"Ngòi nổ" Syria trong quan hệ Nga - Mỹ

ANTD.VN - Bất đồng quanh cuộc chiến tại Syria không chỉ đẩy quan hệ giữa Nga và Mỹ lún sâu thêm vào khủng hoảng mà còn làm dấy lên lo ngại về nguy cơ xảy ra Chiến tranh Thế giới thứ ba.

"Ngòi nổ" Syria trong quan hệ Nga - Mỹ ảnh 1Tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov - tàu sân bay duy nhất của  Nga tiến về Địa Trung Hải để tham chiến tại Syria

Đó không phải là một sự lo lắng thái quá mà là kết quả cuộc thăm dò dư luận do Trung tâm điều tra dư luận xã hội uy tín Levada của Nga tiến hành và công bố ngày 31-10. Theo đó, gần một nửa số người dân Nga được hỏi ý kiến đã tỏ ra lo ngại nguy cơ xảy ra Chiến tranh Thế giới thứ ba nếu cuộc khủng hoảng tại Syria tiếp tục bế tắc. 

Trung tâm Levada cho biết, có tới 48% số người được hỏi quan ngại quan hệ ngày càng căng thẳng giữa Nga và phương Tây, đứng đầu là Mỹ liên quan tới cuộc xung đột đã bước sang năm thứ sáu tại Syria sẽ châm ngòi cho một cuộc chiến tranh thế giới mới. Tỷ lệ này đã tăng mạnh so với tỷ lệ 29% trong cuộc thăm dò cũng do Trung tâm Levada tiến hành cách đây 3 tháng.

Bất đồng giữa Nga và Mỹ đã bắt đầu ngay khi cuộc chiến đẫm máu tại Syria bùng phát đầu năm 2011. Trong khi Washington luôn khăng khăng cho rằng chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad là căn nguyên dẫn tới xung đột và đòi ông al-Assad phải ra đi như điều kiện tiên quyết thì Matxcơva lại có quan điểm ngược lại.

Xung đột giữa hai cường quốc càng gia tăng thêm khi Nga quyết định trực tiếp tham chiến tại Syria từ ngày 30-9-2015. Đỉnh điểm  xung đột giữa Mỹ và Nga trong cuộc chiến Syria được ví như “giọt nước tràn ly” khi hai cường quốc này đổ lỗi cho nhau về lệnh ngừng bắn mới nhất có hiệu lực đầu tháng 9 vừa qua do họ làm trung gian song đã nhanh chóng đổ vỡ.

Mâu thuẫn ngày càng sâu sắc trong khi những vụ va chạm giữa máy bay chiến đấu của Nga và Mỹ trên bầu trời Syria không ít lần xảy ra là những lý do khiến người Nga lo ngại cuộc chiến tại quốc gia Trung Đông có thể trở thành “ngòi nổ” cho chiến tranh thế giới mới giữa hai nước. Mối quan ngại này không phải quá xa xôi khi mà quan hệ Nga-Mỹ được cho là đã xuống mức thấp nhất kể từ thời Chiến tranh lạnh. 

Sự trỗi dậy của nước Nga với vị thế cường quốc toàn cầu kể từ sau cuộc khủng hoảng toàn diện và sâu sắc khi Liên Xô tan vỡ đã khiến phương Tây, đi đầu là Mỹ, tìm mọi cách để ngăn chặn ảnh hưởng của Matxcơva. Trước hết, ngay sau khi Liên Xô tan vỡ, chiến lược “Đông tiến” lập tức được tăng tốc để đưa lực lượng NATO, nòng cốt là lực lượng Mỹ, áp sát biên giới Nga từ phía Tây.

Phản ứng của Nga trong cuộc khủng hoảng Ukraine mà tâm điểm là việc sáp nhập bán đảo Crimea hồi tháng 3-2014 ở góc độ nào đó được xem là sự đáp trả cứng rắn của Matxcơva trước việc NATO đưa biên giới của liên minh quân sự do Mỹ đứng đầu này áp sát biên giới nước Nga. Bất đồng cùng đòn trừng phạt qua lại giữa phương Tây và Nga quanh cuộc khủng hoảng Ukraine chẳng khác nào những thỏi thuốc nổ nguy hiểm trong mối quan hệ Nga-phương Tây nói chung, đặc biệt là quan hệ Nga-Mỹ.

Trong một động thái liên quan, Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 31-10 đã ký phê chuẩn Luật Ngừng thỏa thuận Nga-Mỹ về tiêu hủy plutoni. Trên đỉnh điểm của hàng loạt những căng thẳng nối tiếp nhau, mâu thuẫn giữa Nga và Mỹ trong cuộc chiến Syria vì thế càng trở nên đáng lo ngại.