Người chiến sĩ công an ấp ủ ước mơ trở thành thầy thuốc Đông y

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Với bài thuốc bí truyền của ông ngoại, Trung tá Vũ Đức Thuận - cán bộ CAP Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) đã trở thành “thầy lang” của bạn bè, đồng đội và cả người dân nơi anh sinh sống, làm việc.

Sự kết nối đầu tiên

Không may bị tổn thương bao khớp ngón tay út trong một vụ tai nạn, tôi đã không thể co duỗi hoặc nắm bàn tay phải như bình thường. Cô bạn đồng nghiệp trong một lần “lướt mạng” đã xem được clip một cán bộ công an nắn thành công trường hợp bệnh nhân hệt như tôi, và tôi đã tìm đến anh như một cứu cánh.

Trung tá Vũ Đức Thuận kiểm tra cánh tay bị thương cho chính tác giả

Trung tá Vũ Đức Thuận kiểm tra cánh tay bị thương cho chính tác giả

Với lọ thuốc nhỏ và những bài tập xoa bóp, nắn thẳng, cứ cách ngày tôi lại đến gặp Trung tá Vũ Đức Thuận - cán bộ CAP Mỹ Đình 2. Chỉ tiếc là thời điểm tôi gặp anh đã quá lâu sau vụ tai nạn, ngón tay út tuy vẫn cử động được, song không thể nắm chặt như cũ. Từ những câu chuyện góp nhặt trong lúc anh tranh thủ chữa bệnh, tôi đã biết sự kết nối đầu tiên khiến anh trở thành một người có “nghề tay trái” khá đặc biệt. Đó là chuyện của hàng chục năm về trước, cậu bé Vũ Đức Thuận mới chỉ có 9 tuổi nhưng chẳng thích nô đùa cùng chúng bạn mà chỉ quanh quẩn bên ông ngoại (vốn là một thầy lang có tiếng ở làng) để hít hà thứ mùi thơm bốc ra từ những thang thuốc được làm từ cây cối trong vườn.

Tuổi trưởng thành, theo nghiệp cha, anh lựa chọn cho mình con đường trở thành người chiến sỹ công an. Trải qua nhiều vị trí công tác khác nhau, nhưng anh vẫn vấn vương với nghề thuốc Đông y gia truyền. Ông ngoại cũng nhận ra tố chất của cháu nên đã quyết tâm truyền nghề. “Gia đình tôi đông anh chị em, nhưng chẳng ai chuyên tâm với nghề thuốc của ông ngoại. Nhận thấy tố chất của tôi từ khi tôi đang học sinh lớp 9, ông dạy cho từng vị thuốc và từ đó tôi cảm thấy nó vô cùng thân thuộc” - Trung tá Vũ Đức Thuận chia sẻ.

Khi anh cảnh sát trở thành lương y

Bệnh nhân chính thức đầu tiên của Trung tá Vũ Đức Thuận chính là những đồng đội công tác cùng đơn vị năm 2018. Còn trước đó, những đứa trẻ cùng làng nhỡ có nô đùa, đá bóng, chạy nhảy mà không may trật khớp cũng được “thầy lang” Thuận chẩn bệnh và chữa khỏi.

44 năm tuổi đời, hơn 20 năm tuổi nghề và cũng 30 năm anh gắn bó với bài thuốc của ông ngoại, nhận trách nhiệm với người bệnh, anh luôn quan tâm nhắn tin thăm hỏi, động viên trong suốt quá trình chữa bệnh. Khi bệnh nhân gặp sự cố, anh cố gắng tìm giải pháp khắc phục để người bệnh yên tâm. Anh chủ động hướng dẫn bệnh nhân đi bệnh viện thực hiện các biện pháp kỹ thuật để hỗ trợ trong điều trị.

Trung tá Vũ Đức Thuận chia sẻ, trong suốt quãng đời binh nghiệp của mình, anh chủ yếu làm nhiệm vụ của người cảnh sát trật tự. Do điều khiển giao thông nên anh và đồng đội nhiều người bị mắc các bệnh về cổ, vai, gáy hay cổ tay, cổ chân, xương khớp. Trong khi đó, bài thuốc của gia đình anh lại chuyên về xương khớp. Chưa được đào tạo bài bản chính thức về Đông y và có chứng chỉ hành nghề nên Trung tá Vũ Đức Thuận vẫn tự nhận mình là “thầy lang vườn” và chỉ chữa cho những trường hợp bạn bè quen biết. “Hầu hết là đồng đội, bạn học và mình biết đến đâu thì chữa đến đó. Giúp người như một việc làm tích phúc đức, không màng đến công xá” - anh Thuận chia sẻ.

