Nghịch lý tại Syria, phòng không Nga mạnh nhưng vẫn chưa hoàn hảo

ANTD.VN - Có thể nói lưới lửa phòng không được triển khai của Nga tại Syria đang có mặt của những hệ thống phòng không mạnh nhất hiện nay, từ Pantsir-S1, S-300 cho tới cả S-400, nhưng dù mạnh mẽ và uy lực chúng vẫn chưa hoàn hảo.
Cuộc tấn công liều lĩnh của nhóm phiến binh vào căn cứ không quân Hmeymim của Nga làm 2 binh sĩ thiệt mạng đã làm dấy lên nhận định rằng, dù lưới lửa phòng không của Nga quá mạnh nhưng nó vẫn chưa hoàn hảo.

Theo nguồn tin đối lập con số thiệt hại lớn hơn những gì mà Nga công bố. Theo họ có tới 7 máy bay chiến đấu của bị hư hại nghiêm trọng trong cuộc tấn công này.

Có thể thấy, sau khi hai quân nhân Nga đã hy sinh trong vụ phiến quân tấn công bằng đạn súng phóng lựu vào sân bay Hmeymim, lực lượng Nga tại Syria đã tăng cường khả năng phòng thủ của sân bay này lên mức tối đa.

Bất kể vật thể lạ nào xuất hiện xung quanh căn cứ mà không phản hồi lại tín hiệu cảnh báo đều sẽ bị bắn hạ một cách nhanh chóng.

Việc phiến quân có thể ngang nhiên tấn công vào sân bay Hmeymim hôm 31-12-2017 cho thấy một lỗ hổng lớn trong hệ thống phòng thủ của lực lượng Nga.

Để bảo vệ căn cứ Hmeymim trước các đòn tấn công từ trên không, Nga đã điều động sang Syria các hệ thống phòng không tầm xa tiên tiến như S-400, S-350 Vityaz, S-300V4..

Cùng với các hệ thống phòng không tầm trung và tầm gần như Buk-M2E và Pantsir-S

Không thể phủ nhận các hệ thống của Nga rất mạnh trong việc đánh chặn các mục tiêu trên không. 

Hầu như mọi máy bay chiến đấu, tên lửa hành trình và UAV đều có thể bị đánh chặn dễ dàng.

Ngay cả Mỹ và Israel cũng phải dè chừng lưới lửa phòng không dày đặc nhiều tầng lớp của Nga tại Syria.

Tuy vậy nếu mục tiêu tấn công là đạn cối, một loại vũ khí có kích thước nhỏ hơn nhiều lần so với UAV và đạn pháo phản lực thì hầu như các hệ thống phòng không của Nga tại Syria lại không hiệu quả.

Hệ thống phòng không tầm thấp Pantsir-S1 có thể dễ dàng phá hủy UAV và đạn pháo phản lực BM-21.

Nhưng với đạn cối thì lại là chuyện khác.

Kích cỡ quá nhỏ của quả đạn cối khiến radar khó có thể phát hiện và đưa ra lệnh đánh chặn thành công.

Một khẩu đội cối của quân đội Nga đang khai hỏa.

Cả Nga và Mỹ đều chưa có hệ thống phòng không đủ sức đánh chặn đạn cối hiệu quả.

Cho tới nay mới chỉ có duy nhất Israel thành công trong việc phát triển một hệ thống đánh chặn hiệu quả đạn rocket và đạn cối mang tên Iron dome (chiếc vòm sắt).

Hệ thống Iron dome của Israel có khả năng đánh chặn thành công tới 80% đạn cối bắn tới từ tất cả các hướng.

Trong khi đó Pantsir-S1 dù đã thể hiện rất xuất sắc tại chiến trường Syria, nhưng cũng không thể giúp Nga tránh được cuộc tấn công từ đạn cối của đối phương.

Ngoài ra việc chỉ dựa vào các phương tiện trinh sát trên không mà không có lực lượng tuần tra bằng con người có thể khiến quân Nga bị bất ngờ trước những toán phiến quân nhỏ dưới 10 người, trang bị các vũ khí hỏa lực cá nhân như cối, súng phóng lựu hay tên lửa chống tăng.

 Giới chuyên gia quân sự nhận định rằng, chỉ với một toán quân nhỏ tinh nhuệ, có khoảng 3-5 khẩu cối hạng nặng bắn tập trung là có thể gây thiệt hại nặng cho các máy bay Nga vốn thường xuyên đỗ hàng dài ở ngoài trời, trên đường băng của sân bay quân sự Hmeymim. 

Lực lượng phiến quân đã chọn thời điểm tấn công vào căn cứ không quân Hmeymim ngay sau khi Nga rút một lượng lớn quân lực tại căn cứ này về nước. 

Rõ ràng, kế hoạch tấn công vào Hmeymim đã được phiến quân chuẩn bị rất kỹ lưỡng trước khi thực hiện. 

Rút kinh nghiệm, Nga đã cho triển khai hệ thống phòng thủ bao gồm cả các đơn vị mặt đất được trang bị xe tăng và xe chiến đấu bộ binh tốc độ cao, họ sẽ tuần tra kiểm soát, không cho đối phương tiếp cận gần căn cứ.

Nếu chỉ sử dụng UAV hoặc đạn pháo phản lực thì khủng bố đã không thể thành công trong việc tấn công vào căn cứ Nga.

Trước đó hệ thống Pantsir-S1 đã từng đánh chặn các đạn rocket được phóng đi từ hệ thống pháo phản lực BM-21.

Mới đây trong cuộc tấn công bằng 13 máy bay không người lái mang theo vũ khí của phiến quân vào căn cứ Nga cũng bị thất bại.

Hình ảnh UAV bị hệ thống Pantsir-S1 dễ dàng tiêu diệt bằng đạn pháo 30mm.

Ngoài ra những tên lửa triển khai trên Pantsir-S1 cũng góp phần phá hủy các UAV này.

Đạn pháo 30mm của hệ thống Pantsir-S1 đang được nạp.

Sau khi 7 chiếc UAV bị Pantsir-S1 bắn cháy. 6 chiếc còn lại bị Nga chiếm quyền điều khiển và ép hạ cánh xuống khu vực Nga kiểm soát.

Tuy vậy Nga vẫn lo sợ về một cuộc tấn công bằng đạn cối của phiến binh khủng bố có thể lặp lại.

Nếu cuộc tấn công bằng đạn cối diễn ra, Nga sẽ lại chịu nhiều tổn thất.

Chính vì vậy dù hệ thống phòng không của Nga rất mạnh nhưng vẫn chưa đạt đến độ hoàn thiện, ít nhất cho tới khi có một hệ thống tương tự như Iron dome ra đời.

Hiện tại Nga đã tăng cường các cuộc trinh sát có sử dụng lực lượng đặc nhiệm thay vì chỉ ỷ vào các khí tài trinh sát.

Sự tuần tra gắt gao của Nga đã vô hiệu hóa khả năng tiếp cận căn cứ của khủng bố.