Người hùng bị lãng quên của thế kỷ 20

ANTD.VN - Roberto Kozark là “người hùng” làm nên một trong những câu chuyện vĩ đại nhất của thế kỷ 20 mà rất ít người biết đến. Đó là câu chuyện về một người đàn ông đã dũng cảm cứu mạng hàng chục nghìn người...

Ông Roberto Kozak (phải) đưa bác sĩ người Anh Sheila Cassidy đến sân bay để ra khỏi Chile năm 1975

Cuộc đảo chính ngày 11- 9-1973 đã lật đổ chính quyền của Tổng thống Chile Salvador Allende. Sau đó chính quyền quân sự của tướng Augusto Pinochet tuyên bố chịu trách nhiệm cho vụ đảo chính này. Chính quyền Pinochet đã ngay lập tức dùng các nhà kho, thậm chí cả sân vận động bóng đá làm nơi giam giữ những người cộng sản, sinh viên, nhà báo, nhạc sĩ, tu sĩ... bất kỳ ai bị nghi ngờ liên quan đến việc tổ chức phản đối cuộc đảo chính.

Từ năm 1973 đến 1978, khoảng 70.000 người đã bị bắt, trong đó 30.000 người bị tra tấn và khoảng 3.500 người bị giết hại hoặc tự nhiên “biến mất”. Trước tình cảnh đó, Roberto Kozark lẽ ra có thể im lặng nhưng ông đã không làm như vậy. 

Người giải cứu hàng chục nghìn tù nhân

Nhờ công việc với Tổ chức Di cư quốc tế khi đó là ICEM, Kozak và những nhà ngoại giao từ các nước khác đã giúp khoảng 25.000 đến 30.0000 tù nhân ở Chile trốn thoát và tìm nơi an toàn ở nước ngoài.

Trong hơn một thập kỷ, Kozak đã tìm cách gần gũi các chính trị gia, nhân vật cao cấp trong quân đội, các quan chức và các thành viên mật vụ. Ông hợp tác với các nhà ngoại giao và các tổ chức bảo vệ nhân quyền để chia sẻ danh sách những người đang bị giam giữ. Kozak còn cố gắng đến thăm một số trại giam để gặp tù nhân. Bằng tài năng, lòng dũng cảm, qua các cuộc đàm phán căng thẳng… ông đã giúp rất nhiều người được tự do.

Cũng đã có lần quân lính của Pinochet ập vào văn phòng của Kozak vì nghi ngờ rằng nơi đây giấu tiền. Nhân viên của Kozak rất sợ hãi và tưởng rằng ông sẽ phải chết. Thế nhưng rất bình tĩnh, Kozak khăng khăng rằng ông không có súng và nhiều tiền nên đã được thả.

“Người hùng” thầm lặng

Roberto Kozak sinh ngày 14-5-1942 tại một làng quê ở đông bắc Argentina. Năm 1968 ông đọc được thông tin tuyển dụng của ICEM tại Argentina. ICEM được thành lập năm 1951 để giúp người phải sơ tán do Chiến tranh thế giới thứ hai, sau này trở thành một tổ chức quốc tế với 165 quốc gia thành viên và hoạt động dưới sự điều phối của Liên hợp quốc. Sau thời gian được đào tạo ngành ngoại giao ở Đức và học tiếng Anh ở Anh, năm 1972 Kozak về làm việc tại văn phòng của ICEM tại Chile.

Đối với nhân viên của mình, Kozak luôn là người vô cùng điềm đạm. Một nhân viên của ông tên là Infante kể rằng, trong phòng nóng bức, mọi người đều toát mồ hôi khi xem xét các hồ sơ nhưng Kozak, dù mặc áo khoác, thắt cà vạt nhưng vẫn “nguội lạnh” và dặn mọi người phải cẩn thận đối với những hồ sơ này, vì chúng là mạng sống của con người.

Dù có công rất lớn trong việc cứu mạng cho rất nhiều người nhưng khi qua đời vào tháng 9-2015, thế giới gần như vẫn rất ít người biết về Roberto Kozak hay di sản đặc biệt mà ông để lại.

Một trong những nhà ngoại giao của Italia ở Chile là Emilio Barbarani là người rất gần gũi với Kozak. Ông kể rằng, ông Kozak thường kết bạn với các nhân vật cao cấp trong chính quyền Pinochet, lấy lòng họ để có thể thả tù nhân ra. Khi thả tù nhân, ông phải tổ chức để họ đi ra nước ngoài bằng cách thuyết phục các đại sứ quán cấp hộ chiếu hay thị thực, rồi có khi phải cho họ ở trong văn phòng của mình hoặc nhà riêng để đảm bảo họ không bị bắt lại.

Barbarani cho rằng,  lẽ ra ông Kozak không cần phải mạo hiểm nhưng ông vẫn bất chấp nguy hiểm để có thể giải cứu được càng nhiều người càng tốt. Kozak có 2 vợ và 3 người con. Ông thậm chí không nói với các con về việc làm của mình cho tới khi họ tham gia lễ khai mạc của viện bảo tàng Museo de la Memoria của Chile ở Santigo vào năm 2010. Các con ông đã rất ngạc nhiên khi biết những gì cha mình đã làm.