Tết Nguyên đán vừa qua, Trung tá Vũ Đức Thuận đã là cầu nối của các nhà hảo tâm gửi quà Tết đến những hoàn cảnh khó khăn lang thang tại Bến xe Mỹ Đình

Tết Nguyên đán vừa qua, Trung tá Vũ Đức Thuận đã là cầu nối của các nhà hảo tâm gửi quà Tết đến những hoàn cảnh khó khăn lang thang tại Bến xe Mỹ Đình

Anh kể, có lần một phụ nữ bị tai nạn ngay tại Bến xe Mỹ Đình đúng lúc anh đang trực chốt. Anh đã giúp chị bóp chân và bó lại bằng thứ thuốc gia truyền của gia đình, ấy vậy mà thuyên giảm. Về sau khi đã khỏi hẳn, hai vợ chồng chị đưa nhau đến cảm ơn và ngỏ ý muốn mua lại công thức bài thuốc gia truyền của anh. Lúc này, Trung tá Vũ Đức Thuận mới vỡ lẽ, hóa ra chồng của người phụ nữ ấy cũng đang đi học bấm huyệt Đông y.

“Họ không chuyên, chẳng biết cách bấm hay xoa mà lại muốn mua công thức thuốc để về thu tiền của bệnh nhân thì đó là điều tôi không muốn. Tôi chỉ có thể chia sẻ công thức cho những người hành nghề Đông y chuyên về lĩnh vực này, bởi lợi ích của bệnh nhân phải đặt ở mức cao nhất. Vì thế nên nhiều lần người chồng đặt vấn đề, tôi đều không đồng ý bán” - anh Thuận bày tỏ.

Công việc thường ngày của Trung tá Vũ Đức Thuận là trực tại Bến xe Mỹ Đình. Mỗi ngày anh tiếp xúc với rất nhiều cảnh đời khác nhau. Trong căn phòng nhỏ - nơi cán bộ, chiến sỹ tổ công tác nghỉ ngơi sau mỗi ca làm việc - anh để một chiếc giường gấp để nếu bất ngờ có ai người bị giãn dây chằng, rạn xương hay thoát vị đĩa đệm thì anh có thể cấp cứu ngay tức khắc. Đó có thể là những người đồng đội ngay trong chính tổ công tác, các cán bộ, chiến sĩ CAQ Nam Từ Liêm, mấy người bán hàng xung quanh bến xe, thậm chí có cô giáo từ Thái Nguyên bị tai nạn xe máy cũng tìm đến ông “thầy lang” Vũ Đức Thuận. Có người ở tỉnh xa về phải thuê nhà nghỉ ở lại để chờ đắp thuốc nhưng họ vẫn kiên trì. Anh còn “điều khiển từ xa” giúp rất nhiều bệnh nhân ở các tỉnh nhận thuốc và tự điều trị theo hướng dẫn.

Tranh thủ những lúc hết ca trực, Trung tá Vũ Đức Thuận lại giúp đỡ chăm sóc sức khỏe cho người dân

Tranh thủ những lúc hết ca trực, Trung tá Vũ Đức Thuận lại giúp đỡ chăm sóc sức khỏe cho người dân

Học để nuôi dưỡng ước mơ

Chia sẻ với tôi, Trung tá Vũ Đức Thuận cho biết, anh đang sắp xếp thời gian để theo học một lớp y học cổ truyền chính quy. Trong gia đình anh hiện đã có cô cháu gái cũng theo nghề, là sinh viên Đại học Y học cổ truyền. 44 năm tuổi đời, hơn 20 năm tuổi nghề và cũng 30 năm anh gắn bó với bài thuốc của ông ngoại, nhận trách nhiệm với người bệnh, anh luôn quan tâm nhắn tin thăm hỏi, động viên trong suốt quá trình chữa bệnh. Khi bệnh nhân gặp sự cố, anh cố gắng tìm giải pháp khắc phục để người bệnh yên tâm. Anh chủ động hướng dẫn bệnh nhân đi bệnh viện thực hiện các biện pháp kỹ thuật để hỗ trợ trong điều trị.

Say mê Đông y, nhưng Trung tá Vũ Đức Thuận cũng dành thời gian nghiên cứu Tây y, tìm hiểu các biện pháp hữu hiệu để hỗ trợ thuốc Đông y gia truyền của gia đình phát huy tác dụng. Cứ rảnh rỗi là anh giúp bệnh nhân thoát khỏi những cơn đau xương khớp, những cơn mất ngủ triền miên. Vẫn luôn tự nhủ mình không phải thầy lang, chỉ là người biết một chút về nghề thuốc, anh không nề hà ngày hay đêm, thậm chí đến tận nhà bệnh nhân để làm phúc giúp người. Anh đã nhận được sự cảm ơn của hàng trăm người và đó là động lực để anh tiếp tục theo đuổi ước mơ trở thành thầy thuốc.

Tin cùng chuyên mục