Người lao động trực tiếp khó làm việc đến tuổi nghỉ hưu

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Theo ông Tạ Văn Dưỡng, Trưởng ban Chính sách pháp luật và Quan hệ lao động, Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội, đa phần công nhân trực tiếp thường khó làm việc đến khi đủ tuổi nghỉ hưu, thậm chí chỉ cần đến độ tuổi 45, nhiều người lao động gặp khó khăn khi phải làm việc với cường độ cao.
Tuổi nghỉ hưu không thực hiện tăng ngay mà điều chỉnh theo lộ trình
Tuổi nghỉ hưu không thực hiện tăng ngay mà điều chỉnh theo lộ trình

Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội, cho biết qua ghi nhận ý kiến của người lao động liên quan đến dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) thì công nhân lao động sản xuất trực tiếp ở các doanh nghiệp mong muốn được giảm tuổi nghỉ hưu so với quy định hiện hành.

Hiện nay, Bộ luật Lao động năm 2019 quy định việc điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu theo lộ trình mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với lao động nam cho đến khi đủ 62 tuổi, và thêm 4 tháng đối với lao động nữ đến khi đủ 60 tuổi.

Tuy nhiên, trên thực tế đa phần công nhân trực tiếp thường khó làm việc đến khi đủ tuổi nghỉ hưu, thậm chí chỉ cần đến độ tuổi 45, nhiều người lao động gặp khó khăn khi phải làm việc với cường độ lớn, cần độ chính xác cao trong các dây chuyền sản xuất công nghiệp.

Qua khảo sát của công đoàn, một số doanh nghiệp cũng mong muốn cho người lao động được nghỉ hưu sớm, bởi những lao động lớn tuổi khi làm việc trong các dây chuyền có thể không theo kịp tiến độ, năng suất không được đáp ứng, trong khi đó, thu nhập, tiền lương của họ thường cao hơn nhóm lao động trẻ.

Về nội dung này, Trưởng ban Chính sách pháp luật và quan hệ lao động, Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội Tạ Văn Dưỡng cho hay, lao động lớn tuổi cũng thường là đối tượng mà các doanh nghiệp “nhắm” đến đầu tiên khi quyết định cắt giảm lao động, thậm chí có thể coi đây là “luật bất thành văn”.

Thực tế đã có trường hợp doanh nghiệp muốn sa thải những lao động trên 35 tuổi để tuyển dụng những lao động trẻ vào dây chuyền sản xuất.

Quy định về cắt giảm lao động hiện nay khá đơn giản, chỉ cần một đề án sắp xếp lại sản xuất là doanh nghiệp có thể cắt giảm hàng nghìn công nhân và nhóm đầu tiên họ nhắm đến luôn là lao động lớn tuổi.

Đại diện Công đoàn Hà Nội cho rằng đây rất có thể là kẽ hở để một số doanh nghiệp “lách luật”, vì vậy, khi doanh nghiệp có thông báo cắt giảm lao động, cần xem xét nắm tình hình cụ thể, ngoài các yếu tố do khó khăn chung, suy thoái dẫn đến thiếu đơn hàng.

Đây là nội dung cần quan tâm trong vấn đề quản lý nhà nước để các doanh nghiệp không lợi dụng quy định về cắt giảm lao động, đơn phương chấm dứt hợp đồng nhằm sa thải lao động lớn tuổi khi họ không đáp ứng được yêu cầu và năng suất lao động của doanh nghiệp”, ông Tạ Văn Dưỡng nêu quan điểm.

Ngoài đề xuất nêu trên, ông Tạ Văn Dưỡng cho rằng nên phân loại nhóm lao động trực tiếp và một số khu vực sản xuất được nghỉ hưu sớm, công đoàn Hà Nội cũng kiến nghị xem xét đưa giáo viên mầm non vào nhóm nghề nặng nhọc, độc hại để họ được hưởng chính sách nghỉ hưu sớm 5 năm so với quy định hiện hành.

Trước đó, Bộ LĐ-TB&XH đã có công văn trả lời cử tri liên quan đến kiến nghị xem xét giảm tuổi nghỉ hưu với lao động trực tiếp.

Dưới góc độ quản lý nhà nước, Bộ này cho hay, chế độ hưu trí hay được gọi là chế độ tuổi già là một trong các chế độ của chính sách bảo hiểm xã hội nhằm đảm bảo nguồn thu nhập hàng tháng cho người lao động khi đến tuổi nghỉ hưu.

Theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, người lao động để được hưởng lương hưu hàng tháng phải đáp ứng đồng thời hai điều kiện về tuổi đời và điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội.

Điều này nhằm đảm bảo hài hòa, cân đối giữa thời gian đóng góp và thời gian thụ hưởng chế độ bảo hiểm xã hội của người lao động, từ đó đảm bảo cân đối và bền vững lâu dài của quỹ.

Tuổi nghỉ hưu đã được thảo luận, thống nhất thông qua tại Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018. Thể chế hóa chủ trương tăng tuổi nghỉ hưu tại Nghị quyết số 28-NQ/TW, Quốc hội đã thống nhất ban hành Bộ luật Lao động năm 2019. Điều 169 và Điều 219 của Bộ luật quy định về tuổi nghỉ hưu, điều kiện về tuổi hưởng lương hưu.

Quy định điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu hay điều kiện về tuổi hưởng lương hưu của người lao động không thực hiện tăng ngay lên 62 tuổi đối với nam và 60 tuổi đối với nữ mà được điều chỉnh theo lộ trình mỗi năm chỉ tăng thêm 3 tháng đối với lao động nam và 4 tháng đối với lao động nữ.

Bên cạnh đó, việc tăng tuổi nghỉ hưu cũng đã xem xét tính đến các yếu tố về tính chất, loại hình lao động và sức khỏe của người lao động, đối với những người lao động làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn hoặc những người lao động sức khỏe yếu (bị suy giảm khả năng lao động).

Những ngành nghề trên cũng có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn so với người làm việc trong điều kiện lao động bình thường 5 tuổi hoặc 10 tuổi tùy từng trường hợp.