Tôi đang viết về hình ảnh đẹp của người chiến sĩ Công an nhân dân

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - “Làm thế nào để khai thác những việc làm tốt, hình ảnh đẹp của cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân lan tỏa đến với độc giả?” - Đó có lẽ luôn là câu hỏi khó với bản thân tôi nói riêng và với những người làm báo trong lực lượng Công an nhân dân nói chung.

Những ngày đầu bỡ ngỡ...

Không phải là sinh viên được đào tạo chính quy, tôi đến với nghề báo thật ngẫu nhiên, như một “duyên nợ”. Ngày ấy, khi nhận quyết định phân công làm việc tại Báo An ninh Thủ đô, tôi còn nghi ngờ liệu có sự nhầm lẫn!!! Trong tâm thức của cô gái trẻ khi đó, nghề báo còn rất lạ lẫm bởi từ nhỏ đến lúc chính thức bước chân vào môi trường báo chí, tôi chưa từng viết báo, báo chí với tôi lúc bấy giờ là những tin tức thời sự trên truyền hình hay tin tức giải trí liên quan đến đời sống của các nghệ sĩ tại những trang tin mà sau này tôi mới biết đó không phải là một tờ báo. Bình tĩnh lại, tôi nghĩ: “An ninh Thủ đô là tờ báo của Công an Hà Nội thì chắc sẽ thông tin về an ninh, trật tự, các vụ án, điều tra, hay tin tức liên quan đến pháp luật, hình sự… có lẽ, với đứa học Luật như mình chắc cũng là phù hợp”.

Tuy vậy, khi bắt tay vào công việc tôi không khỏi bỡ ngỡ và gặp không ít khó khăn trong việc xử lý thông tin, cách thể hiện tin, bài. Công tác tuyên truyền trong lực lượng báo chí Công an nhân dân có một đặc thù rất riêng, ngoài phản ánh lĩnh vực của đời sống xã hội thì cần phải tập trung phản ánh các mặt hoạt động của ngành, trong đó tập trung khai thác những việc làm, hình ảnh đẹp của lực lượng Công an để lan tỏa đến với bạn đọc, độc giả là một nhiệm vụ quan trọng.

Công an huyện Ứng Hòa (Hà Nội) giúp người dân thu hoạch nông sản trong thời gian nơi đây bị phong tỏa do dịch Covid-19

Công an huyện Ứng Hòa (Hà Nội) giúp người dân thu hoạch nông sản trong thời gian nơi đây bị phong tỏa do dịch Covid-19

Trong gần chục năm làm nghề, kỷ niệm hay những vấp váp khi tác nghiệp kể ra thì nhiều, nhưng với tôi, kỷ niệm khó quên nhất có lẽ là chuyến công tác cùng Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, CATP Hà Nội. Tôi vẫn nhớ, một ngày giữa tháng 5-2015, khi mới chân ướt, chân ráo về công tác tại Báo An ninh Thủ đô, đang tập làm quen với cách làm việc của tờ báo thì được cử đi công tác cùng Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy. Thực chất, đây là một hành trình về nguồn, trao quà từ thiện và giao lưu trao đổi kinh nghiệm với Công an tỉnh Thái Nguyên. Đối với những phóng viên có kinh nghiệm, ai cũng hiểu rằng, chuyến công tác này là dễ nhất trong các chuyến công tác. Nhưng với tôi thì không!

Nhận nhiệm vụ được giao là vừa viết bài cho báo giấy, vừa làm tin cho báo điện tử, bản thân khá lo lắng, vì đây là lần đầu tiên đi công tác xa, một mình phải tác nghiệp. Tuy nhiên, sự lo lắng nhanh chóng qua đi khi tôi được tiếp xúc cùng những người lính can trường trên mặt trận đấu tranh phòng, chống ma túy.

