Kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô 10-10

Diệu kỳ Hà Nội

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Những tưởng sau cơn bão số 3, với hình ảnh phố phường Hà Nội tiêu điều, ai cũng nghĩ sẽ phải mất nhiều thời gian và công sức thì Thủ đô mới “vực dậy” được. Nhưng thật diệu kỳ, những ngày này, chẳng cần những ai ở xa Hà Nội, chẳng phải những ai lâu lâu mới có dịp về thăm Thủ đô, mà những người hàng ngày, hàng giờ sống giữa lòng Hà Nội cũng phải thốt lên: “Hà Nội ta sạch, đẹp và kiêu hãnh làm sao”.

Ra đi để trở về

Nhớ 70 năm trước, khi đoàn quân ta tiến về Hà Nội, cả thành phố như bừng tỉnh, người người hân hoan nở rộ môi cười mà nước mắt trào dâng. Hà Nội mới đó thôi, mới chỉ đêm hôm trước cả thành phố trầm lặng, cả thành phố không ngủ, để rồi sáng ra cả thành phố như ùa reo đổ ra ngoài phố. Những chàng trai, cô gái Hà thành từ chinh chiến ra đi, từ chinh chiến trở về cũng thấy thật ngỡ ngàng, bởi trước mắt là cả một rừng cờ hoa, rừng nụ cười cùng hân hoan chào đón. Đêm hôm trước, người Hà Nội đã âm thầm bảo nhau chuẩn bị cờ, chuẩn bị hoa, chuẩn bị những bộ áo quần đẹp nhất để chào đón ngày giải phóng.

Cột cờ Hà Nội được dựng ngay bên bờ hồ với Quốc kỳ tung bay trong gió, chào mừng 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô 10-10

Cột cờ Hà Nội được dựng ngay bên bờ hồ với Quốc kỳ tung bay trong gió, chào mừng 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô 10-10

Trong đoàn quân tiến về Hà Nội buổi sáng 10-10 năm ấy, có những người con Hà Nội ra đi với lời thề “Hà Nội ơi, hẹn ngày trở lại”. Trong đoàn quân tiến về Hà Nội sáng hôm ấy có những người em, người anh, người chú, người cha. Họ trở về ngôi nhà của mình sau 8 năm xa thành phố. Mới thấy, thời gian dù có dài đến đâu cũng trở nên gần, bởi trong lòng người ra đón và trong lòng người trở về luôn có một “Hà Nội của chúng ta, tự hào và kiêu hãnh”. Cờ và hoa, hoa và nụ cười, nụ cười và nước mắt, tất cả đều chung một ý nghĩ: Để Hà Nội đẹp hơn và tự hào hơn.

Còn nhớ Tết Quý Sửu 1973, một cái Tết như chưa bao giờ có Tết vậy. Năm đó, tôi đã đủ tuổi đeo huy hiệu Đoàn, nhưng vẫn còn quá trẻ để hiểu mọi chuyện. Tôi đã sững sờ không hiểu bằng cách gì và như thế nào mà Hà Nội mới trước đó còn chìm trong đau thương của bom B52, phố phường Thủ đô còn hoang tàn, vắng vẻ, vậy mà sáng mùng 1 Tết Quý Sửu, dường như cả thành phố cùng đổ ra đường, dường như cả Hà Nội chỉ có hoa và cờ. Thế mới biết, dù trong hoàn cảnh khó khăn đến mấy thì người Hà Nội luôn có sẵn trong mình một niềm tin.

Những chàng trai Hà Nội năm nào từng quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh nay trở về tiếp quản Thủ đô sáng 10-10-1954

Những chàng trai Hà Nội năm nào từng quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh nay trở về tiếp quản Thủ đô sáng 10-10-1954

Thế mới biết, đón ngày chiến thắng huy hoàng bao giờ cũng được người Hà Nội chuẩn bị chu đáo. Chu đáo từ một lá cờ, từ một bông hoa. Người người cùng chuẩn bị hoa. Người người cùng chuẩn bị cờ. Vậy là có một ngày vui trọn vẹn. Người Hà Nội vui giữa rừng cờ hoa. Người Hà Nội vui giữa rừng nụ cười. Cảm ơn thi sĩ Xuân Quỳnh, chị đã nói đúng lòng người Hà Nội. Người Hà Nội là như thế, tin yêu và sâu sắc: “Tình ta như hàng cây/Đã qua mùa gió bão/Tình ta như dòng sông/Đã yên ngày thác lũ/ Thời gian như là gió/Mùa đi cùng tháng năm/Tuổi theo mùa đi mãi/Chỉ còn anh và em/Chỉ còn anh và em? Cùng tình yêu ở lại”.

