Ngọc Hân được mẹ và bà ngoại ủng hộ trong vai trò mới

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Hoa hậu Ngọc Hân rất hạnh phúc khi trong ngày cô tổ chức triển lãm tranh cho họa sĩ Đoàn Đức Hùng tại Đà Lạt có bà ngoại và mẹ tham dự để động viên tinh thần cho cô ở vai trò mới.

Hơn một năm qua, nàng hậu có bước chuyển mình sang mảng tổ chức sự kiện trong lĩnh vực hội họa với mong muốn đưa Đà Lạt trở thành một điểm đến nghệ thuật cho những người yêu cái đẹp trên khắp Việt Nam, đồng thời góp phần giúp các họa sĩ trong nước có cơ hội đến gần hơn với công chúng. Không chỉ đứng ở cương vị nhà tổ chức, chiều qua, cô còn làm MC cho buổi khai mạc.

Cô thổ lộ, sau nhiều năm hoạt động showbiz, cô có cơ duyên quay lại với mỹ thuật, đam mê từ thuở cô còn là sinh viên trường Đại học Công nghiệp Hà Nội. Nhờ sự giúp đỡ của rất nhiều chuyên gia trong giới hội họa và các cộng sự, hơn một năm qua, cô đã tổ chức thành công 7 triển lãm tại Đà Lạt.

“Từ khi đắm mình vào thế giới của màu sắc, sáng tạo, tôi thay đổi rất nhiều về cách nhìn cuộc sống của mình. Càng có cơ hội ngắm tranh, tiếp xúc với các họa sĩ, tôi thấy mình rất nhỏ bé trong cuộc đời và những gì mình làm được cũng chưa có gì to tát. Tôi dần học cách sống bình lặng hơn, chầm chậm cảm nhận mọi thứ xung quanh và trân trọng tất cả các cơ hội, công việc mình đang có. Tôi thấy mình may mắn khi có sự chuyển hướng sang mảng tổ chức triển lãm tranh, học hỏi được nhiều từ đó để bổ trợ cho vai trò nhà thiết kế áo dài của mình, đồng thời giúp tôi trưởng thành, chín chắn hơn trong tính cách cũng như thế giới quan”, Ngọc Hân chia sẻ.

Bà ngoại và mẹ của Ngọc Hân mặc áo dài truyền thống khi đến dự triển lãm tranh do nàng hậu tổ chức tại Đà Lạt vào chiều qua

Bà ngoại và mẹ của Ngọc Hân mặc áo dài truyền thống khi đến dự triển lãm tranh do nàng hậu tổ chức tại Đà Lạt vào chiều qua

Bà ngoại và mẹ ruột của Ngọc Hân trong sự kiện chiều qua đã bày tỏ niềm tự hào về nàng hậu khi chứng kiến cô làm việc. Cả hai đều diện áo dài truyền thống đến tham gia triển lãm tranh. Bà ngoại của Ngọc Hân cười không ngớt bởi đã lâu lắm rồi, bà mới có dịp thong thả đi ngắm tranh. “Bà tôi là người rất yêu cái đẹp và thích khám phá thế giới. Bà đã ở tuổi 85, sức khỏe cũng không được tốt nên mỗi khi có cơ hội, tôi muốn đưa bà và mẹ đi tận hưởng những niềm vui nhỏ bé như ngắm tranh, du lịch cùng con cháu”, cô nói.

Ngọc Hân không chỉ là người tổ chức mà còn đảm nhận vai trò MC cho sự kiện khai mạc triển lãm tranh cho họa sĩ Đoàn Đức Hùng
Ngọc Hân không chỉ là người tổ chức mà còn đảm nhận vai trò MC cho sự kiện khai mạc triển lãm tranh cho họa sĩ Đoàn Đức Hùng

Không chỉ bà ngoại, mẹ ruột cũng là người ủng hộ công việc của Ngọc Hân. Từ khi cô đăng quang Hoa hậu Việt Nam 2010, trở thành nhà thiết kế thời trang và mở thương hiệu áo dài riêng, mẹ luôn ở phía sau hộ trợ, thậm chí giúp cô quản lý showroom. Nhìn con gái mỗi ngày một trưởng thành và có thêm thành công trong sự nghiệp cũng như ổn định cuộc sống hôn nhân, mẹ Ngọc Hân rất hạnh phúc.

