương ứng là 71.420 USD. Như vậy, mức chênh chỉ là 687 USD.

Đặc biệt, giá của pin lithium-ion đã giảm nhiều, qua đó giúp giảm chi phí sản xuất xe điện, khiến giá thành bán ra của xe điện tại Mỹ có tính cạnh tranh với xe động cơ đốt trong hơn. Theo Công ty phân tích năng lượng Benchmark Mineral Intelligence, một thập kỷ trước, pin lithium-ion có giá trung bình 668 USD/kWh. Đến tháng 3-2022, mức này giảm xuống còn 146,4 USD/kWh. Công ty báo cáo thị trường TrendForce dự đoán giá pin sẽ còn giảm trong năm nay, thúc đẩy sự giảm giá của xe điện. Phạm vi hoạt động của pin xe điện cũng được cải thiện. Hiện nay, số lượng các mẫu xe điện có phạm vi hoạt động ít nhất 300 dặm (483km) đã tăng từ 13 mẫu trong năm 2021 lên 51 mẫu trong năm 2023.

Thêm vào đó, theo Đạo luật giảm lạm phát (IRA), bắt đầu từ năm 2023, người mua ô tô điện ở Mỹ có thể nhận được khoản hỗ trợ lên tới 7.500 USD từ tín dụng thuế liên bang. Ngoài hỗ trợ liên bang, một số tiểu bang cũng cung cấp khoản ưu đãi bổ sung từ 1.000 đến 7.500 USD. Điều này khiến chi phí mua xe điện mới giảm đi khá nhiều so với trước, góp phần thúc đẩy doanh số bán xe điện.

Từ góc độ môi trường, xe điện không xả khí thải ra ngoài môi trường, giúp giảm ô nhiễm không khí cục bộ, đặc biệt ở những thành phố lớn đông dân cư. Động cơ điện lại vận hành êm ái, không gây tiếng ồn. Đây được coi là một giải pháp hữu hiệu để làm sạch chất lượng không khí, giảm ô nhiễm tiếng ồn, cải thiện chất lượng cuộc sống và sức khỏe của con người.

Tăng cường khả năng cạnh tranh của các hãng xe điện

Theo AutoForecast Solutions, hơn 90 mẫu xe ô tô điện mới dự kiến sẽ được chào bán trên thị trường Mỹ từ nay đến năm 2026. Mục tiêu của Mỹ là đưa xe điện chiếm ít nhất một nửa tổng doanh số bán ô tô mới ở Mỹ vào năm 2030. Để thúc đẩy mục tiêu này, Chính phủ Mỹ đã đưa ra nhiều biện pháp. Tháng 11-2021, Chính phủ Mỹ đã công bố mục tiêu đầy tham vọng là điện khí hóa 50% ô tô mới vào năm 2030. Trong kế hoạch đầu tư và phát triển cơ sở hạ tầng trị giá 2,65 nghìn tỷ USD của chính quyền Tổng thống Joe Biden, 174 tỷ USD sẽ được phân bổ để phát triển ngành công nghiệp xe điện của Mỹ và kêu gọi lắp đặt 500.000 cổng sạc để phục vụ nhu cầu của người dân. Hiện nay, số trạm sạc ở Mỹ là 50.000, trong khi ở Trung Quốc là 1,2 triệu.

Để thúc đẩy thị trường xe điện, một yếu tố quan trọng là nắm bắt công nghệ pin lithium-ion, thành phần nền tảng hiện cung cấp năng lượng cho hơn 15 tỷ thiết bị di động và 26 triệu xe điện trên toàn cầu. Việc lưu trữ bằng pin lithium-ion là công trình do các nhà khoa học xuất sắc vừa được trao Giải thưởng chính của VinFuture 2023 trị giá 3 triệu USD là GS Stanley Whittingham, GS Rachid Yazami, GS Akira Yoshino nghiên cứu phát triển. Sự ra đời của pin lithium-ion đã mở rộng cơ hội và phạm vi được tiếp cận năng lượng xanh và bền vững.

Tuy nhiên, hiện nay việc tinh chế các nguyên liệu sản xuất pin sạc đang do Trung Quốc “thống trị”. Với thành phần quan trọng của pin xe điện là lithium, lượng khai thác tại Mỹ chưa bằng 1/10 so với Trung Quốc. Trong nỗ lực cạnh tranh với Trung Quốc trong lĩnh vực này, tháng 8 năm ngoái, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký Đạo luật giảm lạm phát (IRA)với gói trợ cấp lên tới 370 tỷ USD dành riêng cho quá trình chuyển đổi năng lượng, bao gồm việc giảm thuế xe điện (EV) và pin năng lượng cho các công ty sản xuất trong nước. Mới đây, Bộ Năng lượng Mỹ còn lên kế hoạch cung cấp nguồn tài chính 12 tỷ USD cho các hãng xe để tăng cường năng lực sản xuất xe điện và xe lai điện xăng tại Mỹ. 3,5 tỷ USD trong số đó được dành cho việc phát triển pin xe điện nội địa để cạnh tranh với Trung Quốc, nước đang “thống trị” trong lĩnh vực này.

Tuy nhiên, để đủ điều kiện nhận được khoản tín dụng này, các hãng xe ô tô phải đảm bảo đáp ứng yêu cầu tỷ lệ % khoáng chất quan trọng trong pin năng lượng phải có nguồn gốc từ Mỹ, hoặc các quốc gia có hiệp định thương mại tự do (FTA) với Mỹ. Chẳng hạn, 50% cấu phần chiếc pin xe điện phải được khai thác nguyên liệu và sản xuất tại Mỹ hoặc tại các quốc gia đối tác FTA với Mỹ. Đến năm 2029, yêu cầu này sẽ là 100% cấu phần pin xe điện.

Những ưu đãi này được hy vọng sẽ thúc đẩy doanh nghiệp Mỹ quay trở lại quê hương và thu hút các công ty nước ngoài đến Mỹ đầu tư trong lĩnh vực công nghệ xanh, tạo ra làn sóng xây dựng nhà máy ô tô mới và pin tại Mỹ, chủ yếu ở các bang miền Nam. Đồng thời nó cũng ngăn các hãng xe sa thải thêm nhân sự và giảm đi những hoạt động không phục vụ cho tương lai của việc sản xuất xe điện.

Các đối nước ngoài cũng tăng cường đầu tư vào Mỹ để được hưởng ưu đãi. Nhiều công ty Hàn Quốc đã thiết lập quan hệ đối tác với các công ty Mỹ để xây dựng dây chuyền lắp ráp đáp ứng các yêu cầu của IRA, chẳng hạn như liên doanh sản xuất pin EV của Samsung SDI với General Motors. Nhà sản xuất ô tô Toyota của Nhật Bản cũng đã thông báo sẽ mở rộng nhà máy sản xuất pin cho xe điện ở bang North Carolina với tổng vốn đầu tư 13,9 tỷ USD, tăng so với mức 5,9 tỷ USD được công bố lần đầu vào tháng 12-2021, tạo ra việc làm cho hơn 5.000 nhân viên.