Có người đã nói rằng: “Nếu như không có niềm tin, nếu như không có tình yêu thì sẽ không có ngày vui đầy đủ”. Hà Nội những ngày tháng 10 này đúng là những ngày của niềm tin, những ngày của tình yêu với đủ đầy cả về nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.

Hà Nội đón Tết Quý Sửu 1973 khi hậu quả đợt oanh kích B52 vẫn còn hết sức nặng nề

Hà Nội đón Tết Quý Sửu 1973 khi hậu quả đợt oanh kích B52 vẫn còn hết sức nặng nề

Hào hoa và thân ái

Tôi thong thả bước đi, đường phố Hà Nội đang đẹp dần lên trong mắt. Đường phố Hà Nội đang đẹp dần lên trong tâm tưởng. Những đường phố Hà Nội khi bước vào thu bao giờ cũng dịu dàng hơn, bình yên hơn. Không còn cảnh tấp nập, xô bồ vốn có thường ngày. Thỉnh thoảng sẽ phảng phất những cơn mưa phùn, mang theo cơn gió heo may se se lạnh rất riêng của mùa thu.

Và trong tôi như vang lên câu hát: “Em nghe chăng trong lắng sâu/Nơi hồng trái tim mình/ Hà Nội mùa thu ôi xao xuyến trong lòng ta/Như bâng khuâng nghe gió đưa/ Vang vọng giữa Ba Đình/Lời Người thu năm ấy/Màu cờ thu năm ấy/Vẫn đây xanh trời mây/Thu đi dài năm tháng/ Vinh quang và duyên dáng/Cho ta gương mặt sáng ngời/ Dáng vóc của Thủ đô/Ôi sao yêu quý Hà Nội ơi” (Hà Nội mùa thu - Vũ Thanh). Câu hát cứ ngân nga, vang xa. Những con đường tươi thêm trong sắc hoa và trong màu cờ đỏ. Tôi như đắm mình trong câu hát, tự thân chợt dấy lên niềm tự hào. Hà Nội vừa trải qua những ngày khó khăn, những ngày bề bộn, có rất nhiều việc phải làm, đó là những việc cần sự chung tay, góp sức của mọi người.

Phố đi bộ hồ Gươm chuẩn bị cho các hoạt động văn hóa chào mừng kỷ niệm 70 năm ngày Giải phóng Thủ đô 10-10

Phố đi bộ hồ Gươm chuẩn bị cho các hoạt động văn hóa chào mừng kỷ niệm 70 năm ngày Giải phóng Thủ đô 10-10

Người Hà Nội là thế, thanh lịch và hào hoa. Nét thanh lịch trước tiên thuộc về suy nghĩ làm sao để có một Hà Nội đẹp, dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng phải đẹp. Người Hà Nội là vậy, càng phải tự làm đẹp cho mình như một cách để cho toàn thành phố đẹp lên. Người Hà Nội hào hoa, sự hòa hoa trước tiên thuộc về thái độ chân thành và cởi mở. Hà Nội luôn rộng mở, từ những con đường rộng mở cho đến những tâm hồn rộng mở. Hào hoa là lịch thiệp. Hào hoa là thân ái. Lịch thiệp với mọi người và thân ái cũng với mọi người.

Những chàng trai, cô gái Hà thành trở về Giải phóng Thủ đô, trở về với ngôi nhà của họ sau 8 năm kháng chiến

Những chàng trai, cô gái Hà thành trở về Giải phóng Thủ đô, trở về với ngôi nhà của họ sau 8 năm kháng chiến

Và mùa thu tháng 10 này vẫn thế. Người Hà Nội cố gắng vượt qua những khó khăn, kiêu hãnh vượt qua những bộn bề để có những ngày đón thu tháng 10 vui vầy ý nghĩa. Cho dù “Tháng năm trôi/Ừ nhỉ tháng năm trôi/Thu vẫn thủy chung trong màu hoa cúc/Thu vẫn thủy chung và tóc em xanh ngắt/ Thơm thơm hương bưởi hương nhài” (Hà Nội áo dài - Nguyễn Trọng Văn). Tôi vẫn thong thả bước trên đường Hà Nội, và khẽ thốt lên: “Thật diệu kỳ Hà Nội”.