Tại buổi khai mạc triển lãm tranh cá nhân của họa sĩ Đoàn Đức Hùng vào chiều 26/8, nàng hậu cho biết, họa sĩ là người được giới chuyên môn đánh giá cao về sự sáng tạo nhưng lại sống khá lặng lẽ của Hải Phòng. Có dịp tiếp xúc trò chuyện và ngắm tranh của anh, cô cùng các cộng sự đều yêu thích và mong muốn đưa tranh giới thiệu đến những người yêu nghệ thuật tại Đà Lạt, thành phố cao nguyên mà họa sĩ Đoàn Đức Hùng dành tình cảm đặc biệt. Đây cũng là triển lãm cá nhân đầu tiên của họa sĩ sau nhiều năm làm nghề.

Họa sĩ Đoàn Đức Hùng (phải) lần đầu có triển lãm cá nhân sau nhiều năm làm nghề

Họa sĩ Đoàn Đức Hùng (phải) lần đầu có triển lãm cá nhân sau nhiều năm làm nghề

Triển lãm "Chuyện mình" của Đoàn Đức Hùng trưng bày gần 80 tác phẩm, chất liệu sơn dầu. Đây là những tác phẩm chưa từng triển lãm ở đâu, được chọn lọc kỹ lưỡng từ khoảng hơn 100 bức, sáng tác trong 5 năm trở lại đây. Triển lãm là câu chuyện về cuộc sống của Đoàn Đức Hùng được kể bằng hội họa. Anh kể những câu chuyện của riêng mình, chuyện của gia đình mình, vợ con, ngôi nhà, vài khuôn mặt người thân, bạn bè, hàng xóm. Bên cạnh đó còn là chuyện nghề, chuyện vẽ, xưởng họa, người mẫu, những bức chân dung tự họa thấp thoáng vui buồn.

Đảm nhận vai trò giám tuyển cho triển lãm, họa sĩ Lê Thiết Cương cho biết, trong nghệ thuật thì không có đề tài to hay nhỏ, sơn dầu hay sơn mài… đó chỉ là phương tiện. Cho dù là chuyện của một người nhưng khái quát được chuyện của cõi người thì thành nghệ thuật. Trong riêng của chung, trong chung có riêng. Một trong tất cả, tất cả trong một là thế. Nếu đi qua được lòng mình thì sẽ đến được lòng người.

Triển lãm "Chuyện mình" của Đoàn Đức Hùng trưng bày gần 80 tác phẩm, chất liệu sơn dầu

Triển lãm "Chuyện mình" của Đoàn Đức Hùng trưng bày gần 80 tác phẩm, chất liệu sơn dầu

“Tôi cứ hình dung rằng, trước khi vẽ, Hùng sẽ ngồi trước nhân vật của mình, ngắm nghía, trò chuyện tâm sự hoặc ngẫm nghĩ về nhân vật ấy thật lâu, chậm rãi đợi và đợi đến khi cảm xúc tràn đầy thì sẽ vẽ thật thanh, ào ạt, một hơi không nghỉ. Nhiều bức, người xem thấy tốc độ bút bay, lướt trên toan như sợ rằng thao tác vẽ không theo kịp cảm xúc. Vẽ cũng như tu thiền, chỉ có hai con đường, hoặc là đốn ngộ hoặc là tiệm ngộ. Hùng thuộc tông phái đốn ngộ, ‘đốn vẽ’.

Đoàn Đức Hùng không vẽ kiểu ngâm nga, vờn tỉa, tô đi dạm lại, tỉa tót tỉ mẩn. Những vết bút đẫm sơn trôi trên mặt toan theo đà của xúc cảm chứ không chạy theo hình, gò theo hình. Những nhát bút khoáng đạt, không gò gẫm vào hình, nô lệ vào hình, bó thân về hình. Khái niệm đúng hình trở nên vô nghĩa”.

Bản thân họa sĩ Đoàn Đức Hùng cũng chia sẻ rằng, anh không thích sự gò bó, cố tạo “phong cách” nhưng cũng không muốn các tác phẩm của mình sa đà vào “chủ nghĩa tự nhiên”. “Cũng chẳng phải là tuyên ngôn gì ghê gớm, đại khái là khi vẽ, tôi theo cảm xúc của mình mà không câu nệ gì, cố gắng hoàn thiện tác phẩm một cách tốt nhất theo khả năng của mình”, anh nói.