Người bán hàng than thở vì chuyển phát "nghỉ Tết" sớm |
Chị H. Yến (chuyên kinh doanh quần áo online) cho biết: “Chưa năm nào tôi nghỉ Tết sớm như năm nay. Hàng thì còn dư nhiều nhưng chuyển phát gần như tắc nghẽn. Đặt đơn giao hàng tiết kiệm thì không có ai lấy, giao hàng nhanh tạo đơn đều báo khu vực quá tải, Viettel tạo đơn đến phần địa chỉ khách hàng thì báo “phiên đăng nhập hết hạn”, đơn vị vận chuyển khác cũng “biến hình”. Bán hàng chỉ trông chờ vào mùa Tết để thu hồi vốn nhưng giờ không nghỉ cũng không thể làm gì hơn”.
Cùng chung nhận định này, chị Ngọc Vân (chuyên bán các loại hạt ngũ cốc online) cũng cho hay: “Từ vài ngày trước hàng đã có dấu hiệu đi chậm nên tôi không nhận đơn nữa. Bán hàng online giờ phát triển, Tết nhu cầu càng cao mà chuyển phát lại ì ạch, không đáp ứng được khiến cả người bán và người mua đều bực bội. Những năm trước ship liên tỉnh còn nhận đơn đến 25 Âm lịch”.
Phản ánh từ nhiều hội nhóm bán hàng trực tuyến cũng cho biết, các đơn hàng chuyển phát tại miền Bắc hay trong nội tỉnh, nội thành dù phát chậm nhưng vẫn còn đi được, trong khi các đơn hàng toàn quốc gần như tê liệt. Nhiều người còn hàng tồn, hàng dư đợi bán dịp cuối năm nhưng giờ không có cách nào xả hàng, thanh lý được.
Từ ngày 29-1, trên mạng xã hội lan truyền thông tin nhân viên của giao hàng tiết kiệm đình công dẫn tới hàng hóa của đơn vị chuyển phát này ùn tắc. Giao hàng tiết kiệm sau đó đã có thông tin khẳng định không có chuyện đình công mà do quá nhiều đơn, có dấu hiệu quá tải nên chuyển phát bị ảnh hưởng.
Dù vậy, nhiều người bán hàng cho rằng, chuyển phát chưa đáp ứng được sự phát triển của thương mại điện tử. Theo thông lệ, gần Tết nhu cầu khách hàng tăng cao, chuyển phát cũng bước vào đợt cao điểm nhưng các công ty lại không chuẩn bị kỹ lưỡng.
Khi một doanh nghiệp có dấu hiệu ùn tắc hàng hóa, hàng được chuyển sang đơn vị khác, gây ra ách tắc dây chuyền, ảnh hưởng lớn đến việc kinh doanh dịp cuối năm cũng như nhu cầu của khách mua không được đáp ứng.