Các em học sinh trường Tiểu học Kim Phượng (huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên) đang nghe nữ cán bộ Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, CATP Hà Nội kể chuyện

Các em học sinh trường Tiểu học Kim Phượng (huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên) đang nghe nữ cán bộ Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, CATP Hà Nội kể chuyện

Những trải nghiệm đáng nhớ

Có lẽ ai cũng biết rằng, chiến sĩ Cảnh sát phòng chống tội phạm ma túy quanh năm mật phục, truy bắt, ngày ngày đối mặt với những tên tội phạm gian manh, sừng sỏ, đối diện trước đủ loại vũ khí “nóng”, “lạnh”, và cả những “viên đạn bọc đường”, nhiều khi sự nguy hiểm còn đe dọa đến cả gia đình, người thân. Buôn ma túy là siêu lợi nhuận, khi bị phát hiện, bắt giữ, các đối tượng thường nhận bản án chung thân hoặc tử hình nên khi chạm mặt với lực lượng truy bắt, chúng sẽ điên cuồng chống trả. Bởi vậy cuộc chiến chống tội phạm ma túy luôn là cuộc chiến cam go, khốc liệt.

Nhưng qua những tin bài được phản ánh về hành trình từ thiện này, độc giả còn thấy được những mặt bình dị của những người chiến sĩ chống ma túy, tình yêu thương của họ đối với những người có hoàn cảnh khó khăn ở vùng sâu, vùng xa. Tôi còn nhớ mãi hình ảnh của những cán bộ, chiến sĩ khi trao quà cho các em nhỏ tại trường Tiểu học Kim Phượng (huyện Định Hóa, Thái Nguyên) khi đó. Những ánh mắt hồn nhiên ngây thơ đáp lại tình cảm của những chiến sĩ Công an Thủ đô.

Các cháu học sinh rất yêu mến các cô, các chú Công an, các cháu đến từ rất sớm và chơi đùa vui vẻ cùng các cô, các chú; có nhiều em chia sẻ sau này muốn trở thành công an để bắt kẻ xấu. Khi nhận được những phần quà do cán bộ, chiến sĩ Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy trao tặng, bé Nguyễn Minh Ngọc (học sinh lớp 3A) xúc động nói: “Con rất vui khi nhận được quà. Con cảm ơn các cô, chú đã hát cho con nghe, tặng quà cho con và các bạn”.

Phóng viên Phạm Phương

Phóng viên Phạm Phương

Chia sẻ riêng với tôi trên đường di chuyển, Thượng tá Vũ Khang, khi đó là Phó trưởng Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, CATP Hà Nội bày tỏ: “Những món quà trao đi tuy nhỏ nhưng gửi gắm trong đó là tình cảm của các cán bộ, chiến sĩ Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy. Việc tổ chức những hoạt động từ thiện hay những hoạt động vì cộng đồng với những cán bộ, chiến sĩ phòng, chống tội phạm ma túy khá khó khăn. Do đặc thù công việc, nên sắp xếp được thời gian đã khó, việc bố trí sắp xếp cán bộ còn khó hơn vì ai cũng muốn tham gia mà lính đánh án ma túy thường phải giữ bí mật về hình ảnh, đặc biệt là trinh sát. Vì vậy, việc lan tỏa những hình ảnh đẹp của chúng tôi không phải dễ dàng”.

Đến bây giờ, tôi không thể nhớ hết những tin, bài mình đã viết, những kỷ niệm khi tác nghiệp. Nhưng với tôi, chuyến công tác cùng Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy đã giúp tôi có những trải nghiệm đáng nhớ, trưởng thành hơn về chuyên môn nghiệp vụ. Tôi cũng học được rằng, không phải những gì mình biết, được nghe kể về nghiệp vụ cũng có thể tường minh trên mặt báo; trong những tình huống cụ thể phải làm sao lan tỏa được hình ảnh đẹp, gần gũi, thân thiện của người cán bộ chiến sĩ Công an đến với nhân dân.