Ngôn ngữ của giới trẻ: Bóp méo tiếng Việt

(ANTĐ) - Thời gian gần đây, không ít người vò đầu bứt tai khi đọc được những dòng thư điện tử, tin nhắn, thậm chí là trên những trang nhật ký cá nhân trực tuyến (blog) của những bạn trẻ khi họ say sưa chế biến và sử dụng “ngôn ngữ” bằng cách lai ghép, thay thế vô lối từ ngữ tiếng Việt…

Ngôn ngữ của giới trẻ: Bóp méo tiếng Việt

(ANTĐ) - Thời gian gần đây, không ít người vò đầu bứt tai khi đọc được những dòng thư điện tử, tin nhắn, thậm chí là trên những trang nhật ký cá nhân trực tuyến (blog) của những bạn trẻ khi họ say sưa chế biến và sử dụng “ngôn ngữ” bằng cách lai ghép, thay thế vô lối từ ngữ tiếng Việt…

Phần mềm V2V dịch từ tiếng Việt sang tiếng Việt được giới trẻ sử dụng để dịch chính ngôn ngữ do họ tạo ra

Ngôn ngữ quái dị

Qua tìm hiểu được biết đây là “mốt” ngôn ngữ riêng của giới trẻ. Đọc một đoạn tin nhắn trên điện thoại di động, lướt qua vài trang blog hoặc diễn đàn của giới trẻ, dễ dàng bắt gặp những mẩu đối thoại khác người. Trên một diễn đàn, một nick name có tên “co_nang_ ngo_ngao” viết: “Hum ni là 14-2 đéy pà kon ạ, đư pợn na dwc twng hoa kua! Ko 1 fan twng hoa jo min nen thay zui zui, (Hôm nay là 14/2 đấy bà con ạ, đã bạn nào được tặng hoa chưa! Có một người hâm mộ tăng hoa cho mình nên thấy vui vui). Một số em không biết cách định dạng kiểu chữ tiếng Việt trên trang soạn thảo blog nên dùng sẵn những gì có ngay trên bàn phím để chữ viết có thêm dấu cho dễ đọc. Cũng tại một diễn đàn dành cho tuổi mới lớn, chúng tôi bắt gặp một nick name có tên “dang_yeu” tâm sự: “Ngoi` pun` hok bjk lem` je^`, vo^ tinh` nghj~ den' anh, hok bjk jo` nay` anh dang lam` j` ” (Ngồi buồn không biết làm gì, vô tình nghĩ đến anh, không biết giờ này anh đang làm gì).

Sau nhiều ngày lang thang trên các trang web học trò và diễn đàn tuổi mới lớn, chúng tôi nhận ra một quy luật của kiểu viết tắt này, đó là một số chữ như: “b” đổi thành “p”, “i” thành “y” hoặc “j”, “c” thành “k”, “o” thành “u”... Không chỉ dùng cách viết này trong blog, tin nhắn thường ngày các em gửi cho nhau cũng tràn ngập kiểu viết như vậy. Một nữ học sinh nhắn cho bạn: “Tau pun ngu we” (Tao buồn ngủ quá). Tin nhắn trả lời: “Bit oj, mey mep nhu heo hem bik seo pun ngu lu’m tje?” (Biết rồi, mày mập như heo không biết sao buồn ngủ lắm thế).

Lý giải cho cách dùng chữ kiểu kỳ dị này, em Nguyễn Thu Trang - học sinh lớp 11 chia sẻ: “Các bạn em đều thích cách dùng chữ này vì nó ngộ ngộ, lạ và rất xì-tin. Hơn nữa, khi dùng những chữ kiểu này trong điện thoại chúng em sẽ hạn chế số lần nhấn vào bàn phím cũng như tiết kiệm ký tự và có thể nhắn tin nhiều hơn, tiết kiệm tiền hơn!”. Còn một nam học sinh lớp 10  lại đưa ra lý do, em bị mẹ kiểm soát sát sao và hạn chế nhắn tin với các bạn nữ trong lớp nhưng từ khi em chuyển sang cách nhắn tin toàn “ký hiệu”, mẹ vẫn kiểm tra nhưng có đọc mẹ em cũng không hiểu. Em thấy chữ viết như vậy rất phong cách, hầu hết bạn bè em đều nhắn với nhau như thế”.

“Lẩu thập cẩm”

Dường như các bạn trẻ đã và đang tạo lập cho mình một "ngôn ngữ" riêng, lệch với chuẩn của ngôn ngữ mẹ đẻ, thậm chí các em còn tự tin xen rất nhiều từ tiếng Anh vào ngôn ngữ chính thống. Ở các nước sử dụng tiếng Anh, khi họ viết trong tin nhắn chữ "sk8board" thay vì viết đầy đủ là "skateboard" (ván trượt). Sở dĩ có sự viết tắt này là vì âm "ate" được phát ra nghe tương tự như "eight" (số 8). Còn ở Việt Nam, giới trẻ cũng có nhiều cách vận dụng ngôn ngữ thú vị và mặc dù biết tiếng Anh nhưng chúng tôi đã phải mất vài phút để hiểu các bạn nói gì. Ví dụ như: “Ugly tiger” nghĩa là “xấu hổ” (ugly = xấu, tiger = con hổ); “no have spend” nghĩa là “không có chi” (no = không, have = có, spend = chi, ví dụ như chi tiền!). Khi chúng tôi đặt câu hỏi với một số bạn tại sao lại chọn cách diễn đạt bằng thứ tiếng Anh sai từ loại và ngữ pháp như vậy, thì nhận được câu trả lời: “chúng em quen dùng rồi”, “ngôn ngữ ấy đã phổ biến” và “vậy mới là... sáng tạo”.

Thậm chí, đối với tiếng Việt các em có cách sử dụng “độc chiêu” hơn bằng cách gõ trên màn hình chữ "3 em mới đi làm về" thay vì viết đầy đủ "Ba (bố) em...". Chị Nguyễn Hồng Hạnh, ở phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy có con đang học lớp 11 lo lắng: “Kiểu dùng ngôn ngữ của các em hiện nay được phổ biến bởi sự trợ giúp của bàn phím máy vi tính hoặc phím điện thoại di động. Song đáng lo hơn, loại ngôn ngữ này còn tiêm nhiễm vào vở, bài làm của học sinh. Mấy hôm trước, tôi tình cờ xem vở môn Văn của cháu, thấy rối tinh rối mù, nhiều đoạn không đọc được. Thỉnh thoảng, cháu nói chuyện điện thoại với bạn bè cũng phát âm theo cách viết quái dị đó. Chẳng rõ nhà trường có biết để chấn chỉnh các cháu hay không?”.

Các nhà ngôn ngữ học hiện đang đau đầu về cách sử dụng ngôn ngữ của giới trẻ hiện nay với muôn vàn tiếng lóng, thậm chí là các từ mới chưa bao giờ xuất hiện trong từ điển. Đó không chỉ là sự sáng tạo đơn thuần mà điều đó phản ánh sự thay đổi trong lối sống của giới trẻ trong đó sự giao thoa của các nền văn hóa là một ví dụ và ngôn ngữ là yếu tố dễ nhận thấy nhất…

Ngọc Bảo - Huệ Linh